GS Văn Tần - đại thụ ngoại khoa đã ra đi

Trong hơn 60 năm gắn bó với nghề y, GS-TS-BS, Thầy thuốc Nhân dân Văn Tần đã để lại nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị và trở thành cẩm nang của nhiều thế hệ y - bác sĩ

Hồi 10 giờ 15 phút ngày 4-9, GS-TS-BS Văn Tần, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân (TP HCM), từ trần; hưởng thọ 92 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại cho các thế hệ học trò sự hụt hẫng, tiếc thương người thầy thuốc một đời hết lòng vì học trò, ân cần với người bệnh.

Tận tâm với nghề

Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 4-9, GS-TS-BS Lê Quang Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, cho biết đó là ngày đau buồn của không chỉ riêng ông mà còn toàn thể công nhân viên chức của Bệnh viện Bình Dân.

"Cách đây hơn 48 năm, lúc đó tôi mới vào nội trú thì GS Văn Tần đã là Trưởng Khoa Ngoại Bệnh viện Bình Dân. Tôi đã học được rất nhiều từ thầy. Ông không chỉ là thầy thuốc giỏi, mát tay mà còn tận tâm với nghề, đồng nghiệp, học trò. Dù ngày hay đêm, chỉ cần đàn em mời tham vấn những ca cấp cứu khó, thầy đều không từ nan" - bác sĩ Nghĩa bày tỏ.

Lúc sinh thời, GS Văn Tần là cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Bình Dân (TP HCM). Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Theo bác sĩ Nghĩa, GS Văn Tần là người yêu thích nghiên cứu khoa học. Ông đã viết gần như mọi chủ đề về ngoại khoa. Riêng phình động mạch chủ bụng, GS Văn Tần là người số 1 ở Việt Nam với số ca mổ nhiều nhất nước.

GS-TS-BS Lê Quang Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân (TP HCM): “Một biểu tượng cao quý của ngành ngoại khoa đã tắt. Cùng với mọi công nhân viên chức của bệnh viện, tôi trân trọng cúi đầu trước sự ra đi mãi mãi của thầy với lòng thương tiếc khôn nguôi”.

"Tôi vẫn nhớ tường tận nhiều ca bệnh thập tử nhất sinh đã được thầy cứu và cũng không thể nào kể hết số ca bệnh mà thầy đã phẫu thuật. Với mọi bệnh nhân, thầy luôn tận tụy và chu đáo trong điều trị" - bác sĩ Nghĩa nói.

Chị Trần Bích Vân, điều hành Khoa Tổng quát 3 Bệnh viện Bình Dân, tâm sự vẫn không thể nào quên được hình ảnh một người bác sĩ giàu lòng nhân ái, luôn tận tâm với bệnh nhân. Đây cũng là cảm nhận của chị Ngô Thị Kim Hoàn, hộ lý - người 25 năm gắn bó tại Bệnh viện Bình Dân. Chị Hoàn chia sẻ thầy là một người mẫu mực, tốt bụng và mong rằng sau này khi con mình học ngành y sẽ noi theo gương thầy.

Tấm gương y đức

Nhắc đến GS Văn Tần, TS-BS Lâm Văn Nút, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), luôn nhớ hình ảnh người thầy uyên bác nhưng rất giản dị. "Thầy là người có chuyên môn cao, rất tận tâm với nghề; nhiệt tình, tâm huyết với sinh viên. Dù trải qua hàng ngàn ca mổ nhưng trước cuộc phẫu thuật thầy rất kỹ lưỡng, bài bản, ngăn nắp. Ví dụ, chỉ cần biết ngày hôm sau có ca mổ là thầy sẽ nắm được công việc của từng người trong ê-kíp như bác sĩ gây mê, bác sĩ mổ, điều dưỡng…" - bác sĩ Nút chia sẻ.

Bác sĩ Nút cho biết hồi tháng 3-2023, ông cùng một số đồng nghiệp đến thăm GS Văn Tần. Dù bệnh nhưng chỉ cần nghe học trò đến thăm và nói về nghề, ông tươi tắn hẳn.

"Tình yêu dành cho chuyên môn với thầy chưa bao giờ tắt. Thầy có thể ngồi say sưa chia sẻ về nghề với học trò. Khi đó, thầy vui mừng khi những tâm tư về bệnh lý mạch máu được gỡ bỏ. Bởi chuyên ngành mạch máu ngày càng phát triển, giúp cho người bệnh bớt nặng nề hơn sau các cuộc phẫu thuật, hiệu quả điều trị tốt hơn" - bác sĩ Nút kể.

Theo bác sĩ Nút, GS-TS-BS Văn Tần không chỉ là thầy của nhiều thế hệ bác sĩ về mặt chuyên môn mà còn là tấm gương tận tụy với nghề, với người bệnh. "Không chỉ riêng tôi mà nhiều thế hệ học trò đều sẽ luôn xem thầy là tấm gương để học hỏi, không ngừng hoàn thiện và phát triển nhằm hướng tới đích cuối cùng trị bệnh cứu người" - bác sĩ Nút tâm sự.

Linh cữu của GS-TS-BS Văn Tần được quàn tại số 99 đường 19, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP HCM. Lễ nhập quan lúc 18 giờ 30 phút ngày 4-9.

Lễ viếng từ 19 giờ 30 phút ngày 4-9 đến 5 giờ ngày 7-9. Lễ động quan vào lúc 6 giờ ngày 7-9. Hỏa táng tại Hòa Lạc Viên - Hoa viên Nghĩa trang Sala Garden (Tân Hiệp, Long Thành, Đồng Nai).

HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/gs-van-tan-dai-thu-ngoai-khoa-da-ra-di-20230904221014328.htm