Họa tiết thủy ba thế kỷ 19 của Việt Nam được được tôn vinh trên váy áo ứng dụng

Qua BST lần này, NTK Vũ Việt Hà khẳng định thời trang Việt sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai dựa trên những giá trị truyền thống.

Lần thứ hai trở lại với Tuần lễ thời trang Quốc tế Việt Nam, nhà thiết kế Vũ Việt Hà tiếp tục được giao trọng trách kết màn với BST "Nước đầu nguồn". BST theo xu hướng thời trang bền vững - triết lý anh kiên định theo đuổi nhiều năm qua.

Lấy cảm hứng từ họa tiết thủy ba (sóng nước) trên trang phục cổ của Việt Nam thế kỷ 19, NTK phóng tác và cách điệu hoa văn này bằng kỹ thuật thêu thủ công, truyền thống lên toàn bộ 35 mẫu thiết kế dòng ready to wear.

Show dẫn dắt người xem từ tiếng sáo "Hồ trên núi" của nghệ sĩ Đinh Nhật Minh. Người mẫu Lê Hoàng Phương - Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 - mở màn trong bộ áo dài trắng thêu cách điệu hoa văn thủy ba của Việt Nam ở thế kỷ 19. Dựa trên phom áo dài thập niên 1930, nhà thiết kế phát triển kỹ thuật thêu trên nền vải gai sần.

Khán giả vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi anh đưa chất liệu denim dệt bằng sợi gai vào áo dài. Trên những tấm áo rộng mang hơi thở cổ điển với họa tiết sóng nước, sức sáng tạo của NTK được thỏa sức phát triển với hai cách xử lý sợi gai: gai xuyên thấu và denim. Việc thể hiện chúng trên cùng một chiếc áo tạo ra sự tương phản rõ rệt, kích thích thị giác tối đa.

Xuyên suốt "dòng chảy" ấy, những mẫu thiết kế được phát triển bằng những đường cắt cúp tự do, phóng khoáng, tạo thành nhịp điệu xuyên suốt với tông màu trắng, xám và xanh denim. Hình dáng các thiết kế đều được phát triển từ hình oval, tay và thân rộng, kết hợp nhịp nhàng cùng quần ống túm.

Trên nền giai điệu "Trống cơm", "Cô đôi thượng ngàn", "Chiếc khăn Piêu", "Giấc mơ trưa", khán giả được chiêm ngưỡng các thiết kế cơ bản, dễ mặc trong nhiều hoàn cảnh. Sơ mi thùng thình dáng dài kéo lệch vai, đầm suông rộng với ống tay loe điệu đàng, crop top dài tay xuyên thấu, áo khoác dáng dài mỏng nhẹ như tơ. Tất cả tạo nên một cuộc hội ngộ thú vị giữa tính truyền thống và đương đại, giữa quá khứ và tương lai.

Đặc biệt, sự táo bạo được đẩy lên cao khi anh thêu hoa văn cổ lên nhiều mẫu áo ngực và bikini, kết hợp áo choàng đi biển. Để giữ được nét tinh tế, nhà thiết kế tạo phom dáng quần đùi xẻ hông hai bên thay vì mẫu quần tam giác cơ bản, từ đó giúp người mặc kín đáo hơn mà vẫn đảm bảo nét gợi cảm vốn có của một bộ bikini.

Một trong những nét đặc biệt không thể không kể tới và cũng là sở trường của NTK còn là cách anh xử lý chất liệu. Vải sợi gai của Việt Nam được nâng tầm, khi anh lên ý tưởng dệt thành denim thay vì sợi bông như thông thường. Sau khi thu hoạch, cây gai được tuốt để lấy vỏ. Vỏ gai được đem phơi và sấy, phân loại, bảo quản và dệt, nhuộm màu xanh để hiệu ứng denim. Nhà thiết kế tốn khoảng 200m vải để thực hiện bộ sưu tập.

Trên nền vải denim này, kỹ thuật thêu tay và lọng được khai thác tối đa, tạo thành các khoảng hở vừa đủ gợi cảm, bao bọc bằng vải gai xuyên thấu. Nhà thiết kế cùng đội ngũ mất tới bốn tháng chỉ để thêu thủ công toàn bộ trang phục trong bộ sưu tập. Nhờ kỹ thuật thêu thượng thừa bởi những nghệ nhân lão luyện, hoa văn thủy ba trên thiết kế có bề mặt rất mướt và nhuyễn, chuyển màu nhịp nhàng. Để giúp bộ đồ cuốn hút, anh đính thêm các hạt pha lê cao cấp Swarovski trên đỉnh những con sóng bạc đầu.

Ngoài mở màn, Hoàng Phương còn giữ vị trí kết show với bộ đầm dạ hội dáng quây ngực với những sóng nước được thể hiện tầng tầng lớp lớp từ gấu váy lên ngực, mất một tháng rưỡi thêu tay. Thiết kế như một cách để nhấn mạnh và khẳng định hoa văn cổ hoàn toàn có thể thực hiện trên bộ đầm hiện đại, từ đó mở ra ý nghĩa: thời trang Việt sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai dựa trên những giá trị truyền thống.

Tiểu Mai

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/hoa-tiet-thuy-ba-the-ky-19-cua-viet-nam-duoc-duoc-ton-vinh-tren-vay-ao-ung-dung-20230717180826401.htm