Hậu trường việc sửa năm luật thuế

Tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bác tờ trình đề nghị sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) mà Chính phủ trình để Bộ Tài chính soạn lại với lý do chuẩn bị chưa đầy đủ, thuyết phục. Bộ Tài chính cũng đang chuẩn bị cho việc sửa đổi cùng lúc năm luật thuế khác, với phạm vi tác động lớn hơn nhiều so với Luật Thuế BVMT. Công việc chuẩn bị này đang được thực hiện như thế nào?

Thuế Bảo vệ môi trường được thu về ngân sách và không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Ảnh: TL

Từ việc dự thảo sửa đổi Luật Thuế BVMT bị trả về

Dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Thuế BVMT đã được Bộ Tài chính chuẩn bị từ mấy tháng nay và trải qua hai vòng trình tại UBTVQH. Ngay từ lúc những nội dung sửa đổi được công bố, công luận đã khá bất ngờ với một số nội dung, nhất là đề xuất tăng gấp hai lần mức thuế tối đa đối với xăng dầu, từ mức 1.000-4.000 đồng/lít lên mức 3.000-8.000 đồng/lít. Đề xuất tăng thuế diễn ra khá đột ngột, lại ở mức rất cao mà không kèm theo lời giải thích, trong khi thuế, phí đối với xăng dầu hiện đã chiếm 55% trong giá thành bán lẻ mỗi lít xăng. Tại phiên họp của UBTVQH cuối tuần trước, người ta mới biết được đề xuất tăng thuế là do thu thuế BVMT không đủ chi. Số thu thuế BVMT liên tục tăng ổn định từ năm 2012-2016, bình quân khoảng 21.197 tỉ đồng/năm và có năm tăng mạnh vì đã tăng thu thêm từ năm 2015. Tuy nhiên, tổng chi cùng thời gian cao hơn tổng thu 17%.

Vấn đề là khoản thu thuế BVMT không mang tính hoàn trả trực tiếp, nghĩa là không chi tiêu cho các khoản liên quan đến BVTM. Thuế này được thu về ngân sách và không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Ví dụ, tổng số chi thường xuyên cho BVMT khoảng 89.000 tỉ đồng (làm tròn số), trong đó ngân sách trung ương và địa phương bố trí trực tiếp cho sự nghiệp BVTM khoảng 52.000 tỉ đồng, chi các hoạt động kinh tế của ngân sách trung ương khoảng 36.000 tỉ đồng (chi thực hiện các dự án điều tra, đánh giá về đất đai, địa chất, khoáng sản...). Hay nói khác đi, việc thu vào đâu thì rất rõ nhưng chi thế nào lại “không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể” nên việc tăng thuế BVMT ngay từ đầu đã không nhận được sự đồng thuận.

Cho nên, khi trình ra UBTVQH vào cuối tuần trước, dự thảo luật này đã bị trả về để soạn lại với lý do việc tăng thuế suất trong tình hình hiện nay là không thuận vì Thủ tướng đang muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo đà cho doanh nghiệp phấn khởi làm ăn. Hơn nữa, dự luật này phải nêu được tính hợp lý (của các quy định) giữa những đối tượng chịu thuế, sản phẩm chịu thuế, bao quát và thuyết phục hơn nếu muốn sửa đổi.

Sửa năm luật thuế: Để doanh nghiệp không bị “đánh úp”

Quay trở lại việc sửa cùng lúc năm luật thuế: giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng cho thấy có sự chuẩn bị chưa đầy đủ.

Tương tự như trường hợp trình sửa đổi Luật Thuế BVMT, Bộ Tài chính đã đưa lên trang web Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của năm luật nêu trên và dự thảo sửa đổi. Chưa bàn đến nội dung dự thảo, chỉ cần đọc tờ trình ngày 18-8-2017 của bộ cũng có thể thấy một khía cạnh quan trọng của sự chuẩn bị chưa đầy đủ này. Trong tờ trình, bộ nêu rõ mục đích, quan điểm xây dựng luật và nhất là mục tiêu cần đạt được cho từng dự thảo sửa đổi, thậm chí dự kiến cả nguồn lực, điều kiện đảm bảo cho việc thi hành luật nhưng không hề có các tài liệu cần thiết đi kèm theo đúng trình tự mà Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định. Thực ra tờ trình có “ghi” các tài liệu đính kèm, như báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật thuế, báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng dự luật, bảng tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến của các bộ, địa phương... nhưng trên thực tế các tài liệu này không hề được đính kèm.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến Bộ Nội vụ về nguồn nhân lực, Bộ Ngoại giao về tính tương thích với các điều ước quốc tế, Bộ Tư pháp về tính hợp hiến, hợp pháp. Tuy nhiên, tất cả quy trình đó đều chưa nói được chất lượng soạn thảo các nội dung sửa đổi như thế nào vì chưa đánh giá được tác động đến kinh tế - xã hội ra sao. Năm luật thuế này đã ban hành gần 10 năm nay, đều đã được sửa đổi, bổ sung từ 1-3 lần trong thời gian qua để phù hợp hơn với tình hình thực tế nhưng nhiều điểm sửa đổi lại đang gây tranh cãi, chưa chắc đã hợp lý (như giá tính thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng...). Mặt khác, ngoài năm luật thuế trên, còn hàng loạt luật thuế khác như Luật Thuế xuất nhập khẩu, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Quản lý thuế cũng cần được rà soát cùng lúc để tương thích, tránh mâu thuẫn rồi lại tiếp tục... sửa.

Cho đến nay, cũng không ai đánh giá được việc thay đổi các chính sách thuế như thế sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính trung và dài hạn của hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang làm ăn ổn định ra sao.

Không một lãnh đạo nào từ Bộ Tài chính xuất hiện tại các diễn đàn chính thức hay hội thảo về dự luật thuế mà bộ này soạn ra. Các lời mời của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hay một số tổ chức khác đã bị bộ từ chối.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/164804/hau-truong-viec-sua-nam-luat-thue.html