Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng vọt trong ngày 1/2

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại ga tàu hỏa ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 20/1/2023. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Số ca mắc COVID-19 mới của Hàn Quốc ngày 1/2 đã tăng lên hơn 20.000 ca sau khi chính phủ nước này nới lỏng biện pháp phòng dịch trong không gian kín nhằm nỗ lực khôi phục hoàn toàn tình trạng bình thường trước đại dịch.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố cùng ngày cho thấy nước này đã có thêm 20.420 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 28 trường hợp từ nước ngoài, nâng tổng số ca bệnh lên 30.197.066.

Số lượng ca mắc COVID-19 hằng ngày đã tăng từ mức thấp nhất trong 7 tháng là 7.416 ca (ngày 30/1) lên 20.420 ca (ngày 1/2). Số ca tử vong do COVID-19 tăng cao kỷ lục với 42 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 33.486 ca.

KDCA kêu gọi người dân nên tiêm phòng vì tỉ lệ những người được cho là đã tái nhiễm COVID-19 đã tăng từ khoảng 19% vào tháng 12/2022 lên khoảng 23% vào tháng 1/2023.

Bên cạnh đó, KDCA cho biết thêm rằng biến thể phụ Omicron BN.1 đã trở thành chủng chiếm ưu thế ở Hàn Quốc vào tuần trước thay thế BA.5, với tỉ lệ phát hiện lên tới 48,9% trong tổng số ca nhiễm vào tuần trước.

Trong khi đó, kể từ ngày 1/2, Ý sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát phòng chống COVID-19 đối với du khách đến từ Trung Quốc, thực hiện việc xét nghiệm ngẫu nhiên thay vì bắt buộc tại các sân bay của nước này.

Phóng viên TTXVN tại Rome cho biết theo nghị định mới, đã được Bộ trưởng Y tế Ý Orazio Schillaci ký, Rome yêu cầu những hành khách trên các chuyến bay đến từ Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 48 giờ sau khi khởi hành và có thể thực hiện thêm những xét nghiệm "trên cơ sở ngẫu nhiên" khi đến sân bay. Nghị định mới sẽ có hiệu lực cho đến ngày 28/2.

Ngày 28/12/2022, chính phủ Ý đã ra quy định, yêu cầu tất cả hành khách đến từ Trung Quốc phải xét nghiệm COVID-19 bắt buộc và giải trình tự virus tại các sân bay. Quyết định nới lỏng quy định trên của Ý trái ngược với lập trường của Pháp, quốc gia đã gia hạn việc buộc du khách đến từ Trung Quốc phải xét nghiệm COVID-19 bắt buộc cho đến ngày 15/2.

Quy mô của đợt bùng phát ở Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Nhật Bản, áp đặt các quy định phòng chống COVID-19 đối với du khách đến từ Trung Quốc. Việc mở lại biên giới của Trung Quốc từ hôm 8/1 làm tăng khả năng khách du lịch Trung Quốc quay trở lại các khu phố mua sắm trên toàn thế giới, nơi từng là thị trường trị giá 255 tỉ USD mỗi năm trên toàn cầu.

Giới chức cấp cao của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) vừa cho biết dịch COVID-19 tại Trung Quốc đã bước vào giai đoạn lây nhiễm ở mức độ thấp với số ca mắc mới giảm dần.

Khi kỳ nghỉ tết nguyên đán kết thúc, ngày 30/1, Cơ chế phòng ngừa và kiểm soát liên hợp của Quốc Vụ viện (Chính phủ Trung Quốc) đã tổ chức một cuộc họp báo về tình hình trong kỳ nghỉ lễ.

Tại buổi họp báo, giới chức NHC nhấn mạnh công tác phòng ngừa dịch bệnh ở các vùng nông thôn rộng lớn sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu.

NHC cho biết kể từ ngày 21/12/2022, các phòng khám sốt và phòng khám đa khoa ở các cơ sở y tế cấp thị trấn và cộng đồng đã giảm so với xu hướng gia tăng trước đó và số lượng bệnh nhân từ ngày 21-27/1 vẫn ở mức độ thấp.

Ví dụ, số lượng bệnh nhân trong ngày 27/1 tại các phòng khám đa khoa ở các cơ sở y tế cơ sở bằng 44% so với ngày 29/12/2022.

Số liệu thống kê được đưa ra tại cuộc họp báo nhất quán với số liệu thống kê mà Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) công bố trong số mới nhất của tạp chí học thuật hàng tuần, cho thấy làn sóng dịch bệnh gần đây đã lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 12/2022 và đến cuối tháng 1/2023, mức độ lây lan chung của SARS-CoV-2 trên toàn Trung Quốc đã xuống mức thấp hơn, giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế của nước này.

NHC cho biết trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên toàn Trung Quốc bước vào giai đoạn lây nhiễm thấp, công tác phòng ngừa ở các vùng nông thôn vẫn là ưu tiên hàng đầu, đồng thời nhấn mạnh cần chú ý nhiều hơn đến việc theo dõi sức khỏe của các nhóm chủ chốt.

Được biết, chính quyền cấp cơ sở đưa ra những yêu cầu chi tiết đối với các phòng khám ở nông thôn và thị trấn, bao gồm trang bị ít nhất một xe cứu thương và đảm bảo có thể tiếp nhận các cuộc gọi khẩn cấp 24/24 giờ để thuận tiện cho việc vận chuyển bệnh nhân; theo dõi sức khỏe người cao tuổi mắc các bệnh khác để có hướng điều trị kịp thời.

Tại Mỹ, hãng dược phẩm Pfizer có trụ sở ở New York (Mỹ) cán mốc doanh thu kỷ lục 100 tỉ USD trong năm 2022, trong đó gần 57 tỉ USD là từ vắcxin và thuốc điều trị COVID-19. Trong tổng doanh thu 100 tỉ USD năm 2022 của Pfizer, vắcxin phòng COVID-19 chiếm 37,8 tỉ USD, chỉ tăng 3% so với năm 2021 do nhu cầu giảm.

Nhưng bù lại, doanh thu từ Paxlovid - thuốc điều trị COVID-19 - đã lên tới 18,9 tỉ USD ngay trong năm đầu tiên loại thuốc này có mặt trên thị trường. Trên thực tế, doanh thu từ vắcxin cộng với thuốc điều trị COVID-19 của năm 2022 còn nhiều hơn tổng doanh thu của Pfizer trong năm 2019, trước khi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu và khiến hơn 6,8 triệu người thiệt mạng.

Tuy nhiên, Pfizer dự báo kết quả kinh doanh của năm 2022 sẽ không lặp lại trong năm nay. Hãng đã thông báo với các nhà đầu tư rằng ước tính doanh thu của năm 2023 sẽ giảm tới 33%, còn khoảng 67-71 tỉ USD, vì thế giới đang dần hồi phục sau đại dịch và nhu cầu vắcxin cũng như thuốc điều trị COVID-19 giảm xuống.

Doanh thu từ vắcxin ngừa COVID-19 trong năm nay của hãng ước đạt 13,5 tỉ USD, giảm 64% so với năm ngoái, trong khi doanh thu từ thuốc Paxlovid ước đạt 8 tỉ USD, giảm 58%. Hãng cũng dự đoán cổ tức sẽ giảm tới 50% còn 3,25-3,45/cổ phiếu so với mức kỷ lục 6,58/cổ phiếu của năm 2022.

Tổng giám đốc Pfizer, ông Albert Bourla, đã công bố kế hoạch phát triển tới năm 2030 hãng không còn dựa vào đại dịch COVID-19, theo đó, doanh thu của hãng sẽ tăng nhờ vắcxin ngừa RSV (virus hợp bào hô hấp), thuốc trị chứng đau nửa đầu, viêm loét ruột già và một vài loại thuốc khác.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/292929/han-quoc-ghi-nhan-so-ca-mac-covid-19-tang-vot-trong-ngay-1-2.html