Góp sức bảo tồn một dòng gốm độc đáo

Nơi đây, hơn 200 hiện vật gốm Quảng Đức được trưng bày trong không gian trang nhã. Bên cạnh đó là một số hiện vật thuộc văn hóa Chăm Pa, gốm Việt, một số hiện vật độc bản và có giá trị lịch sử rất đặc biệt, liên quan đến vùng đất và con người Phú Yên cũng như quá trình mở cõi về phương Nam của ông cha ta.

Một dòng gốm độc đáo

Theo nhà nghiên cứu cổ vật Trần Thanh Hưng, Chủ nhiệm CLB UNESCO Nghiên cứu - Bảo tồn cổ vật Phú Yên, gốm Quảng Đức có sự tiếp nối dòng gốm Gò Sành (Bình Định) nổi tiếng dưới vương triều Vijaya Champa, vùng đất Bình Định ngày nay. Sau khi dòng gốm này kết thúc thời kỳ vàng son, cuối thế kỷ XVI, có một dòng họ Nguyễn từ Bình Định đã mang nghề làm gốm vào dừng chân dưới chân núi A Man (thuộc thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An ngày nay) lập làng, làm gốm.

Ảnh hưởng từ dòng gốm Chăm Pa nhưng chính trên vùng đất mới này, nơi có nguồn đất sét xanh, đất sét vàng rất tốt ở An Định, có củi mằng lăng để nung gốm, có sò huyết Ô Loan góp phần làm cho gốm có nhiều màu sắc độc đáo, tạo nên sự nhận diện không lẫn vào đâu được…, nghệ nhân đã làm nên một dòng gốm độc đáo - gốm Quảng Đức.

Là một người con của Tuy An, nhà sưu tập gốm Quảng Đức Trần Thanh Hưng có nhiều “duyên nợ” với dòng gốm này. Năm 1992, trong một lần lên miền Tây Phú Yên, anh phát hiện một chóe rượu có màu men lạ, thân chóe hằn nhiều dấu vỏ sò. Hỏi ra mới biết, già làng ở đây mua về từ làng gốm Quảng Đức. Từ đó, anh dành nhiều thời gian, công sức để sưu tầm, tìm hiểu về dòng gốm này.

Nhà nghiên cứu cổ vật Trần Thanh Hưng cho biết: Tiêu biểu trong dòng gốm Quảng Đức là gốm tráng men. Trên các sản phẩm gốm tráng men hầu hết đều in dấu vỏ sò. Trên thế giới, việc dùng vỏ sò, vỏ điệp để tăng nhiệt độ lò đã xuất hiện từ thế kỷ thứ IX ở Ý, nhưng gốm Quảng Đức là một sự tình cờ độc đáo. Cố nghệ nhân Nguyễn Thịnh, một trong những nghệ nhân cuối cùng biết kỹ thuật chế tác gốm Quảng Đức tráng men kể lại: Khi nung gốm thì kết hợp nung vôi từ sò, nhưng hồi đó sò huyết Ô Loan nhiều vô kể, không ai đợi ăn sò xong rồi lấy vỏ nung. Một số nghệ nhân cho luôn sò sống chèn vào giữa thai gốm (gốm chưa nung) và bao nung. Trong quá trình nung, huyết con sò chảy ra trên mặt gốm. Sự tác động của lửa, cùng hiện tượng hỏa biến, hoàn nguyên trong quá trình nung gốm đã tạo cho gốm Quảng Đức nhiều màu men độc đáo, không cái nào giống cái nào...

Hỏa lò để bàn và bình rượu Quảng Đức. Ảnh: YÊN LAN

Nơi gặp gỡ những người có chung đam mê

Phú Yên là một trong những tỉnh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên sớm thành lập CLB UNESCO Nghiên cứu - Bảo tồn cổ vật, trực thuộc Hiệp hội UNESCO Việt Nam. Tuy nhiên lâu nay, các nhà sưu tập như anh Trần Thanh Hưng, bác sĩ Trần Anh Dũng - Phó Chủ nhiệm CLB… đều rất bận rộn với công việc cơ quan. Vì vậy, các bộ sưu tập đều nằm im trong tủ. Được sự khuyến khích của lãnh đạo tỉnh và ngành VH-TT&DL trong việc tạo thêm các điểm đến phục vụ khách du lịch, các nhà nghiên cứu, đam mê gốm Việt…, từ ngày 19/5, Phòng trưng bày gốm cổ Quảng Đức thuộc CLB UNESCO Nghiên cứu - Bảo tồn cổ vật Phú Yên mở cửa đón những người quan tâm đến một dòng gốm độc đáo, tại số 6 An Dương Vương, phường 9, TP Tuy Hòa. Đây là kết quả cuộc hội ngộ giữa những người con Phú Yên đam mê di sản văn hóa: TS Phan Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa và tôn giáo Đông Nam Á (Cục Di sản, Bộ VH-TT&DL), nhà sưu tập Trần Thanh Hưng và anh Bùi Tấn Hào.

Tại phòng trưng bày, hơn 200 hiện vật gốm Quảng Đức (tráng men và gốm đất nung) gồm các kiểu chóe lớn nhỏ, vò, hũ, bình vôi, nậm rượu...; thống, chác, chậu hoa, khuôn in... được bài trí trong không gian trang nhã. Bên cạnh đó là một số hiện vật thuộc văn hóa Chăm Pa, gốm Việt, một số hiện vật độc bản và có giá trị lịch sử rất đặc biệt, liên quan đến vùng đất và con người Phú Yên cũng như quá trình mở cõi về phương Nam của ông cha ta.

Phòng trưng bày gốm cổ Quảng Đức mở cửa đón khách, trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ của những người có chung niềm đam mê một dòng gốm độc đáo. Đây cũng sẽ là nơi tổ chức các hoạt động liên quan đến di sản văn hóa, giới thiệu về sản vật Phú Yên như rượu, trà sâm Bố Chính, rượu Sâm Cau Phú Yên... Những người con nặng lòng với quê hương mong muốn chung tay góp sức bảo tồn di sản văn hóa Phú Yên nói chung, gốm cổ Quảng Đức nói riêng.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/299300/gop-suc-bao-ton-mot-dong-gom-doc-dao.html