Hệ sinh thái của Apec Group 'khủng' cỡ nào?

Tập đoàn đa ngành này sở hữu hàng loạt dự án bất động sản hạng sang quy mô hàng nghìn tỷ đồng, cùng với đó là các công ty chứng khoán, nội thất, môi trường...

Công an Hà Nội mới đây khởi tố vụ án để điều tra hành vi thao túng chứng khoán xảy ra tại các công ty Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (Apec Investment - API), Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ Investment - IDJ) và Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (Apec Securities - APS).

Đây đều là các doanh nghiệp đã niêm yết nằm trong hệ sinh thái Apec Group của doanh nhân Nguyễn Đỗ Lăng ( APS và API là công ty thành viên, còn IDJ là công ty liên kết).

Một góc siêu dự án Apec Royal Park Huế. Ảnh: Apec Group.

Hàng chục dự án hạng sang

Apec Group tiền thân là Công ty cổ phần BG Group được chính thức thành lập ngày 24/11/2017 và được đổi tên như hiện tại từ giữa năm 2020. Doanh nghiệp đặt trụ sở chính tại Grand Plaza, số 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội.

Tập đoàn này thành lập một khối các doanh nghiệp thông qua sở hữu cổ phần, vốn góp hoặc liên kết khác. Hai mảng kinh doanh lớn nhất đầu tư tài chính và phát triển bất động sản; ngoài ra còn vận hành khách sạn, nội thất, xử lý môi trường...

Bất động sản là ngành chủ lực của tập đoàn này khi sở hữu hàng loạt dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng trải dài từ miền Bắc xuống khu vực Nam Trung Bộ và các khách sạn hạng sang.

Phần lớn các dự án bất động sản là do Apec Group làm chủ đầu tư, còn một số dự án khác được phân bổ cho các công ty thành viên là Apec Investment (API) và IDJ Investment (IDJ).

Báo cáo gần nhất của API đến tháng 3/2023 ghi nhận có phát sinh chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tồn kho của nhiều dự án gồm Royal Park Huế, KCN Đa Hội, Golden Palace Lạng Sơn, Dubai Tower Ninh Thuận, Mandala Wyndham Phú Yên...

API cũng ghi nhận số tiền người mua trả trước tại dự án Aqua Park Bắc Giang là hơn 7 tỷ đồng, Mandala Wyndham Phú Yên hơn 180 tỷ đồng, Apec Đa Hội hơn 9 tỷ đồng và Royal Park Huế 522 triệu đồng.

Báo cáo của IDJ phát sinh chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tồn kho tại các dự án Mandala Wyndham Mũi Né, Mandala Grand Phú Yên, Diamond Park Lạng Sơn hay tồn kho thành phẩm tại dự án Mandala Hotel Hải Dương...

Công ty theo đó cũng ghi nhận số tiền người mua trả tiền trước hơn 2.000 tỷ đồng tại Mandala Wyndham Mũi Né, gần 37 tỷ đồng cho dự án Diamond Park Lạng Sơn hay gần 8 tỷ đồng tại Mandala Hải Dương.

Thêm công ty chứng khoán

Bên cạnh mảng chủ lực bất động sản thì Apec Group còn sở hữu một đại diện lớn nhất trong mảng đầu tư tài chính là Chứng khoán Apec (APS) - đơn vị do chính nhà sáng lập Nguyễn Đỗ Lăng điều hành trong vai trò tổng giám đốc.

Công ty này có vốn điều lệ khiêm tốn 60 tỷ đồng vào thời điểm thành lập năm 2006. Đơn vị sau đó tăng vốn lên 260 tỷ đồng vào tháng 3/2008 và chính thức đưa toàn bộ cổ phiếu niêm yết lên HNX vào tháng 4/2010.

Một số công ty thành viên trực thuộc hệ sinh thái đa ngành của ông Nguyễn Đỗ Lăng. Ảnh: Apec Group.

Chứng khoán Apec tiếp tục có đợt tăng vốn lên 390 tỷ đồng trong năm 2010 và giữ nguyên trong một giai đoạn dài. Đến năm 2021, nắm bắt xu thế tiền rẻ, doanh nghiệp hoàn tất các đợt huy động lớn bằng phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 390 tỷ lên đến 830 tỷ đồng.

Nhà môi giới này còn từng muốn phát hành thêm 83 triệu cổ phiếu trong năm 2022 để tiến vào nhóm công ty chứng khoán nghìn tỷ đồng nhưng sau đó rút hồ sơ. Công ty sau đó lại trình kế hoạch phát hành riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu trong năm 2023.

Nhờ đợt dậy sóng của cổ phiếu APS giai đoạn cuối năm 2021 nên công ty chứng khoán này cũng đón nhận lượng cổ đông tăng vọt, từ khoảng 1.000-2.000 cổ đông trước năm 2020 nhảy sốc lên đỉnh gần 16.500 cổ đông vào tháng 5/2022.

Không chỉ Chứng khoán Apec mà hai công ty niêm yết còn lại cũng có đợt tăng vốn thần tốc trong giai đoạn vừa qua. Riêng IDJ tăng từ 326 tỷ đồng cuối năm 2020 lên đến 1.874 tỷ đồng như hiện tại, còn API có đợt thưởng cổ phiếu khủng 120% hồi tháng 9/2022 để tăng vốn từ 382 tỷ lên 866 tỷ đồng.

Huy Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/he-sinh-thai-cua-apec-group-khung-co-nao-post1443223.html