Hàn Quốc bị 'kẹp' giữa Trung Quốc và Mỹ trong cuộc chiến công nghệ

Hàn Quốc đang đứng giữa 'ngã ba đường' khi không thể dứt hẳn Trung Quốc nhưng cũng không muốn 'làm mất lòng' Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến tranh công nghệ giữa hai cường quốc này ngày càng căng thẳng hơn.

Hàn Quốc được hưởng lợi từ căng thẳng Mỹ - Trung.

Các tập đoàn của Hàn Quốc đã và đang đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực từ chất bán dẫn, pin xe điện đến ngành công nghệ sinh học và viễn thông. Đây cũng là những lĩnh vực thiết yếu và có ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh quốc gia cũng như chiến lược công nghiệp của cả Washington và Bắc Kinh.

Chính vì thế, Hàn Quốc đang trở thành “miếng bánh ngọt” mà cả hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc thèm muốn, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng leo thang.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách thu hút năng lượng sản xuất và công nghệ của Hàn Quốc trong các lĩnh vực kể trên với nhiều chính sách hấp dẫn.

Cụ thể, các nhà sản xuất chip Samsung Electronics và SK Hynix cùng với các nhà sản xuất pin LG Energy Solution, SK On và Samsung SDI sẽ nhận được hàng tỷ USD trợ cấp của Mỹ.

Hàn Quốc không muốn làm mất lòng cả Trung Quốc lẫn Mỹ.

Đổi lại, những công ty này buộc phải tuân thủ một loạt các hạn chế của Mỹ, có liên quan đến các hoạt động của họ ở Trung Quốc và quan hệ đối tác của họ với các công ty tại Trung Quốc. Điều này làm dấy lên lo ngại Seoul sẽ khiến Bắc Kinh “phật lòng” và trở thành mục tiêu “trả đũa” mới của chính quyền Bắc Kinh.

Mối quan hệ kinh tế giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đã thay đổi kể từ sau năm 1992 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ đó, giá trị thương mại Trung – Hàn hàng năm đã tăng từ 6 tỷ USD lên hơn 300 tỷ USD vào năm 2022.

Vào thời gian này, Trung Quốc chiếm hơn 25% xuất khẩu của Hàn Quốc trong khi Mỹ chiếm chưa đến 15%. Trong đó, lĩnh vực chất bán dẫn chiếm 20% giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc.

Mặc dù Hàn Quốc vẫn khẳng định “không có ý định tách khỏi Trung Quốc” nhưng các nhà kinh tế Hàn Quốc cũng như nhiều doanh nhân đều nhận định rằng Hàn Quốc đang dần “xoay trục” ra khỏi Trung Quốc, dù Bắc Kinh có thích hay không.

Theo dữ liệu do Ngân hàng Hàn Quốc công bố vào tháng 6 vừa qua, trong năm 2022, Hàn Quốc đã xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn sang Trung Quốc, đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2004.

Hàn Quốc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nhiều hơn sang Trung Quốc vào năm 2022.

Nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã dần giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong những năm qua. Nhà sản xuất điện thoại thông minh Samsung đã bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vào năm 2008 và đóng cửa nhà máy smartphone cuối cùng ở Trung Quốc vào năm 2019.

“Samsung cho thấy rằng bạn không cần sản xuất ở Trung Quốc và thậm chí không cần phụ thuộc vào người tiêu dùng Trung Quốc”, ông Yeo Han Koo - cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Hàn Quốc và hiện là thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói.

Tương tự Samsung, nhà sản xuất ô tô Hyundai cũng đang bán 2 trong số 4 nhà máy còn lại của mình tại Trung Quốc khi chuyển trọng tâm sản xuất sang Indonesia và Mỹ.

Nếu không tính đến lĩnh vực chip và pin, doanh thu của các công ty Hàn Quốc tạo ra tại Trung Quốc đã giảm 37,3% trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2022, tờ Financial Times chỉ ra.

Samsung đã đóng cửa nhà máy cuối cùng tại Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Hàn Quốc Ahn Duk Geun cho biết chính sách “can thiệp tùy tiện vào các doanh nghiệp” của Bắc Kinh đang khiến các công ty Hàn Quốc “giảm tiếp xúc” với Trung Quốc.

Ở một diễn biến khác, các công ty hàng đầu của Hàn Quốc đang được kỳ vọng sẽ khai thác thành công từ những thay đổi địa chính trị, tận dụng tối đa các ưu đãi từ Mỹ và hạn chế những phản ứng tiêu cực có thể xảy ra từ phía Trung Quốc. Cách “tiếp cận kép” khéo léo có thể giúp Hàn Quốc hưởng lợi từ cả Washington – đóng vai trò là đối tác an ninh chính và Bắc Kinh – đối tác kinh tế chính.

Ông Yeo Han Koo nhận định: “Căng thẳng Mỹ - Trung đang khiến nhiều người lo lắng. Thế nhưng, đây có thể là một cơ hội lớn cho Hàn Quốc”.

Minh Nhật

Theo Financial Times

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/han-quoc-bi-kep-giua-trung-quoc-va-my-trong-cuoc-chien-cong-nghe-20180504224287250.htm