Hà Nội: Năm nhóm giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh xuất khẩu năm 2020

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 12-2 về đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020.

Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Internet

Theo chỉ tiêu do HĐND thành phố Hà Nội giao, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 trên địa bàn thành phố đạt trên 8%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD.

Hoạt động xuất khẩu trong năm 2020 được nhìn nhận có yếu tố thuận lợi và khó khăn. Để đạt mục tiêu trên, UBND thành phố đã đề ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu.

Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất

UBND thành phố giao Sở Công Thương, Cục Hải quan Hà Nội, Cục thuế thành phố Hà Nội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp về thông tin thị trường nước ngoài, các hiệp định thương mại tự do, chính sách pháp luật mới liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh xuất nhập khẩu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện các chương trình tập huấn về sản xuất an toàn, nhãn hiệu cho nông dân; thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi, cơ cấu lại sản xuất của các ngành hàng gắn với truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu của thành phố...

Xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn; dành vốn cho vay phát triển sản xuất kinh doanh xuất khẩu; hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội gắn với thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Để thực hiện tốt khâu này, Cục Thuế thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế; ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu, các bước trong quản lý thuế.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tiếp tục triển khai quyết định ủy quyền của Bộ Công Thương cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi cho doanh nghiệp khu công nghiệp qua hệ thông điện tử cấp độ 3, cấp độ 4 theo cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN.

Tăng cường thu hút đầu tư

Việc tăng cường thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp tập trung, cơ sở hạ tầng logistics, hệ thống dịch vụ; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu là nhóm giải pháp thứ tư được UBND thành phố đặt ra.

Để thực hiện tốt giải pháp này, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng dịch vụ logistics. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố phối hợp với cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu trong 4 lĩnh vực (đầu tư, thương mại, du lịch và nông nghiệp), giúp doanh nghiệp tìm hiểu được các đối tác, thị trường, ngành hàng liên quan đến xuất khẩu.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư

Nhóm giải pháp thứ năm được đặt ra là Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư tại bộ phận hỗ trợ thông tin đầu tư tại Hà Nội cho các doanh nghiệp Nhật Bản (Japan Desk); hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu về chính sách, thủ tục đầu tư, đối tác và cơ hội đầu tư...

Ngoài năm nhóm giải pháp chủ yếu trên, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao ngăn lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa.

Hương Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/958286/ha-noi-nam-nhom-giai-phap-chu-yeu-de-day-manh-xuat-khau-nam-2020