Hiệu quả từ trồng cây ăn quả trên đất dốc

Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, những năm qua, huyện Quỳnh Nhai đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương, đưa cây ăn quả trồng thay thế cho những diện tích cây nông nghiệp kém hiệu quả. Nhiều diện tích cây ăn quả cho thu hoạch, đem lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Cam Nặm Ét được giới thiệu tại gian hàng trưng bày tại huyện Quỳnh Nhai.

Xã Mường Giôn có khí hậu khá mát mẻ và diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn. Những năm qua, xã Mường Giôn quan tâm phát triển trồng cây ăn quả trên đất dốc, nhất là những loại cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương như: Mít, xoài, nhãn, mận hậu, lê xanh, dứa, mắc ca… Đến nay, toàn xã đã có hơn 365 ha cây ăn quả các loại, hơn 250 ha cây mắc ca, trồng gần 380 ha cây dược liệu, trong đó có 250 ha cây quế. Trên địa bàn xã hiện có 4 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp liên kết các hộ dân để phát triển sản xuất và các mô hình trồng trọt hiệu quả hơn.

Ông Hoàng Văn Học, Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, chia sẻ: Tạo điều kiện cho bà con trong xã phát triển sản xuất, 100% các hộ nghèo trên địa bàn đã được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, hưởng chính sách về bảo hiểm y tế cùng với các nguồn vốn vay phát triển nông nghiệp nông thôn để hỗ trợ bà con phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, nhất là trồng cây ăn quả trên đất dốc. Đến nay, thu nhập bình quân của bà con trên địa bàn xã hiện đạt 39 triệu đồng/người/năm. Năm 2023, Mường Giôn đạt chỉ tiêu giảm hộ nghèo xuống còn 6,3%.

Mô hình trồng lê xanh tại xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai.

Còn tại Nặm Ét là xã vùng III khó khăn của huyện, địa hình bị chia cắt phức tạp bởi lòng hồ, diện tích đất sản xuất không nhiều, lại không màu mỡ nhưng bà con nơi đây luôn cần cù, chịu khó, tích cực học hỏi để phát triển các loại cây trồng mới, đem lại thu nhập cao hơn. Ông Là Văn Thuông, Chủ tịch UBND xã Nặm Ét, chia sẻ: Toàn xã hiện đã phát triển được hơn 100 ha cây ăn quả, chủ yếu là cây ăn quả có múi, trong đó có hơn 14 ha được hỗ trợ theo mô hình của huyện, 25,5 ha được hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Cam, bưởi Nặm Ét được đánh giá chất lượng khá tốt, năng suất, quả mọng, ngọt nước, được chọn giới thiệu tại các gian hàng triển lãm của huyện, tỉnh. Năm 2023, cam, bưởi được mùa và giá bán ổn định, đem lại nguồn thu nhập thêm cho bà con.

Từ hộ có kinh tế thu nhập bấp bênh, chuyển sang trồng cây ăn quả, gia đình anh Lường Văn Vui, bản Cà Pống nay đã có cuộc sống ổn định, thu nhập khá. Anh Vui phấn khởi nói: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả không cao. Năm 2018, gia đình tôi mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Agribank Quỳnh Nhai để đầu tư trồng 1 ha cam và bưởi da xanh. Cùng với kết hợp chăn nuôi, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên 200 triệu đồng. Nhờ kinh tế ổn định, có điều kiện chăm lo cho các con học hành chu đáo.

Phát triển cây ăn quả trên đất dốc được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện các khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong 3 năm qua, toàn huyện đã tập trung đưa các loại cây ăn quả phù hợp từng vùng. Đến nay, toàn huyện đã có gần 2.000 ha cây ăn quả các loại, tăng 26,1% so với năm 2020, sản lượng đạt 5.560 tấn. Vùng sản xuất tập trung được hình thành như: Trồng cây ăn quả có múi ở Nặm Ét; trồng dứa ở Chiềng Ơn, Mường Sại; vùng nguyên liệu mắc ca ở Mường Giôn, Chiềng Khay…

Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Hiện nay, các diện tích trồng cây ăn quả đang thực hiện theo mô hình hoặc theo chuỗi đang phát triển tốt, đem lại hiệu quả cao hơn so với các loại cây trồng ngắn ngày. Đây sẽ là cơ sở để huyện tiếp tục tiến hành rà soát hiện trạng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn và lên kế hoạch quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cây trồng phù hợp nhằm đem lại sinh kế hiệu quả cho bà con nhân dân. Huyện tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh, huyện để hỗ trợ bà con trồng cây ăn quả trên đất dốc theo hướng liên kết với doanh nghiệp hoặc theo chuỗi giá trị để đảm bảo về đầu ra cho sản phẩm.

Vùng trồng dứa tại xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai.

Những triền đồi bên lòng hồ sông Đà vốn cằn cỗi trước đây vốn chỉ trồng sắn, trồng ngô giờ đây từng bước được thay thế bằng vườn cây ăn quả đem lại thu nhập ổn định. Từ những thành quả và kinh nghiệm, Quỳnh Nhai định hướng phát triển nông nghiệp trên địa bàn với mục tiêu cụ thể, với các giải pháp phù hợp để từng bước giúp kinh tế - xã hội của huyện đi lên, không chỉ ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân mà còn để thực hiện mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/hieu-qua-tu-trong-cay-an-qua-tren-dat-doc-0V7XsSdSg.html