Hậu phương của lính Biên phòng

Tân Lập, một ngày đầu tháng 6.

Thượng tá Ninh Hồng Tuấn cùng vợ là chị Lê Thị Hồng Liên hạnh phúc trước kết quả học tập của 2 con.

Tôi ghé thăm gia đình của Thượng tá Ninh Hồng Tuấn- Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tống Lê Chân, anh đang quây quần cùng vợ con bên mâm cơm gia đình. Chị Lê Thị Hồng Liên, vợ của anh Tuấn chia sẻ: “Hiếm hoi lắm mới được đông đủ như thế này, một năm chỉ được vài lần thôi”.

Chị chưa dứt lời thì điện thoại anh lại reo lên, trong lúc nghe điện thoại, vẻ mặt anh bỗng chùng lại và sau đó là câu: “Đồng chí cử anh em ra tổ chức bảo vệ hiện trường, tôi sẽ lên ngay!”. Chị Liên và 2 cậu con trai cùng buông đũa thở dài, nhìn anh với ánh mắt đầy cảm thông pha lẫn chút dỗi hờn. Thương chồng, thương cha nên chị và các con chỉ biết phụ giúp anh nhanh chóng lên đường trở về Đồn để giải quyết chuyện đột xuất.

Trước lúc lên đường, anh xin lỗi chúng tôi vì đây là cuộc hẹn lần thứ 3 mà vẫn không thành để chúng tôi có dịp tìm hiểu về hậu phương vững chắc của anh. Chịu thôi, trách anh sao được khi trách nhiệm của anh quá nặng nề, hiếm hoi lắm mới được ngày tranh thủ cuối tuần nhưng biên giới lại xảy ra chuyện đột xuất.

Đứng ở hiên nhà, chị Liên vẫn cứ dõi theo bóng anh. Quay lại, thấy chúng tôi bên cạnh, vẫn đôi mắt buồn, chị nói: “Cưới nhau hơn 16 năm rồi, tính luôn thời gian nghỉ phép, nghỉ tranh thủ và lễ tết của ảnh cộng lại chắc chưa đầy 3 năm được ở bên anh vọn vẹn. Biết làm sao được, yêu bộ đội, lấy bộ đội làm chồng thì phải chịu thôi”.

Nhìn ngôi nhà gọn gàng, ngăn nắp từ trước tới sau, chúng tôi hiểu được rằng ngoài thời gian buôn bán ở cửa hàng phía trước, chị dành trọn thời gian để chăm sóc 2 con và mái ấm luôn thiếu bóng đàn ông của mình. Vừa làm mẹ - vừa làm cha quán xuyến hết mọi việc trong gia đình từ trước đến sau, lúc nào chị cũng hoạt bát, nhanh nhẹn.

Biết cha vì nhiệm vụ, thấy mẹ luôn tảo tần, cả hai cậu con trai Ninh Hồng Anh và Ninh Hồng Phúc luôn biết tự lo cho bản thân từ việc học tập đến sinh hoạt, chưa bao giờ ỷ lại, trông chờ. Kết quả học tập của 2 cháu làm nhiều người phải ngưỡng mộ: cháu nhỏ Ninh Hồng Phúc đạt danh hiệu học sinh giỏi 8 năm liền, còn cháu lớn Ninh Hồng Anh ngoài danh hiệu học sinh giỏi 10 năm liền, cậu còn xuất sắc đoạt hơn 10 huy chương đủ loại vàng, bạc, đồng của môn bơi tại các kỳ thi Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh và khu vực trong các năm học từ cấp 2 đến giờ.

Ninh Hồng Anh chia sẻ: “Thường trong các kỳ thi, thấy các bạn có cả gia đình đi theo ủng hộ, cổ vũ, còn mình chỉ có mẹ đưa đi cũng buồn, nhưng chỉ thoáng qua thôi. Bởi con biết nhiệm vụ của bố trên biên giới là rất nặng nề, tất cả cũng vì Tổ quốc, vì nhân dân, đó là điều tự hào của con, cho nên mỗi lần bước vào cuộc thi con luôn nhớ lời bố dặn: Không được chùn bước trước bất cứ khó khăn nào... và con đã làm được điều đó, chưa lần nào để bố mẹ con thất vọng”.

Tôi ngạc nhiên thấy chị Liên vừa tiễn các khách hàng người Campuchia bằng một tràng tiếng Khmer, chị cười: “Buôn bán trên khu vực biên giới thì phải tự học thôi. Ngày xưa cũng nhờ mấy anh thương lái người Campuchia này đưa thư mà tôi với anh Tuấn mới quen và cưới nhau đó”.

Như đoán được sự tò mò của chúng tôi, chị Liên nói tiếp: “Năm 97, 98, hồi đó đi lại khó khăn, đâu có điện thoại liên lạc như bây giờ, lúc đó cũng chỉ mới quen ảnh do bạn bè giới thiệu, ảnh là bộ đội trực suốt, mình thì lo buôn bán có được đi đâu, lúc đó biết các khách hàng người Campuchia hay xuống cửa hàng mình mua đồ thì ảnh hay gửi thư xuống hỏi thăm, động viên, hoặc nhờ mua kém đánh răng bàn chải gì đó, hoặc thông báo ngày nào ảnh hẹn mình đi uống cà phê… riết rồi hai đứa yêu nhau hồi nào cũng không biết. Mãi đến gần chục năm sau hai đứa mới tổ chức cưới nhau”.

Thế làm vợ bộ đội buồn vui, sướng khổ như thế nào? - tôi hỏi chị.

“Từ hồi cưới nhau, rồi sinh con đẻ cái, thời gian của mình như kín lịch từ sáng sớm đến tận chiều tối, nào là dọn dẹp nhà cửa, chăm lo học hành, đưa rước, ăn uống cho 2 con và buôn bán ở cửa hàng... Cực nhất là khi con cái ốm đau, bệnh tật nửa đêm nửa hôm chỉ có một mình là sợ thôi, không ở gần nhưng ảnh cũng nhờ người này người kia, bà con họ hàng giúp đỡ, riết rồi cũng quen. Biết vợ con ở nhà như thế, nên mỗi khi nghỉ phép, ở nhà ảnh quan tâm, chu đáo lo lắng mọi thứ chu toàn thấy thương lắm. Thời gian đó thì mọi chuyện buồn của mình đều tan biến hết”- chị Liên chia sẻ.

Trong suốt hơn 2 năm xảy ra dịch bệnh, ảnh thì trực suốt trên biên giới, ở địa phương thì liên tiếp thực hiện giãn cách, thời điểm đó ở nhà chị đã vượt qua như thế nào?- vừa hỏi dứt lời, tôi thấy chị Liên quay sang hướng khác nhằm giấu đi đôi mắt đang ngân ngấn lệ, vài giây sau chị mới trả lời.

Yêu và lấy bộ đội là tôi đã biết và xác định nhiều thứ rồi, nhưng không thể ngờ mức độ tàn phá của Covid là khủng khiếp đến như thế. Thời điểm đó, gia đình nào cũng quây quần bên nhau, lo lắng cho nhau, tình huống xấu nhất là nếu có chết cũng được cạnh nhau.

Lúc đầu tôi cũng rất là tress, nhưng nghĩ lại nếu mình gục ngã thì ai lo cho con, nếu ích kỷ trách móc chồng, muốn ảnh về lo cho vợ con thì biên giới sẽ sao đây, cả một đồn biên phòng, cả một đoạn biên giới dài và phức tạp ở Phước Tân (thời điểm đó anh Tuấn là Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân) nếu không có ảnh thì sẽ như thế nào, tôi theo dõi ngày nào đồn của ảnh cũng bắt được người nhập cảnh trái phép, ảnh ở lại cũng là vì bảo vệ Tổ quốc, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào sâu trong nội địa.

Tôi nghĩ mình không có quyền tạo thêm áp lực cho anh ấy trong thời điểm này, và lúc đó trước sự sống chết vô thường tôi hằng đêm chỉ biết khấn thầm cầu mong sau cho ảnh và anh em trên đó luôn được an toàn. Và luôn tự hứa với lòng là sau đại dịch này sẽ cố gắng thương yêu, bù đắp cho nhau nhiều hơn, làm bất cứ điều gì được cho chồng cho con thì phải cố gắng làm cho bằng được, đừng để hối hận muộn màng.

Những điều mong ước của chị Liên khiến cho tôi nhớ lại thời điểm dịch bệnh căng thẳng trên biên giới, tôi đã đến 159 điểm chốt chống dịch trên biên giới Tây Ninh, thời điểm đó ngoài các chiến sĩ của BĐBP Tây Ninh còn có nhiều anh em đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau trong cả nước, họ về đây để chung tay làm nhiệm vụ kép: vừa bảo vệ biên giới, vừa phòng, chống dịch không để xâm nhiễm vào nội địa.

Nhiều anh cha mẹ mất cũng không thể về chịu tang, nhiều anh phải quặn thắt tim gan khi hay tin vợ chuyển dạ mà chỉ có một mình giữa bốn bề dây giăng cách ly, giãn cách… Thượng tá Ninh Hồng Tuấn cũng không ngoại lệ trong những ngày anh ở Phước Tân.

Nhưng, biên giới thì có lúc nào để cho các anh được ngơi nghỉ trọn vẹn, ngày hôm nay là một điển hình, bữa cơm đang ngon ngọt, ấm cúng, hiếm hoi của gia đình anh Tuấn lại tiếp tục gãy ngang… Không ai nói gì bởi đây không phải là lần đầu trong bữa cơm của gia đình bộ đội. Họ đã hiểu, đã thông cảm và chia sẻ cho nhau… tất cả vì nhiệm vụ thiêng liêng trên tuyến đầu Tổ quốc!

Lê Quân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/hau-phuong-cua-linh-bien-phong-a160040.html