Học tập và làm theo Bác ở huyện vùng cao Đà Bắc

Là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, song những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 05 về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, huyện Đà Bắc đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình, điển hình hay, góp phần vào sự ổn định, phát triển quê hương.

Thường trực Đảng ủy xã Hào Lý (Đà Bắc) trao đổi, tìm giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện Chỉ thị số 05 trên địa bàn.

Bám sát đặc thù của huyện, BTV Huyện ủy Đà Bắc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của Chỉ thị số 05 theo phương châm "gắn việc học tập và làm theo Bác với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương”. Theo đó, cùng với việc ban hành các hướng dẫn, kế hoạch, chương trình thực hiện, Huyện ủy Đà Bắc chú trọng lãnh đạo các cấp ủy Đảng xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị phù hợp với địa phương, cơ quan, đơn vị; sửa đổi, bổ sung các chuẩn mực đạo đức, xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong đơn vị. Ðồng thời, lấy kết quả thực hiện việc làm theo là một nội dung kiểm điểm trong sinh hoạt chi bộ thường kỳ.

Đồng chí Đinh Lê Huy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: Điểm nổi bật trong thực hiện Chỉ thị số 05 trên địa bàn đó là, thực hiện chỉ đạo của BTV Huyện ủy, các tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ đã đưa việc học tập và làm theo Bác vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề tồn tại, phát sinh của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cụ thể như tại các xã của huyện, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện tốt việc gắn học tập và làm theo Bác với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Trên cơ sở đẩy mạnh học tập và làm theo Bác, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Đà Bắc đã xây dựng, duy trì nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa xã hội… Điển hình như mô hình nuôi cá lồng phát triển kinh tế hộ gia đình tại các xã vùng hồ sông Đà như Vầy Nưa, Hiền Lương, Tiền Phong; mô hình "Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật” tại xã Đồng Chum, xã Mường Chiềng; mô hình "Tổ đổi công” ở xã Giáp Đắt với 5 tổ tại các xóm: Bao, Bằng, Đắt 1, Đắt 4, Thàng Làng… Trong xây dựng đời sống văn hóa xã hội, điển hình là mô hình "Học tiếng đồng bào Dao” do ông Bàn Văn Chiêu, 86 tuổi ở xóm Dướng, xã Vầy Nưa khởi xướng; mô hình "Làng không có con em bỏ học” tại xóm Bon, xã Tân Pheo; mô hình "Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống” của Hội LHPN huyện; mô hình "Học chữ viết của người Tày” do ông Lường Đức Chôm tổ chức tại xã Trung Thành… Các mô hình được nhân rộng tại nhiều xã trong huyện không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn có tác dụng nhân rộng phong trào học tập, rèn luyện ở thế hệ trẻ để xây dựng cuộc sống mới trên địa bàn.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy thẳng thắn nhìn nhận: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị số 05 ở huyện còn có những hạn chế nhất định như: một số cấp ủy chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác ở địa phương, cơ quan, đơn vị; công tác tuyên truyền ở cơ sở có thời điểm còn chưa sâu rộng… Đây là những điểm được BTV Huyện ủy tập trung khắc phục để việc học tập và làm theo Bác thực sự lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm chuyển biến nhận thức, thống nhất hành động, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Hải Yến

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/135066/hoc-tap-va-lam-theo-bac-o-huyen-vung-cao-da-bac.htm