Hấp dẫn những điểm đến ở huyện Quỳ Châu

Là vùng lõi của nền văn hóa Phủ Quỳ với nhiều di tích văn hóa - lịch sử, danh thắng, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa độc đáo... tạo nên bản sắc văn hóa riêng. Đây chính là điều kiện thuận lợi để huyện Quỳ Châu phát triển du lịch.

Đặc sắc Lễ hội Hang Bua

Vào ngày 20 - 22 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm, người dân ở huyện Quỳ Châu nói riêng và đồng bào các dân tộc miền Tây Bắc Nghệ An lại nô nức trẩy hội hang Bua tổ chức tại xã Châu Tiến. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, là dịp để người dân vùng đất Quỳ Châu (nay) - mường Chiêng Ngam xưa, gửi gắm những nguyện vọng tâm linh và ôn lại truyền thuyết về một lễ hội đậm màu huyền thoại.

Lễ hội Hang Bua, huyện Quỳ Châu. Ảnh: P.V

Theo tích xưa, danh thắng hang Bua gắn liền với mối tình chung thủy giữa nàng Ni xinh đẹp, hát hay và chàng Ban hiền lành, chân thật; sau này cứ mỗi dịp Xuân về, trai gái trong vùng lại rủ nhau vào lòng hang để tâm tình và cầu mong những điều tốt đẹp cho hạnh phúc lứa đôi. Theo thời gian, thói quen đó trở thành lễ hội hằng năm của người dân trong vùng.

Lễ hội Hang Bua được tổ chức cũng là dịp để người dân và du khách thập phương trở về tham gia vào lễ hội, cùng hòa mình trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ; trải nghiệm các trò chơi dân gian đặc sắc và ấn tượng; ngắm nhũ đá với các hình thù kỳ thú, sống động trong lòng hang.

Lễ hội Hang Bua gồm phần lễ và phần hội. Riêng đối với phần hội là các hoạt động văn hóa như cắm trại, thi văn nghệ, thi viết chữ Thái, thi thêu dệt-se sợi, trình bày các món ăn ẩm thực người Thái; thể dục, thể thao, các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đi cà kheo, khắc luống - cồng chiêng, đu quay, đẩy gậy, kéo co, tung còn… đậm đà bản sắc.

Phong tục cầm vía. Ảnh: P.V

Ông Nguyễn Hùng Cường - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quỳ Châu cho biết: “Ngay từ những ngày đầu của tháng 1 năm 2024, UBND huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội Hang Bua, thành lập Ban tổ chức, họp phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Điểm đặc sắc trong đêm khai mạc lễ hội là cuộc thi “Người đẹp hang Bua” cùng các chương trình văn nghệ đậm đà bản sắc văn hóa đồng bào Thái thu hút hàng nghìn du khách xa gần về tham dự; qua đó, hình ảnh đất và người Quỳ Châu được quảng bá rộng rãi hơn...”.

Tiềm năng du lịch độc đáo

Đến với Lễ hội Hang Bua, du khách không chỉ được hòa mình vào không khí vui tươi, rộn ràng cùng đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu, mà còn được tham quan các di tích, danh thắng của huyện Quỳ Châu như cụm mộ - bia - cây táo Đốc binh Lang Văn Thiết, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu, cụm hang động Thẳm Ồm, Thẳm Chạng, Tôn Thạt, thác Tạt Ngoi, thác Đũa, làng Thái cổ, làng nghề dệt thổ cẩm - du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến…

Thiếu nữ Thái đi hội Xuân. Ảnh: Đình Tuyên

Hiện huyện Quỳ Châu có 4 bản được định hướng xây dựng du lịch cộng đồng, đó là: bản Hoa Tiến 1, Hoa Tiến 2, xã Châu Tiến; bản Kẻ Can, xã Châu Bình; bản Minh Châu, xã Châu Hạnh. Tại bản Hoa Tiến có đến 98% đồng bào dân tộc Thái sinh sống hiền hòa bên dòng sông Hiếu thơ mộng, với 386 hộ, hơn 300 ngôi nhà sàn. Trong bản hiện có 10 hộ gia đình được nâng cấp thành nhà nghỉ cộng đồng. Năm 2021, Hợp tác xã Du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến được thành lập và được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng.

Để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển, thời gian qua, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng khang trang, chất lượng, với 6 cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn, tổng số 84 phòng, 170 giường; 9 homestay có thể phục vụ 220 khách lưu trú/ngày đêm; 156 cơ sở kinh doanh ăn uống, giải khát, với các món ăn đặc sản địa phương đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khách du lịch và nhân dân trên địa bàn.

Dệt thổ cẩm ở bản Hoa Tiến. Ảnh: Đình Tuyên

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm; trên địa bàn huyện có 24 câu lạc bộ bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó, có 1 câu lạc bộ văn hóa cấp tỉnh (bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến). Cùng với đó là khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như: nghề thủ công (thêu dệt thổ cẩm, mây tre đan, cuốn hương trầm...); các sản phẩm đặc trưng của địa phương: mật ong, rượu thuốc, các món ẩm thực…

Đặc biệt, để thuận lợi cho du khách khi đến với các điểm du lịch hấp dẫn trên địa bàn, huyện Quỳ Châu đã hình thành các tour du lịch “Về miền đất cổ Quỳ Châu”. Tour du lịch có thời gian 2 ngày 1 đêm với lịch trình: Vùng đá đỏ Quỳ Châu, thác Khe Bàn (xã Châu Bình) - Bảo tàng Văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu (thị trấn Tân Lạc) - Làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến - đền Chiêng Ngam - Hang Bua (Châu Tiến).

Quang cảnh xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Đình Tuyên

Nhờ làm tốt chủ trương, chính sách, đề án phát triển du lịch, trong năm 2023, huyện Quỳ Châu đón khoảng 16.000 lượt khách; trong đó, 4 đoàn khách quốc tế đến từ Trung Quốc, Ý, Đức, Nga; doanh thu ước đạt trên 3,8 tỷ đồng. Các điểm đón khách tham quan gồm: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc, bản du lịch cộng đồng Hoa Tiến, hang Bua - đền Chiêng Ngam, thác Khe Bàn, thác Đũa, khu sinh thái Vườn Thỏ…

Ông Lê Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: “Để đưa du lịch Quỳ Châu phát triển xứng tầm, thời gian tới huyện tập trung nguồn lực để hoàn thiện Bảo tàng Văn hóa các dân tộc miền Tây Nghệ An tại huyện Quỳ Châu; Đầu tư ban đầu hạ tầng một số khu danh thắng như thác Khe Bàn, thác Khe Mỵ, làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến để sẵn sàng tiếp đón khách du lịch, qua đó quảng bá hình ảnh và thu hút đầu tư cho du lịch. Đồng thời, đầu tư nâng cấp Khu Di tích mộ Đốc binh Lang Văn Thiết tại xã Châu Hội; rà soát quy hoạch tổng thể Di tích hang Bua và đền Chiêng Ngam để điều chỉnh phù hợp, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư... phấn đấu những năm tới lượng khách du lịch về với Quỳ Châu ngày một đông hơn”.

Thu Hương

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/hap-dan-nhung-diem-den-o-huyen-quy-chau-post284839.html