Giữ tinh hoa nghệ thuật chèo trong đời sống đương đại

Để thu hút và giữ chân khán giả hiện đại, nghệ thuật chèo đang có nhiều biến đổi để thích ứng, phù hợp với môi trường, bối cảnh đời sống mới. Vấn đề đặt ra là kế thừa và phát triển thế nào để chèo vừa có sự sáng tạo mới mẻ nhưng không mất đi bản sắc.

Những biến đổi đương đại

Ăn no rồi lại nằm khèo/ Nghe tiếng trống chèo vác bụng đi xem. Trong cuộc sống đương đại, sân khấu chèo từng có lúc thịnh, lúc lắng chìm... nhưng giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của chèo luôn được khẳng định. Đó là đánh giá chung của các đại biểu tại hội thảo quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại” ngày 23.11.

Nhìn về dòng chảy văn hóa Việt Nam, NSƯT.TS. Lê Tuấn Cường, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, thoái thai từ văn minh lúa nước, chèo là hình thức nghệ thuật độc đáo được sinh ra từ làng quê châu thổ Bắc Bộ, qua hàng nghìn năm gắn bó với đời sống của nông dân. Với những đặc sắc riêng có trong nghệ thuật và tiềm ẩn nhiều giá trị thẩm mỹ, nhân văn, chèo không chỉ là món ăn tinh thần trong lúc thư nhàn của người dân quê mùa chất phác mà còn đi vào đời sống với những bài học sâu sắc về đạo lý, nhân sinh. “Chính vì vậy, chèo luôn có sức sống mãnh liệt. Những vở chèo như Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình - Dương Lễ, Tôn Mạnh - Tôn Trọng, Từ Thức, Trương Viên, Kim Nham, Chu Mãi Thần… sẽ mãi là viên ngọc quý của sân khấu truyển thống Việt Nam”.

Chính vì hòa cảm trong mạch nguồn đời sống, văn hóa tinh thần của người Việt nên chèo đã chịu tác động sâu sắc trước những thăng trầm thời cuộc và sự biến đổi của xã hội. Từ một loại hình văn hóa nghệ thuật sân khấu dân gian gắn với di sản làng, chèo được hiện đại hóa, đưa lên các sân khấu nhà hát với lối thể hiện bài bản, chuyên nghiệp. Theo các nhà nghiên cứu, điều này một mặt giúp chèo lan tỏa đến đông đảo đối tượng khán giả, mặt khác cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc lưu giữ, phát huy những giá trị cổ, để chèo không bị cách tân quá đà, không bị lai tạp, đánh mất bản sắc.

PGS.TS. Trần Thị An, Khoa các Khoa học Liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, dẫn chứng từ việc xem diễn xướng các “mảnh trò” trên chiếu chèo xưa hay sân khấu chèo nay, có thể hiểu rõ mối quan hệ giữa trò và tích, giữa tả thực và ước lệ, giữa truyền thống và sáng tạo trong trình diễn chèo cũng như mối tương tác giữa người diễn - người xem. Qua đó nhận diện sức sống của chèo và một loạt thay đổi trong chèo.

“Cuộc sống thay đổi, chèo cũng đã có nhiều biến đổi qua thời gian. Cấu trúc kịch bản chèo thay đổi, bài trí sân khẩu thay đổi, thủ pháp nghệ thuật khi trình diễn chèo thay đổi, cách kể chuyện của sân khấu chèo thay đổi, các mảnh trò của các vở chèo truyền thống với tư cách là một nam châm hút khán giả đến với chiếu chèo cũng không còn vị trí như xưa nữa”, PGS.TS. Trần Thị An nhận định.

Một buổi biểu diễn của chiếng chèo Khuốc (Thái Bình). Ảnh: Mai Tú

Kế thừa và sáng tạo

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Phương, Viện Sân khấu - Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, chèo không thể tách khỏi đời sống văn hóa. Nếu chèo cổ chỉ dừng lại ở việc diễn kể những câu chuyện trong dân gian, gắn với khung cảnh sinh hoạt văn hóa làng xã, với mục đích phê phán, giáo huấn đạo đức thì chèo đương đại đã cập nhật hiện thực cuộc sống. Sự biến đổi của văn hóa, xã hội làm đối tượng phản ánh của chèo cũng phong phú, đa diện hơn, buộc chèo phải tự điều chỉnh để tìm ngôn ngữ biểu hiện, kéo theo sự biến đổi của nghệ thuật chèo trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, có những lúc, những thời điểm, do sự cách tân quá đà mà diễn xướng gần như mất hẳn yếu tố dân gian, vô tình đẩy chèo sang hình thức sân khấu mới.

Trân trọng giá trị của chèo trong đời sống văn hóa Việt, GS. Berley Norton, Trường Đại học Goldsmiths (London, Anh), nhìn nhận loại hình nghệ thuật này trong mối tương quan hai chiều: “kinh điển hóa” và “sáng tạo”. “Dựa trên việc đọc các bài viết và sách của Việt Nam xuất bản từ đầu thế kỷ XX của các đạo diễn, nhạc sĩ, học giả và nhà phê bình nổi tiếng, tôi nghĩ công bằng mà nói đã có rất nhiều nghiên cứu về chất lượng, sức sống và khả năng bền vững của chèo. Tuy nhiên, một thách thức đặt ra là làm thế nào để tinh hoa của chèo, bản sắc dân tộc trong chèo có thể được bảo lưu mà chèo vẫn có những thay đổi cách thực hành, biểu diễn để phù hợp với ngữ cảnh và sở thích đương đại của khán giả”.

Đặt vấn đề như vậy, GS. Berley Norton cũng chia sẻ quan điểm rằng: liên quan đến sáng tạo chèo trong tương lai, quan trọng là bảo đảm sự đa dạng của các hình thức nghệ thuật, tôn trọng tiếng nói của nghệ sĩ và tự do sáng tạo.

Bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật chèo cần đặt trong đường hướng phát triển văn hóa bền vững. TS. Trần Thị Minh Thu, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, điều quan trọng là bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo cổ trên cơ sở nhận thức rõ, xác định đúng về những đặc trưng cơ bản làm nên giá trị của nghệ thuật chèo cổ. Điều này cần ở cả 3 đối tượng: nhà quản lý, nghệ sĩ/nghệ nhân và khán giả. Bởi lẽ, nhận thức đúng thì mới giữ được vốn cổ trong thực hành di sản, đồng thời có những sáng tạo, cách tân, đổi mới, kế thừa tinh hoa nghệ thuật truyền thống, lan tỏa giá trị đích thực của chèo.

“Chúng ta giữ gìn cái hay, cái đẹp của nghệ thuật chèo cổ không chỉ là bảo vệ, mà còn là căn cứ để sáng tạo cái mới trên cơ sở kế thừa, phát huy giá trị nghệ thuật chèo cổ. Ngược lại, chúng ta kế thừa, phát huy giá trị nghệ thuật chèo cổ để sáng tạo cái mới cũng chính là giữ gìn, bảo vệ giá trị nghệ thuật chèo cổ không bị mai một, mà tiếp tục duy trì sức sống lâu dài trong đời sống văn hóa đương đại”, TS. Trần Thị Minh Thu nhận định.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/giu-tinh-hoa-nghe-thuat-cheo-trong-doi-song-duong-dai-i351373/