Hàn Quốc làm gì khi Seoul quá đông khách du lịch?

Để giải quyết vấn đề du khách tập trung số lượng lớn thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã chọn ra 5 thành phố khác để xây dựng thương hiệu riêng cho từng nơi và phát triển du lịch theo các định hướng khác nhau.

Tính đến tháng 9/2022, Việt Nam có 888 đô thị, trong đó nhiều đô thị hiện đại có khả năng hấp dẫn khách du lịch. Những năm qua, việc phát triển du lịch tại các đô thị đã đem lại lợi ích nhiều mặt, nhưng cũng gây ra những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội và môi trường ở các đô thị.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, sự gia tăng lượng khách đến các đô thị, đặc biệt trong mùa du lịch đã gây ra những áp lực không nhỏ đến hạ tầng đô thị đặc biệt là hệ thống xử lý chất thải, trong khi năng lực thu gom và xử lý chất thải còn nhiều hạn chế. Sự gia tăng lượng khách du lịch cũng gây áp lực với hệ thống giao thông đô thị vốn đã quá tải ở nhiều nơi.

Bùi Viện là khu phố đi bộ hoạt động về đêm tại trung tâm TP.HCM.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch ở đô thị cũng kèm theo sự gia tăng giá cả sinh hoạt, gia tăng các vấn đề xã hội và có tác động tiêu cực đến các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở các đô thị. Thực trạng này không chỉ xảy ra ở các đô thị ở Việt Nam mà còn ở nhiều đô thị tại các nước châu Âu, châu Á.

Tại hội thảo về phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức sáng nay (2/11), đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết địa phương cũng gặp nhiều thách thức khi phát triển du lịch, kinh tế đêm. “Ví dụ du khách rất yêu thích phố đêm Bùi Viện, nhưng cư dân tại khu phố, nhất là những người không hưởng lợi từ du lịch lại có các nhu cầu khác cần được giải tỏa, đặt ra bài toán cho địa phương về việc cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan”.

Hội thảo về phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức sáng nay (2/11).

Các điểm đến như Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Sa Pa (Lào Cai) cũng gặp vấn đề trong quá trình phát triển du lịch tại đô thị. Với Sầm Sơn, dù đã mở rộng diện tích 6 xã về phía Nam nhưng hiện tượng quá tải khách du lịch đã gây sức ép lớn lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ, cả về cung ứng điện, nước, phòng lưu trú, ăn uống… cũng như ảnh hưởng đến khả năng thụ hưởng các tiện nghi của cộng đồng dân cư và du khách. Tại Sa Pa, sự tăng trưởng nhanh về lượng khách tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng, sự phát triển của các dự án, công trình xây dựng làm ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái, cảnh quan môi trường.

Kinh nghiệm phát triển du lịch của Hàn Quốc

Hàn Quốc cũng phải đối mặt với các thách thức khi lượng khách tập trung quá mức tại Seoul. Theo nghiên cứu của Viện Văn hóa, Du lịch Hàn Quốc (KCTI) lượng khách quốc tế đến Hàn Quốc đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua nhưng gần 80% đến thăm Seoul, hai điểm đến đứng thứ 2 và 3 là Gyeonggi hay Busan được lựa chọn bởi khoảng 14% du khách, trong khi đa số các thành phố khác ở mức dưới 3%.

“Việc quá tập trung tại Seoul gây ra nhiều khó khăn cho khách quốc tế như phương tiện đi lại, rào cản ngôn ngữ, thiếu thuận tiện khi sử dụng phương tiện công cộng… Các chính sách phát triển du lịch bị tập trung cho Seoul gây ra mất cân bằng vùng miền, đòi hỏi Hàn Quốc phải phát triển các thành phố khác trở thành trung tâm về du lịch tầm quốc tế và quốc gia”, TS Park Ju Young (Viện Văn hóa, Du lịch Hàn Quốc) chia sẻ tại hội nghị.

Bãi biển Jumunjin tại Gangneung, Hàn Quốc. Nguồn: Sở Du lịch Gangneung

Cách phát triển du lịch đô thị ở Hàn Quốc có thể gợi mở những bài học kinh nghiệm hữu ích cho các đô thị ở Việt Nam. Theo TS Park Ju Young, ngoài thủ đô Seoul, các thành phố được Hàn Quốc lựa chọn để phát triển thành các trung tâm du lịch đô thị mới là Busan, Gangneung, Jeonju, Mokpo và Andong.

Trong đó riêng Busan được định hướng là thành phố trung tâm du lịch quốc tế, 4 thành phố còn lại là trung tâm du lịch tầm khu vực. Mỗi thành phố lại được định vị theo một cách riêng, như Busan là thành phố văn hóa biển với phim ảnh, lễ hội và tham quan tự do. Gangneung là thành phố du lịch văn hóa và phong cảnh tươi đẹp. Jeonju là trung tâm du lịch đậm nét nhất về văn hóa Hàn Quốc. Mokpo là điểm đến cảng biển thơ mộng, còn Andong là thành phố di sản Hàn Quốc.

Sau khi xây dựng thương hiệu riêng cho từng thành phố, Hàn Quốc triển khai chiến lược 5 bước gồm nâng cao nhận thức về điểm đến; cải thiện khả năng tiếp cận điểm đến của khách du lịch (như tạo điều kiện nhập cảnh, di chuyển nội đô và liên vùng dễ dàng); phát triển những hoạt động độc đáo và hấp dẫn dựa trên tài nguyên du lịch địa phương; tạo môi trường du lịch thuận tiện và an toàn; và cuối cùng là tạo hệ sinh thái du lịch địa phương bền vững. Dự kiến đến năm 2025, 5 thành phố này sẽ cung cấp đa dạng lựa chọn nhập cảnh và tuyến đường du lịch, qua đó du khách nước ngoài có nhiều cách để vào Hàn Quốc và mang đến hiệu ứng lan tỏa cho các khu vực trên khắp đất nước.

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/han-quoc-lam-gi-khi-seoul-qua-dong-khach-du-lich-post1056693.vov