Hôi của và trộm chó: Cần làm gì trước một đám đông khổ sở và hèn hạ?

Bạn đã bao giờ tự hỏi những người đánh chết kẻ trộm chó sẽ phản ứng như thế nào khi gặp cảnh "hôi của" trên đường chưa?

Một kẻ trộm chó bị người dân đánh hội đồng trọng thương và tử vong tại bệnh viện.

Nạn trộm chó ngày càng phổ biến, phức tạp; bạo lực và những cái chết bắt nguồn từ hành vi trộm chó cũng ngày càng gia tăng.

Việc cả xóm, cả làng thẳng tay đánh đập kẻ trộm chó đến mức nhập viện hoặc thậm chí tử vong tại chỗ không còn hiếm như trước nữa. Nhiều người ngoài cuộc dù hiểu luật, dù biết rõ kẻ bị tập thể hành hung dã man là đồng loại nhưng vẫn ủng hộ chuyện "con chó đổi mạng người". Với họ, những con vật nuôi đáng được sống hơn cẩu tặc, cẩu tặc là kẻ sẽ làm chuyện xấu cả đời nên đáng bị trừng trị?!

Khoan nhắc tới vấn đề thượng tôn pháp luật, tôi rất băn khoăn về phản ứng của những người đánh chết kẻ trộm chó khi gặp cảnh "hôi của" trên đường. Không biết họ sẽ tận tâm "thay trời hành đạo" hay lại bủn rủn, ngập ngừng vì tâm lí đám đông. Bởi hôi của và trộm chó - Hai sự việc tưởng chừng không liên quan song đều nói lên một sự thật đáng buồn: Đám đông đã thay đổi cách ứng xử của các cá nhân và coi sự thay đổi đó là khuôn phép, chân lí.

Trước khi người dân Bình Định đổ xô "hôi của" xe tải chở hàng sau vụ cháy ở phường Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn) ngày 1/11 vừa qua, đã có không ít vụ cướp bóc trắng trợn xảy ra ngay sau cơn hoạn nạn. Hồi giữa tháng 10, thông tin cả ngàn người cùng "cướp nghêu" tại Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi khiến những người lạc quan nhất phải lo lắng về sự suy thoái khủng khiếp về đạo đức, lối sống.

Tài xế đứng khóc, bất lực nhìn người dân "hôi của" trên chiếc xe tải gặp nạn.

Và mới đây, vụ tranh giành... tang vật xảy ra ở trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho chúng ta thấy rằng khi được trao cơ hội "cướp ngày" thì đội ngũ trí thức cao trong xã hội cũng hào hứng tham gia.

Bằng thái độ nhân văn, tích cực, một số người đã lên tiếng cảm thông khi người dân hùa nhau vào hôi của. Rằng người sống lâu trong no ấm, đủ đầy không biết đặt mình vào vị trí của các tầng lớp thấp hơn trong xã hội.

Nên nhớ rằng tình cảnh tuyệt vọng sau thảm họa động đất, sóng thần 5 năm trước (3/2011) ở Nhật Bản không làm người dân nơi đây mất đi ý chí kiên cường và lối ứng xử văn minh, lịch sự. Họ kiên nhẫn xếp hàng dài hàng km để nhận nước, chờ đến lượt lên xe bus và gọi điện thoại công cộng.

Đau buồn trước khung cảnh hoang tàn, đổ nát và số người chết tăng lên từng phút nhưng người Nhật không vì thế mà la lối, cướp bóc, tranh giành thực phẩm.

Do đó, lấy lý do nghèo đói để biện hộ cho hành động hung hăng, dã man là không thể chấp nhận được! Huống hồ, "chiến lợi phẩm" mà người đi đường ra sức nhặt nhạnh trong vụ hôi của xe tải sau hỏa hoạn là bột giặt, sữa tắm, dầu ăn... - những thứ mà người đói ăn, đói uống chẳng khi nào nghĩ tới.

Thiết nghĩ, khi đứng trước một đám đông khổ sở và hèn hạ, nếu không thể khuyên bảo và can ngăn, hãy bình tĩnh tìm cách ghi hình cận cảnh và gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Đừng bao giờ mất công giảng giải đạo lí để thức tỉnh bất kỳ ai trong số họ. Những tâm hồn đó chỉ có thể bớt méo mó nếu được ánh sáng pháp luật soi rọi, răn đe.

Trương Chi

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/hoi-cua-va-trom-cho-can-lam-gi-truoc-mot-dam-dong-kho-so-va-hen-ha-a305054.html