'Giữ lửa' kinh tế tư nhân

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% trong năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội, các chuyên gia cho rằng, cần chú trọng việc phát triển mạnh cũng như 'giữ lửa' khu vực kinh tế tư nhân, để đây thực sự là một động lực của nền kinh tế.

Năm 2024 là năm áp chót của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Nếu không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay thì mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trở thành nhiệm vụ bất khả thi.

Để đạt được mục tiêu này, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, đã đặt ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cần làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% GDP cả nước. (Ảnh minh họa: BT)

Thực tế nhìn lại bức tranh tăng trưởng năm 2023, đối với các động lực tăng trưởng truyền thống, về đầu tư, đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) mới chủ yếu là từ đầu tư công. Trong khi đó tỷ trọng đóng góp của đầu tư tư nhân còn rất thấp, năm 2023 chỉ đạt 2,7%. Đáng nói, so với giai đoạn 2019 - 2022, đây là mức thấp nhất.

Cụ thể, so với năm 2019 thấp hơn 6,3 lần, năm 2020 thấp hơn 1,1 lần, năm 2021 là 2,6 lần và năm 2022 là 3,3 lần. Chưa kể, qua báo cáo của các bộ, ngành cho thấy, nhiều cơ chế, chính sách, quy định pháp luật vẫn còn cản trở, kìm hãm đầu tư tư nhân. Do đó, vấn đề mấu chốt là cần tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, cùng với tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, an toàn để có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Tại hội nghị Chiến lược phát triển kinh tế tư nhân 2024, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh rằng, năm 2024 và các năm tiếp theo, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có những giải pháp, chính sách nhằm “giữ lửa” đà cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, bình đẳng cho kinh tế tư nhân.

Hiện, kinh tế tư nhân ở Việt Nam có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp hoạt động, với khoảng 7 triệu doanh nhân. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đạt tầm cỡ quốc tế như Vingroup, Sun Group, T&T Group, Thaco, Vietjet, Vinamilk,... và có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thực tế, để hoàn thành các mục tiêu về kinh tế xã hội đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, cần nhiều hơn nữa sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, hoạt động của khu vực này còn gặp nhiều khó khăn, rào cản, như chưa thật sự được bình đẳng với các khu vực kinh tế khác trong tiếp cận các nguồn lực về tài chính, đất đai; hay những bất cập, thiếu đồng bộ trong thể chế phát triển kinh tế tư nhân.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới nhận định, một trong những vấn đề khiến đầu tư tư nhân gặp trở ngại đó là khu vực bất động sản có những khó khăn và có tác động lớn làm chậm lại đầu tư tư nhân trong nước. Vì vậy, theo bà Dorsati Madani, trong thời gian tới cần phải xem khu vực bất động sản sẽ hồi phục như thế nào và xem xét sự liên kết của bất động sản đối với 1 số ngành khác.

“Tôi thấy rằng, khu vực bất động sản có ảnh hưởng tới ngành xây dựng, dịch vụ, hậu mãi, nội thất… và nhiều ngành khác, bởi người ta xây nhà, mua nhà sẽ cần vật tư, vật liệu và phải mua sắm”, bà Dorsati Madani nói.

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, trong thời gian tới cần phải cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo thuận lợi để họ có khả năng tiếp cận được nguồn tài chính, giúp doanh nghiệp phát triển, có sự hiện diện trên thị trường và tăng trưởng sản phẩm. Ngoài ra, cần tinh giản các quy định về thành lập và vận hành doanh nghiệp, tăng tính minh bạch trong thủ tục. Khi doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển mạnh hơn, có năng suất cao hơn, họ sẽ là những nhân tố xuất khẩu cho khu vực và thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân thực sự là một động lực của nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, cần đặc biệt chú trọng trong năm 2024 và các năm tiếp theo, các chính sách vĩ mô phải xoay quanh việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó, thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Đặc biệt, kỷ luật kỷ cương cần tiếp tục được siết chặt, đi đôi với phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo tăng năng lực phản ứng chính sách theo hướng linh hoạt, đa dạng.

Chính sách vĩ mô cần đồng bộ, thiết thực và hiệu quả cao; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến vì lợi ích chung của đất nước, địa phương, người dân, doanh nghiệp.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TƯ ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo.

Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2025, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 439.130 doanh nghiệp, trong đó giai đoạn 2021 - 2025, số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 152.677 doanh nghiệp. Đến hết năm 2030 có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giu-lua-kinh-te-tu-nhan-170307.html