Hành vi làm lọt đề thi tốt nghiệp THPT sẽ bị xử lý thế nào?

Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia là tài liệu phải được giữ bí mật cho đến khi thí sinh làm xong bài thi để đảm bảo công bằng. Nếu có hành vi tiết lộ đề thi THPT quốc gia sẽ bị xử lý như thế nào?

Lọt cả 2 đề thi Ngữ văn, Toán

Có lẽ đây là năm đầu tiên mà trong ngày đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT lại kết thúc với cả hai môn Ngữ văn thi buổi sáng và Toán thi buổi chiều đều có nghi vấn lọt đề thi như năm nay.

Cụ thể, trong sáng 28/6, một đề Ngữ văn được đăng tải lên mạng xã hội vào khoảng 8h, tức là nửa tiếng sau khi bắt đầu tính giờ làm bài. Hình ảnh chụp cho thấy đề được chụp trong phòng thi, bên cạnh là tờ giấy làm bài, tờ giấy báo dự thi. Trong khi đó, theo quy định, thời gian làm bài môn Ngữ văn từ 7h35 đến 9h35. Thí sinh được ra khỏi phòng thi sớm nhất sau hai phần ba thời gian nhưng phải nộp hết cả đề thi và giấy nháp. Điều này đồng nghĩa, đề thi sẽ không được mang ra khỏi phòng thi trước 9h35.

Đến buổi chiều cùng ngày, sau khi thí sinh kết thúc bài thi môn Toán lúc 16h cũng xuất hiện nghi vấn lộ đề.

Hình ảnh đề môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 lan truyền trên mạng xã hội vào khoảng 8 giờ ngày 28/6, tức chỉ gần 30 phút sau khi thí sinh bắt đầu làm bài.

Làm lộ đề thi tốt nghiệp THPT bị xử lý thế nào?

Theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 809/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã quy định rõ đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thí chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai nằm trong danh mục bí mật nhà nước độ tối mật.

Theo quy định trên, khi đề thi tốt nghiệp THPT chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố mà một cá nhân làm lộ ra bên ngoài thì có thể bị coi là có hành vi làm lộ bí mật của Nhà nước. Căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người làm lộ đề thi có thể bị xem xét kỷ luật theo quy định của cơ quan công tác, bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, nếu cá nhân, tổ chức có hành vi làm lộ bí mật nhà nước, căn cứ vào khoản 4, khoản 5 Điều 19 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với cá nhân; hoặc bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với tổ chức.

Những người trong hội đồng ra đề thi, hoặc giám thị coi thi làm lộ đề thi cũng được coi là có hành vi gian lận trong kiểm tra, thi, tuyển sinh. Căn cứ vào khoản 5 Điều 15 Nghị định 79/2015/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, người có hành vi làm lộ đề kiểm tra, đề thi sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu – 25 triệu đồng. Đồng thời, có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Thí sinh dự thi nếu vi phạm quy chế thi, để lọt đề thi ra ngoài trước khi hết 2/3 thời gian làm bài có thể bị xử lý theo quy định tại Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp THPT, trong đó có thể bị áp dụng hình thức xử phạt là đình chỉ thi hoặc các hình thức khác. Nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Trường hợp hành vi làm lộ bí mật nhà nước có dấu hiệu hình sự, gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" hoặc "Vô ý làm lộ bí mật nhà nước" theo quy định tại các Điều 337, 338 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Ngoài ra, nếu cá nhân có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ làm lộ đề thi; thực hiện hành vi này vì mục đích vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Để xác định khung hình phạt với người phạm tội sẽ căn cứ vào giá trị tài sản thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, theo đó mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 15 năm tù. Đồng thời buộc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, hoặc phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Đề thi tốt nghiệp THPT là bí mật Nhà nước cấp "Tối mật"

Ngày 19/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành quyết định về danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Theo đó, danh mục bí mật Nhà nước gồm 2 cấp độ Tối mật và Mật. Với lĩnh vực giáo dục và đạo tạo, bí mật Nhà nước cấp độ Tối mật gồm: đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án của các kỳ thi: tốt nghiệp THPT, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai.

Đồng thời, thông tin về người thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài cần được bảo vệ theo yêu cầu của bên cử đi đào tạo cũng là thông tin thuộc tối mật Nhà nước.

Thông tin thuộc cấp độ Mật gồm: văn bản có nội dung phản ánh, nhận xét, đánh giá về thực trạng tư tưởng, đời sống của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên có tác động tiêu cực đến chính trị, an ninh, đối ngoại, trật tự an toàn xã hội. Cùng với đó thông tin về địa điểm, nhân sự của Hội đồng/Ban ra đề thi và in sao đề thi, phương án vận chuyển, bảo quản, lưu trữ và bảo vệ đề thi của các kỳ thi trên khi chưa được công khai cũng được coi là bí mật nhà nước.

Đỗ Vi - Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hanh-vi-lam-lot-de-thi-tot-nghiep-thpt-se-bi-xu-ly-the-nao-16923062908293096.htm