Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 - 2030

Chiều 25.8, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 - 2030. Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ địa bàn I, UBKT T.Ư; GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; Thường trực HĐND - UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Là tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Hà Giang luôn quan tâm, chỉ đạo, đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) với nhiều kết quả nổi bật: Thành lập thêm 8 trường PTDT nội trú THCS&THPT, thành lập Phân hiệu Đại học Thái nguyên tại tỉnh; thành lập Quỹ Khuyến học - Khuyến tài; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tính đến 30.6, toàntỉnh có 820 cơ sở giáo dục,9.926 nhóm/lớp với trên 265.800 học sinh; trên1.900 điểm trường; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 51,06%; trên 18.000 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên. Tính theo định mức thiếu trên 2.900 giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 64,1%; tỷ lệ huy động học sinh 6 - 14 tuổi đến trường đạt 99,23%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học hằng năm đạt từ 95 - 97%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ngày càng tăng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HHĐN tỉnh Thào Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị

Sau khi nghe Dự thảo Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Hà Giang giai đoạn 2023 - 2030, đã có nhiều ý kiến tham luận tại hội nghị của các đại biểu. Bên cạnh việc khẳng định sự quan tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, triển khai nhiều giải pháp nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục; các đại biểu cũng tập trung phân tích, đánh giá nguyên nhân, khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục; đề xuất nhiều giải pháp, trong đó tập trung: Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo tại Phân hiệu Đại học Thái Nguyên; nêu cao tinh thần, trách nhiệm, đạo đức nhà giáo, vai trò người đứng đầu; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ sở giáo dục; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học...

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu bế mạc hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng phân tích, nhấn mạnh thêm 4 nhóm nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém trong công tác giáo dục của tỉnh hiện nay; đồng thời chỉ đạo 9 nhóm giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng GD&ĐT của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo (Toàn văn bài phát biểu của Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đăng kèm tin trên Báo Hà Giang Điện tử).

Các đại biểu dự hội nghị

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu các cấp, ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, bảo đảm số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục; tạo điều kiện để cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; nghiên cứu tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút, tuyển dụng giáo viên; thí điểm bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục theo hình thức thi tuyển. Các nhà trường không chạy theo thành tích, bảo đảm dạy thật, học thật và đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh, phát huy vai trò nêu gương, mẫu mực của đội ngũ nhà giáo; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô các trường PTDT nội trú, bán trú, đưa học sinh tiểu học từ điểm trường về học tại trường chính; tiếp tục tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 bằng hình thức thi tuyển, khảo sát, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; chú trọng dạy học tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng chất lượng thi tốt nghiệp THPT; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm. Ngay sau khi Đề án nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 - 2030 được phê duyệt, các cấp, ngành xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện hiệu quả.

Tin: Biện Luân; Ảnh: Văn Nghị

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/tin-tuc/202308/hoi-nghi-nang-cao-chat-luong-giao-duc-giai-doan-2023-2030-5c123a8/