Hai trường luật hàng đầu thế giới từ chối tham gia xếp hạng

Hôm 16/11, lãnh đạo trường luật của ĐH Yale và Harvard cho biết các tổ chức này sẽ không tham gia vào bảng xếp hạng hàng năm của US News về các trường luật hàng đầu.

Trường Luật, ĐH Harvard, không bị tổn hại sau khi rút lui khỏi bảng xếp hạng nhờ danh tiếng và những cựu sinh viên thành đạt. Ảnh: The Progressive Army.

Hiệu trưởng Heather K. Gerken của trường Luật, ĐH Yale, cho biết bảng xếp hạng đó không khuyến khích các trường đại học nhận sinh viên có thu nhập thấp và hỗ trợ những người muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ công.

"Quá trình xếp hạng của US News đang làm suy yếu các cam kết cốt lõi của nghề luật", ông Gerken nói.

Trong một email gửi hôm 16/11 tới cộng đồng trường Luật, ĐH Harvard, được chia sẻ với CBS MoneyWatch, Hiệu trưởng Harvard John Manning cho biết tổ chức này cũng rút khỏi bảng xếp hạng vì không thể dung hòa các nguyên tắc và cam kết của nhà trường với phương pháp xếp hạng của US News.

Đầu năm nay, US News & World Report cũng bị chỉ trích khi ĐH Columbia thừa nhận đã khống dữ liệu những năm trước để tăng hạng lên vị trí thứ 2. Do những sai sót đó, ĐH Columbia cho biết sẽ không cung cấp thông tin cho US News xem xét việc thu thập dữ liệu.

Bất chấp quyết định của ĐH Columbia về việc không gửi dữ liệu trong năm nay, US News vẫn tiếp tục xếp hạng trường đại học, kết quả ngôi trường thuộc Ivy League này tụt từ vị trí thứ 2 xuống 18.

Trường luật của ĐH Yale và Harvard đều không bị tổn hại sau khi rút lui khỏi bảng xếp hạng nhờ danh tiếng và những cựu sinh viên thành đạt. Nhiều người trong số họ đã đạt được những thành công về chính trị và có vị trí trong các cơ quan tư pháp.

Cả hai cũng cũng có nguồn lực dồi dào để giúp đỡ sinh viên thu nhập thấp. Cụ thể, khoản tài trợ của trường Luật, ĐH Harvard, vào khoảng 50 tỷ USD và ĐH Yale khoảng 41,4 tỷ USD. Điều này khiến họ trở thành những trường đại học giàu có thứ nhất và thứ ba trên toàn quốc.

Bà Gerken của trường Luật, ĐH Yale, cho rằng khía cạnh đáng lo ngại nhất trong bảng xếp hạng là nó không khuyến khích các trường luật hỗ trợ những sinh viên muốn theo đuổi sự nghiệp lợi ích công.

"Bảng xếp hạng đã loại trừ các chương trình xóa nợ khi tính toán các khoản nợ của sinh viên", bà Gerken nói.

Ông Manning cũng nhấn mạnh bảng xếp hạng đang đi ngược cam kết của các trường luật trong việc tăng cường sự đa dạng kinh tế - xã hội trong các lớp học. Theo ông, phương pháp này đang làm suy yếu nỗ lực của nhiều trường luật trong việc hỗ trợ sinh viên theo đuổi sự nghiệp lợi ích công.

Năm 2007, chương trình xóa nợ khoản vay dịch vụ công được tạo ra với mục tiêu xóa nợ sinh viên Mỹ làm việc trong dịch vụ công, bao gồm giáo viên trường công đến luật sư công ích làm việc cho chính phủ hoặc tổ chức phi lợi nhuận.

Bà Gerken cũng chỉ ra sự nhấn mạnh của US News về điểm LSAT/GRE trung bình và điểm GPA, nó chiếm 20% trong xếp hạng chung của một trường luật. Một số chuyên gia đã chỉ trích các bài thi khảo thí theo tiêu chuẩn vì học sinh, sinh viên giàu có xu hướng đạt điểm cao hơn nhờ có điều kiện tham gia các lớp luyện thi hoặc dạy kèm đắt đỏ.

“Số liệu này đặt ra áp lực rất lớn đối với các trường học trong việc bỏ qua những sinh viên có triển vọng, đặc biệt những ai không đủ khả năng chi trả cho các khóa luyện thi đắt đỏ", bà Gerken nói.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-truong-luat-hang-dau-the-gioi-tu-choi-tham-gia-xep-hang-post1375984.html