Gửi niềm tin vào kỳ họp

ĐBP - Bên lề kỳ họp, cán bộ, đảng viên, nhân dân đã có những ý kiến, đề xuất, kiến nghị tâm huyết về các lĩnh vực: Phổ biến giáo dục pháp luật; định hướng tạo việc làm cho thanh niên; phòng chống dịch bệnh Covid-19 gắn với phát triển kinh tế - xã hội; bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia... gửi đến HĐND tỉnh với niềm tin, kỳ vọng.

Anh Lường Văn Thông, Bí thư Đoàn xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên

Tăng cường phổ biến pháp luật và giải quyết việc làm cho thanh niên

Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XV có xem xét, xây dựng Nghị quyết về phát triển thanh niên tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2030. Là cán bộ đoàn, tôi quan tâm đặc biệt đến nội dung này.

Từ thực tế địa bàn, tôi mong rằng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh niên được quan tâm nhiều hơn nữa. Tại xã chúng tôi, 60 - 70% đoàn viên, thanh niên có thiết bị điện thoại thông minh, kết nối internet, nhưng nhận thức, hiểu biết về pháp luật của nhiều người vẫn hạn chế. Để thanh niên vùng cao như Hẹ Muông dễ dàng tiếp cận những nguồn thông tin chính thống, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng... Đồng thời tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về thanh niên.

Cùng với đó là tạo việc làm bền vững cho thanh niên. Đối với thanh niên nông thôn, vùng cao, việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế còn hạn chế. Thanh niên hầu hết làm nông nghiệp, phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, địa hình. Hàng năm có những dự án, nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên nhưng đôi khi cá nhân không đáp ứng được điều kiện mô hình. Hoặc lo sợ thua lỗ, không có tài sản để xoay sở nên không mạnh dạn tham gia. Vì vậy, mong đại biểu HĐND tỉnh bàn thảo, tìm ra giải pháp hiệu quả cho vấn đề này. Trong đó quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền tư vấn, hướng nghiệp cùng các chính sách ưu đãi cho thanh niên. Đồng thời kết nối với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên.

Ông Mai Văn Huynh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 9, thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng

Một năm thực hiện tốt nhiệm vụ kép

Năm 2021 huyện Mường Ảng nói riêng, tỉnh ta nói chung, tôi nhận thấy nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa ổn định tình hình, phát triển kinh tế - xã hội đã được thực hiện tốt. Cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách quyết liệt, giao trách nhiệm trực tiếp cho từng cơ sở, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tổ dân phố chúng tôi đã có trên 98% người từ 18 tuổi trở lên hoàn thành 2 mũi tiêm. Việc phát triển kinh tế của huyện, tỉnh cũng đạt được những kết quả tích cực. Như tại Mường Ảng, cây cà phê được mùa, được giá, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Mong kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh sẽ đánh giá khách quan, đầy đủ các kết quả, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm qua, để xác định kế hoạch năm 2022 đúng hướng, đúng trọng tâm, hiệu quả. Cá nhân tôi đề nghị tiếp tục quan tâm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ các mô hình sản xuất hiệu quả, có nhiều tiềm năng; dành nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, sớm hoàn hiện hệ thống điện lưới quốc gia về cho các bản vùng cao chưa có điện. Và xem xét chính sách hỗ trợ, chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách tại thôn, bản, tổ dân phố để có sự động viên xứng đáng cho họ...

Nhà giáo Bùi Thị Anh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn

Mong có chính sách hỗ trợ học sinh trường chuyên và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia

Khi biết kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XV bàn thảo, xem xét thông qua nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ học sinh trường THPT chuyên và mức thưởng, mức chi bồi dưỡng đối với giáo viên, cán bộ quản lý, chuyên gia, học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa quốc gia, khu vực và quốc tế, cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường đều rất mong chờ. Bởi những năm qua không có chính sách hỗ trợ, trường gặp không ít khó khăn.

Đó là việc nguồn tuyển học sinh vào các lớp chuyên không nhiều, hầu hết chỉ tập trung ở khu vực TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Nhiều học sinh có tố chất nhưng gia đình ở xa, hoàn cảnh khó khăn nên không đăng ký dự thi vào trường, vì không đủ điều kiện và chi phí học tập. Đặc biệt, trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia, các em không có chế độ hỗ trợ học tập trong quá trình ôn luyện, dẫn đến gia đình phải đóng tiền sinh hoạt phí, hỗ trợ chi phí khi đi học thỉnh giảng...

Đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy đội tuyển tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia cũng vậy. Chế độ động viên, khích lệ cho cán bộ quản lý và giáo viên bị cắt giảm rất nhiều từ năm 2017. Trong khi, giáo viên dành hết thời gian ôn luyện cho học sinh, cường độ làm việc quá lớn. Và không chỉ đến khi có quyết định thành lập đội tuyển mới tổ chức ôn luyện mà thực hiện từ trước đó rất lâu, tổng số tiết không đếm xuể. Mức hỗ trợ, động viên chưa tương xứng với công sức, tâm huyết bỏ ra.

Những năm qua, tỉ lệ đạt giải học sinh giỏi quốc gia trung bình của tỉnh ta hàng năm từ 30 - 40%. Tuy nhiên, 2 năm gần đây có phần giảm sút, năm học 2019 - 2020 chỉ có 5/40 học sinh đạt giải (13%). Những khó khăn phía trên chính là một phần nguyên nhân vấn đề. Vì vậy việc ban hành nghị quyết liên quan đến nội dung này với các chính sách phù hợp là cần thiết.

Nguyễn Hiền (ghi)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/192631/gui-niem-tin-vao-ky-hop