Hoa Tết Sài Gòn

1. Năm 1972, anh Hai tôi vào Sài Gòn học đại học. Đến năm 1975, ba mẹ và các em tôi cũng vào theo, do thời cuộc.

Sài Gòn vào thời điểm đó trên dưới 2 triệu dân. Những năm đầu thập niên 1970, dân từ các tỉnh đổ về Sài Gòn lánh nạn chiến tranh ngày càng nhiều. Những ngôi nhà tạm nối nhau mọc lên chằng chịt ven kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè, Tàu Hũ. May mắn, ba mẹ tôi mua được căn nhà giá rẻ trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận. Lo chỗ ở tạm xong, mẹ tôi lao ra chợ Tân Định mua bán nuôi đàn con.

Năm đó đã sang tháng chạp, cận kề Tết rồi. Vốn liếng không nhiều, không quen biết ai nhưng mẹ cứ liều, vì đàn con. Em út tôi lúc đó vừa sinh được vài tháng. Nơi góc ngã ba đường Hai Bà Trưng - Bà Lê Chân có nhiều người bán hoa, gọi là hàng bông. Hoa từ Gò Vấp, Bà Điểm chở về bằng xe ngựa. Nhà vườn bán giá sỉ cho các chủ vựa. Chủ vựa phân phối lại cho người bán dạo. Mẹ tôi đứng quan sát một ngày rồi hôm sau quyết định nhập cuộc.

Trăm người bán, vạn người mua, không ai biết ai nhưng mẹ tôi vừa xuất hiện đã bị phát hiện liền.

"Bà từ đâu tới? Bà tên gì?", một bà bán hoa dạo hỏi.

"Tôi từ miền Trung vào, cuộc sống khó khăn nên ra đây bán hoa… Tôi có làm gì không phải xin chị bỏ qua cho", mẹ nhỏ nhẹ, có chút lo lắng.

Mẹ biết tranh miếng cơm của người ta chẳng ai muốn, với mẹ là việc chẳng đặng đừng, nhưng đã hết cách rồi. Mẹ nghĩ đến những cuộc cãi vã, giành giật mà nản lòng. Nhưng không, một giọng nói ngọt ngào:

"Vậy à, đi với tôi, tôi chỉ cho".

Mẹ đi theo người phụ nữ trạc tuổi mẹ.

"Cho chị này lấy bông đi bán trả tiền sau, tui bảo lãnh", người phụ nữ nói với chủ vựa.

"À mà chị tên gì? Thôi gọi chị Huế cho dễ nhớ nha".

Mẹ chỉ biết im lặng. Cơn xúc động chiếm hết người mẹ. Người ta tốt với mình quá.

"Chị Huế ơi chị Huế, chị lấy loại bông này nè, dễ bán".

"Chị Huế ơi, đây đây chỗ này nhường cho chị đứng bán nè".

Mẹ chỉ biết làm theo răm rắp. Hôm đó, mẹ về nhà khoe với chồng con cùng niềm vui vỡ òa.

Từ đó, nơi góc đường Hai Bà Trưng - Bà Lê Chân có thêm một người bán hoa dạo là mẹ. Bán hoa dạo không có quầy sạp, chỉ lề đường với mấy chậu xô đựng bông. Những hôm bông nhiều, mẹ trải giấy báo lên vỉa hè đặt hoa lên.

"Bà Huế, bà Huế, bà bán được không?".

"Bà Huế, bà Huế, trưa nay bà ăn gì?".

Những người bán hoa dạo - những người dưng - nhiệt tình hướng dẫn, giúp mẹ vượt qua những ngày đầu khó khăn. Bây giờ họ là những bạn hàng thân thiết của mẹ.

Những ngày cận Tết, khu hàng bông chợ Tân Định nhộn nhịp. Lượng khách mua tăng vọt. Lượng hoa tiêu thụ cũng tăng lên. Anh em chúng tôi luân phiên ra phụ mẹ. Đứa tỉa lá, đứa gói bông cho khách. Công việc luôn tay. Niềm vui cũng rộn ràng.

Sau này quen việc, mẹ còn bán thêm áo quần cũ. Nhưng nghề bán bông - nếu coi đó là một nghề - mẹ vẫn theo, nhất là mỗi độ Tết về. Sau này tuổi cao sức yếu mẹ mới nghỉ bán. Tính ra ròng rã gần 30 năm mẹ theo nghề bán hoa dạo. Lúc này, thỉnh thoảng những người bạn bán hoa ghé nhà thăm khi nghe mẹ ốm đau.

Nghề hàng bông đã nuôi lớn anh em tôi. Tình bạn hàng của mẹ đã nuôi lớn anh em tôi. Tình người Sài Gòn đã nuôi lớn anh em tôi.

2.Bán hoa phụ mẹ qua vài cái Tết là tôi quen hầu hết bạn hàng của mẹ và các chủ vựa. Một cái Tết năm nào không nhớ rõ, khoảng đâu cuối thập niên 1970, tôi theo một chủ vựa đi về miệt Bà Điểm tìm nguồn hàng. Là ổng rủ tôi đi cho vui. Tôi thì thích khám phá. Vậy là nhảy lên xe ngựa đi liền. Từ chợ Tân Định, xe ngựa chạy về ngã tư Phú Nhuận lên Lăng Cha Cả về ngã tư Bảy Hiền. Từ đây đi về An Sương nhà cửa bắt đầu thưa thớt. Có những đoạn thấy hai bên đường toàn ruộng vườn. Tiếng vó ngựa gõ lóc cóc trên mặt đường đá trải nhựa vang rất xa. Vì lúc đó đường vắng, ít xe. Con đường về Hóc Môn dài dằng dặc.

Xe ngựa qua Mười tám thôn vườn trầu (nay phần lớn thuộc huyện Hóc Môn và quận 12), những vườn cau thẳng tắp, cao vút như chạm trời xanh. Cảm nhận một vùng quê thật bình yên. Tôi theo chủ vựa tới một nhà vườn trồng rất nhiều mai kiểng. Lần đầu tiên tôi thấy một vườn mai kiểng hàng trăm gốc như vậy nên rất thích. Nhưng chủ vựa thì không, ông ta chỉ quan tâm các loại hoa bán dạo như cúc, vạn thọ, đồng tiền, mào gà… Trong khi chủ vựa đi tìm các chủ vườn để ngã giá thì tôi quẹo vào vườn mai, lân la làm quen với chủ vườn. Đó là một người đàn ông trạc 40, bận bộ đồ lam, đầu cạo trọc. Anh tên Nhân, là người tu tại gia. Người vùng quê xởi lởi, hiếu khách. Mới gặp sư Nhân lần đầu mà ngỡ như quen đã lâu.

"Gọi bằng sư hay bằng anh?", tôi hỏi.

"Bằng anh đi, anh thích gọi bằng anh hơn", sư Nhân nói.

Khác với các nhà vườn khác bán qua thương lái, anh Nhân đích thân mang hoa về Sài Gòn bán. Hôm anh Nhân mang hoa về chợ Bà Chiểu bán, tôi có tới chơi. Những chậu mai kiểng của anh đặt dọc vỉa hè, góc ngã tư trước chợ Bà Chiểu, mà dân ở đây quen gọi công trường Hồng Bàng - tên trước năm 1975. Đây có lẽ là ngã tư duy nhất mà 4 đường giao nhau mang 4 cái tên khác: Chi Lăng (Phan Đăng Lưu hiện nay), Bùi Hữu Nghĩa, Bạch Đằng và Lê Quang Định. Tại điểm bán mai, anh Nhân treo mành tre. Một tấm đề thơ bằng mực tàu:

"Một nhà sum họp trúc mai/ Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông".

Một tấm là câu đối:

"Xuân đáo bình an tài lợi tiến/ Mai khai phú quý lộc quyền lai".

Khách đi đường thỉnh thoảng dừng lại xem thơ, câu đối rồi cười. Nhưng cũng nhờ vậy mà khách khá đông. Thấy anh Nhân bận rộn, tôi thì đang rảnh nên chạy ra trông hộ anh. Có đêm hứng chí tôi ở lại thức với anh. Ở gần sư Nhân mới biết anh thỉnh thoảng có làm thơ. Lúc hứng lên anh ngâm nga vài câu nghe cũng bùi ngùi. Nhưng tôi học được nhiều nhất ở anh là một tình yêu mãnh liệt dành cho cây mai.

"Ngày xưa cụ Nguyễn Du nói "Mai là bạn cũ, hạc là người quen" thật chí lý", anh Nhân nói.

"Chí lý chỗ nào?", tôi hỏi.

"Là ở chỗ coi mai như bạn cũ đó. Chú có biết bạn cũ là thân cỡ nào không? Đôi khi hơn cả anh em ruột thịt, hơn cả vợ chồng".

Tôi gật gù khen hay nhưng thú thật chưa hiểu hết ý nghĩa trong lời anh nói.

Cây kiểng của anh Nhân đẹp, giá cũng vừa phải nên khá hút khách. Lạ một điều, trong số mai kiểng có một cây đẹp nhất, nhiều khách hỏi mua với giá cao nhưng anh chưa chịu bán. Một sáng có mấy phóng viên, nhà báo đến quay phim, chụp hình, phỏng vấn anh Nhân. Anh nói thao thao về cách trồng mai, chăm mai để bông nở đúng ba ngày Tết nhưng hay nhất là ý nghĩa của cây mai trong ngày Tết.

"Mai cốt cách, tuyết tinh thần. Người xưa ví cây mai như đấng trượng phu trọng nghĩa tình, tâm hồn khoáng đạt trắng trong như tuyết", anh Nhân nói.

Nhưng đó chưa phải là nguyên nhân chính khiến các nhà báo tìm đến anh, mà là vì tiền mai bán được anh đem cho một cơ sở mái ấm tình thương nuôi trẻ mồ côi, nghèo, cơ nhỡ ở quận Gò Vấp. Tôi chỉ biết việc này từ các nhà báo, chứ anh Nhân không hề nói ra.

Đến chiều 30 Tết, đường phố đã nhộn nhịp hẳn lên. Người người vội vàng mua sắm. Tôi và anh Nhân ngồi nhìn dòng người trôi qua trước mắt mà lòng nôn nao như chờ đợi một điều gì tốt lành sắp đến. Chợt thấy một ni sư bước lại, mang theo một bức tranh thêu.

"Thưa ông, tôi là người phụ trách cơ sở mái ấm. Bức tranh thêu này do các em mái ấm làm để tỏ lòng biết ơn ông đã giúp đỡ cơ sở trong thời gian qua. Nhờ ông mà năm nay cơ sở có một cái Tết đầm ấm.

Xin ông vui lòng nhận cho" - ni sư nói.

Quá bất ngờ, anh Nhân đứng lên nhận bức tranh. Đó là tranh thêu một cành mai rất đẹp.

"Dạ, nhờ cô chuyển lời thăm hỏi của tôi đến các cháu. Và nếu được, tôi xin phép được xông đất cơ sở khi thuận tiện" - anh Nhân nói.

"Dạ được, cơ sở luôn mở cửa đón ông", ni sư nói và cáo từ.

Lúc này mới nhìn kỹ. Ni sư có khuôn mặt như trăng rằm, dáng khoan thai như tiên nữ.

Giao thừa tới. Pháo nổ vang trời (hồi đó chưa cấm đốt pháo). Anh Nhân lặng lẽ đạp xe ba gác chở chậu mai kiểng đẹp nhất tới xông đất cơ sở mái ấm. Hóa ra hoa đẹp phải có bạn đẹp. Tôi nhìn theo anh, cố lưu giữ một hình ảnh đẹp của ngày đầu năm.

Hoa Tết Sài Gòn không chỉ nuôi lớn anh em tôi, mà còn dạy chúng tôi về lẽ sống ở đời.

TỪ NGUYÊN THẠCH, ảnh: thu huỳnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hoa-tet-sai-gon-196240205160857003.htm