Hỗ trợ hội viên nhân rộng mô hình kinh tế

Hội Phụ nữ xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, có 1.200 hội viên sinh hoạt tại 9 chi hội. Hằng năm, Hội rà soát, lập danh sách phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ để xây dựng kế hoạch giúp đỡ phù hợp, hiệu quả, như hỗ trợ vay vốn ưu đãi; phối hợp tổ chức tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị, chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho chị em.

Hội Phụ nữ xã trao đổi kinh nghiệm nuôi bò sinh sản tại gia đình hội viên Lường Thị Nẻ, Chi hội phụ nữ bản Lào.

Là một trong những hộ được hỗ trợ từ các cấp hội phụ nữ, chị Lường Thị Nẻ, Chi hội phụ nữ bản Lào, cho biết: Tháng 12/2021, được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ để nuôi bò. Đồng thời, được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn cách nuôi vỗ béo, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp ủ ướp thức ăn cho bò, nên đàn bò sinh trưởng tốt. Tháng trước, tôi bán 3 con bò, thu 75 triệu đồng, hiện vẫn còn 11 con bò. Ngoài ra, gia đình còn trồng hơn 1 ha cà phê, năm 2022 thu hoạch trên 8 tấn quả tươi, bán được hơn 80 triệu đồng. Cuộc sống gia đình đang từng bước ổn định.

Có thu nhập ổn định từ trồng cà phê, chị Tòng Thị Tươi, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Bay, chia sẻ: Được tham gia các lớp tập huấn, tham quan mô hình, tôi đã chuyển 3 ha đất nương sang trồng cây cà phê. Trung bình mỗi năm, thu hoạch hơn 20 tấn quả cà phê tươi, thu nhập trên 200 triệu đồng.

Từ năm 2022 đến nay, Hội Phụ nữ xã Tông Cọ đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, trang bị kiến thức cho hơn 200 hội viên, để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Hội còn nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 8,1 tỷ đồng, cho 183 hộ vay phát triển sản xuất. Qua kiểm tra, các hội viên đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả lãi hàng tháng, không có nợ quá hạn.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, các hội viên đã chuyển đổi giống cây trồng, thâm canh tăng vụ, xây dựng các mô hình chăn nuôi hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Điển hình là mô hình trồng cà phê của hội viên Lò Thị Thanh, Lò Thị Chốm, Lò Thị Hằng (Chi hội bản Bay) thu nhập từ 180-290 triệu đồng/năm. Mô hình nuôi bò sinh sản của hội viên Lường Thị Nẻ, Lường Thị Hảo, Lò Thị Vương (Chi hội bản Lào) thu nhập từ 150-270 triệu đồng/năm...

Hội phụ nữ xã còn vận động hội viên xây dựng quỹ tiết kiệm, vận động chị em mỗi người ủng hộ ít nhất 5.000 đồng/tháng để tạo nguồn vốn cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay. Đến nay, các chi hội đã tiết kiệm được trên 165 triệu đồng, cho 12 hội viên vay trong kỳ hạn 1 năm để phát triển kinh tế gia đình. Chị Lò Thị Thu Hương, hội viên Chi hội bản Sen To, cho biết: Nhờ được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ quỹ tiết kiệm, cùng sự hướng dẫn của Hội phụ nữ xã, tôi thực hiện mô hình nuôi bò nhốt chuồng, có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống, con cái được học hành đầy đủ.

Chị Quàng Thị Ún, Chủ tịch Hội LHPN xã, thông tin: Hằng năm, Hội triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Xây dựng và duy trì hoạt động của mô hình “Chi hội phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải” tại bản Lào và bản Hình. Chỉ đạo 9/9 chi hội phát động trồng hoa và gắn biển tuyến đường phụ nữ tự quản. Hiện nay, 840 hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; 1.106 hộ có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh; 914 hộ đạt 8 tiêu chí “5 không, 3 sạch”. Ngoài ra, Hội còn vận động hội viên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Hội còn 23 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, giảm 4 hộ nghèo so với năm 2021. Hội đang tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Duy trì và nhân rộng các mô hình phụ nữ tiết kiệm, các tổ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Tạo thuận lợi cho cán bộ hội viên, phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/ho-tro-hoi-vien-nhan-rong-mo-hinh-kinh-te-ROukRgr4g.html