Hiệp Hòa nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi

Thời gian gần đây, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã hình thành và phát triển nhiều chuỗi sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số mô hình trồng cây đặc sản theo chuỗi.

Hỗ trợ chuỗi sản xuất mới

Đầu năm nay, gia đình anh Trần Văn Quyết, thôn An Hòa (xã Đoan Bái) và 6 hộ khác tại các xã: Đoan Bái, Lương Phong, Hợp Thịnh (cùng huyện) tham gia chuỗi liên kết chăn nuôi vịt an toàn sinh học do tỉnh hỗ trợ. Tháng 2 vừa qua, anh Quyết vào đàn lứa đầu tiên với hơn 6 nghìn con vịt thương phẩm, được hỗ trợ 50% giá giống.

Công nhân Công ty TNHH Kim Tân Minh thu hoạch hoa sâm Bố Chính.

Ngoài ra, anh còn được Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh cung ứng thức ăn chăn nuôi (sau khi xuất bán sản phẩm mới phải thanh toán). Bù lại, anh phải tuân thủ quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học và bán toàn bộ sản phẩm cho đơn vị chủ trì liên kết theo giá thỏa thuận. Gữa tháng 3 vừa qua, anh xuất bán vịt, thu lãi hơn 180 triệu đồng sau gần 50 ngày nuôi.

Ông Lê Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Hòa Phú AFC, thôn Bảo An, xã Hoàng An - đơn vị chủ trì liên kết cho biết, chuỗi liên kết này được thực hiện với tổng kinh phí hơn 19,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của các hộ tham gia. Thời gian thực hiện từ năm 2022- 2024.

Mỗi năm các hộ chăn nuôi 3 lứa, tổng đàn 60 nghìn con. Tuy nhiên, chỉ năm đầu các hộ được nhà nước hỗ trợ giá giống. HTX chịu trách nhiệm thu mua vịt và chuyển giao cho Công ty TNHH Hải Thịnh, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) giết mổ tập trung để cung ứng cho bếp ăn công nghiệp tại hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh theo hợp đồng.

Cũng là hộ sản xuất nông nghiệp nhưng nhiều năm nay gia đình bà Nguyễn Thị Kiệm cùng hàng chục hộ ở thôn Đại Đồng 2 (xã Danh Thắng) tham gia chuỗi liên kết sản xuất lúa giống cho Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam - Chi nhánh Ba Vì chủ trì, với các loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao như: J01, J02, đài thơm, thiên ưu 8…

Bà Kiệm cho biết, khi tham gia, ngoài được tập huấn quy trình kỹ thuật chăm sóc lúa, bao tiêu toàn bộ sản phẩm, đơn vị chủ trì liên kết còn trả giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg thóc. Do nhiều năm liên kết sản xuất hiệu quả nên năm 2022 huyện Hiệp Hòa đã hỗ trợ chuỗi liên kết này để sản xuất lúa giống VNR20 dưới hình thức: Cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Trang trại chăn nuôi vịt thương phẩm của hộ anh Trần Văn Quyết.

Tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, số còn lại do các hộ đối ứng, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến hết năm 2024. Nếu như trước đây chỉ có gần 100 hộ ở thôn Đại Đồng 2 tham gia liên kết với diện tích 20 ha thì nay được huyện hỗ trợ nên có 339 hộ với tổng diện tích 90 ha/vụ.

Tiếp tục khai thác lợi thế địa phương

Ngoài các chuỗi sản xuất đang được tỉnh, huyện hỗ trợ, huyện Hiệp Hòa còn có nhiều chuỗi và mô hình từ sản xuất giống, thức ăn, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ do các doanh nghiệp (DN), HTX tự bỏ vốn và chủ trì liên kết. Tiêu biểu là các chuỗi sản xuất của Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh, như: Chuỗi sản xuất lợn giống, lợn thịt, quy mô 900 lợn nái sinh sản với 3 nghìn lợn giống và 19 nghìn lợn thương phẩm/năm; chuỗi chế biến thịt lợn, sản xuất các sản phẩm xúc xích, giò, sản lượng 1,2 nghìn tấn/năm…

Hay mô hình liên kết sản xuất rau an toàn của HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 (xã Thường Thắng), quy mô 14 ha, diện tích nhà màng 2,5 ha. Đối tượng cây trồng gồm: Dưa lưới, dưa chuột, nho hạ đen, lúa, lạc. Tổng thu 4 tỷ đồng, lợi nhuận 700 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, tháng 10/2021, Công ty TNHH Kim Tân Minh (xã Quang Minh) đã trồng thử nghiệm hơn 5 ha sâm Bố Chính tại xã Hùng Sơn.

Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu cho UBND huyện xây dựng đề án mở rộng diện tích cây sâm Bố Chính; khuyến khích DN, HTX xây dựng thêm chuỗi chăn nuôi khác như: Bò, dê, thủy sản để khai thác lợi thế địa phương, hình thành vùng sản xuất công nghệ cao, tăng thu nhập cho người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Ông Hoàng Tiến Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Hiệp Hòa.

Đây là giống sâm quý của Việt Nam, xuất xứ từ tỉnh Quảng Bình, được nhà nước bảo tồn nguồn gen. Đến nay, sâm chuẩn bị cho thu hoạch củ. Hiện DN đang khai thác hoa sâm cung cấp cho các đơn vị sản xuất mỹ phẩm. Bà Ngô Thị Kim, Giám đốc Công ty cho biết đã có DN đặt mua sản phẩm. Hiện giá củ sâm Bố Chính dao động từ 200 nghìn đồng - 1,2 triệu đồng/kg (tùy kích cỡ củ). Với năng suất dự kiến 5 tấn/ha, trừ chi phí, DN thu lãi khoảng 700 triệu đồng/ha sau một năm trồng.

Có được kết quả trên là do cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện tốt chủ trương phát triển các chuổi liên kết sản xuất theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Huyện đã xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch của huyện, tỉnh, đồng thời mời gọi và hỗ trợ cho DN, HTX đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Ông Hoàng Tiến Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Thời gian tới, đơn vị tham mưu cho UBND huyện xây dựng đề án mở rộng diện tích cây sâm Bố Chính. Khuyến khích DN, HTX xây dựng thêm chuỗi chăn nuôi khác như: Bò, dê, thủy sản để khai thác lợi thế địa phương; hình thành vùng sản xuất công nghệ cao, tăng thu nhập cho người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Bài, ảnh: THẾ ĐẠI

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/382939/hiep-hoa-nhan-rong-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-theo-chuoi.html