Góc nhìn từ cơ sở thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình mới

Tọa đàm 'Thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 - Góc nhìn từ cơ sở' được tổ chức sáng 15/4, tại Hà Nội.

Tọa đàm “Thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 - Góc nhìn từ cơ sở”.

Tọa đàm do Viện nghiên cứu Hợp tác phát triển giáo dục, Trường THPT Đông Đô - Trung tâm sáng tạo Việt tổ chức.

TS Võ Thế Quân, Chủ tịch Hội đồng trường Trường THPT Đông Đô trong phát biểu đề dẫn đưa đề xuất: Thay bằng không thi tốt nghiệp THCS và thi tốt nghiệp THPT như hiện nay, chuyển thành tổ chức thi tốt nghiệp THCS nhưng không thi tốt nghiệp THPT. Kèm theo đề xuất, TS Võ Thế Quân đưa lý giải cụ thể; trong đó căn cứ chính là từ mục tiêu Chương trình GDPT 2018, điều kiện thực tế, nguồn lực xã hội, cơ chế quản lý, tiết kiệm là quốc sách.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo trước đề xuất này cho rằng, vẫn cần phải tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Xét hay thi tốt nghiệp đều phải thỏa mãn yêu cầu đánh giá được các môn thi bắt buộc và môn học lựa chọn mà học sinh học ở THPT. Ông bày tỏ quan điểm nghiêng về phương án thi tốt nghiệp THPT và nhấn mạnh vấn đề là đề thi của chúng ta thế nào, làm sao phải đánh giá được năng lực học sinh.

“Bộ GD&ĐT đã dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học. Nên hoàn thiện theo hướng đó của Bộ GD&ĐT”, GS Đinh Quang Báo bày tỏ.

Các chuyên gia bày tỏ cần có kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: GS.TS Đinh Quang Báo phát biểu.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - trước đề xuất của TS Võ Thế Quân đã đặt lại vấn đề: Bỏ thi tốt nghiệp THPT nhưng lại tổ chức thi tốt nghiệp THCS thì liệu có giảm áp lực, tốn kém?

Đồng tình với GS Đinh Quang Báo cũng như với dự thảo phương án của Bộ GD&ĐT là thi 4 môn bắt buộc, 2 môn lựa chọn, PGS Nghiêm Đình Vỳ nêu lý do “học sinh có thi mới có học”. Cùng với đó, bỏ thi tốt nghiệp THPT đồng nghĩa phải sửa Luật Giáo dục 2019. Việc này là không khả thi, không thể kịp thời gian vì Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 2 năm nữa.

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông thì nhấn mạnh: Kỳ thi tốt nghiệp THPT có vai trò rất quan trọng với học sinh lớp 12. Dù vậy cần làm sao để giảm áp lực với kỳ thi này. “Cá nhân tôi thấy kỳ thi “2 trong 1” được tổ chức từ năm 2015 là ưu việt, nên tiếp tục duy trì và có điều chỉnh cho phù hợp. Điều chỉnh có thể theo 2 hướng. Hướng một, chuyển kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay về địa phương, thi tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực chung cho các trường. Hướng hai là thi tốt nghiệp theo phương thức đánh giá năng lực (2 trong 1).

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) khẳng định phải có Kỳ thi tốt nghiệp THPT và nếu được có thể có thêm Kỳ thi tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, năm 2025, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT mới chỉ có 3 năm học theo Chương trình GDPT 2018 nên đề thi cần phù hợp với đối tượng này. Cùng với đó, không nên đưa kết quả thi tốt nghiệp THPT vào đánh giá thi đua để giảm bớt áp lực...

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/goc-nhin-tu-co-so-thi-tot-nghiep-thpt-theo-chuong-trinh-moi-post634604.html