Giữ gìn phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc

Trong những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch tại huyện Vị Xuyên đã có bước phát triển và đạt kết quả quan trọng.

Các hoạt động văn hóa, Lễ hội được quan tâm, chú trọng, các thiết chế văn hóa được đầu tư nâng cấp, hoạt động có hiệu quả. Cùng với đó, phong trào văn hóa cơ sở phát triển mạnh và hoạt động ngày một đổi mới, đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của nhân dân trên địa bàn.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hòa xã Việt Lâm truyền dạy làn điệu hát Then, đàn Tính cho các em học sinh trường THCS xã Việt Lâm.

Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số và thúc đẩy phong trào văn nghệ ở cơ sở, Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hòa xã Việt Lâm mở lớp truyền dạy lý thuyết sơ lược về nguồn gốc xuất xứ của loại hình nghệ thuật hát Then và đàn Tính, tính chất của các làn điệu Then và thực hành về các làn điệu Then của dân tộc Tày cho các em học sinh trường THCS xã Việt Lâm. Qua đó từng bước khôi phục và góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh sau những buổi lên lớp, giúp học sinh mạnh dạn, tự tin, sáng tạo thể hiện trước đám đông. Việc triển khai thực hiện mở lớp truyền dạy đưa giáo dục văn hóa truyền thống trong các trường học trên địa bàn huyện Vị Xuyên được thực hiện theo Dự án 06 (Chương trình phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) trong 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2023.

Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hòa xã Việt Lâm cho hay: Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều thể loại âm nhạc du nhập, cộng thêm học sinh hiện nay chủ yếu sử dụng tiếng phổ thông để giao tiếp với nhau, vì vậy ngôn ngữ, tiếng dân tộc thiểu số và các làn điệu Then cũng theo đó mà mất chỗ đứng trong giới trẻ. Do đó để lưu giữ các giá trị truyền thống, đặc biệt là giữ gìn làn điệu hát Then, cây đàn Tính tôi được huyện, xã lựa chọn để truyền dạy lại những giá trị truyền thống văn hóa của người Tày.

Em Trần Khánh Linh học sinh lớp 8B trường THCS xã Việt Lâm chia sẻ: Em sinh ra và lớn lên trong cộng đồng người Tày song em không biết hát Then bởi ở quê em, những người biết hát Then, đánh đàn Tính không còn nhiều và cũng không ai truyền dạy cho lớp trẻ. Chính vì vậy, khi nhà trường mở lớp dạy hát Then, em liền đăng ký tham gia. Tham gia lớp học này, em được dạy cách cầm đàn, gẩy đàn, các làn điệu Then của dân tộc Tày.

Làn điệu hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày xã Đạo Đức.

Cùng với làn điệu hát Then của đồng bào dân tộc Tày thì các bài múa trống, chiêng, múa gậy, hay hát đối giao duyên về tình yêu đôi lứa lại là nét đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao.

Nói đến âm nhạc dân gian của người Dao, trước hết phải kể đến các làn điệu hát đối giao duyên rất phong phú và đa dạng, trong quá trình sinh sống và lao động sản xuất người Dao tự sáng tạo ra các làn điệu để bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình. Đó là những câu hát không cầu kỳ, hoa mĩ mà mộc mạc, giản dị, gần gũi như lời ăn tiếng nói hàng ngày của họ.

Trong lời hát, có núi rừng hoa cỏ, người Dao thường mượn thiên nhiên để nói hộ lòng mình, diễn tả tình cảm giữa con người với con người. Chị Lý Thị Mai thôn Lùng Chang, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên nói: Chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi khi được tham gia CLB văn hóa người Dao thôn Lùng Chang, được các nghệ nhân lâu đời, có kinh nghiệm truyền dạy các nghi lễ, câu hát, điệu múa truyền thống của dân tộc mình ai cũng phấn khởi học theo, chúng tôi sẽ học chăm chỉ để sau này lại tiếp tục truyền dạy lại cho con cháu.

Lễ hội nhảy lửa của đồng bào Dao đỏ xã Thượng Sơn.

Vị Xuyên là huyện vùng thấp của tỉnh Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó dân tộc Tày, Dao, Mông chiếm đa số. Mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc sắc riêng biệt.

Những năm qua, cùng với quan tâm phát triển kinh tế, huyện Vị Xuyên chú trọng bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Một trong những nét đặc sắc và nổi bật của văn hóa các dân tộc ở huyện Vị Xuyên chính là kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đa dạng, phong phú, được các cấp các ngành, các thế hệ quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Nhờ vậy, các giá trị như văn hóa, Lễ hội được bảo tồn và mang màu sắc riêng biệt, độc đáo, hấp dẫn như: Lễ Nhảy lửa của người Dao đỏ xã Thượng Sơn được công nhận Di sản văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia năm 2021, Lễ cấp sắc của người Dao, các làn điệu hát Then, Lễ Lồng Tông (xuống đồng), Lễ hội Gàu Tào của người Mông…

Bà Đặng Thị Phượng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vị Xuyên cho biết thêm: Ngoài việc tập trung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, huyện Vị Xuyên còn thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung phong phú để xóa bỏ, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Để thực hiện Chỉ thị 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh, nhiều hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang, huyện Vị Xuyên đã linh hoạt lồng ghép vào các cuộc thi bằng hình thức sân khấu hóa, hay thông qua các Lễ hội.

Đến nay, các hủ tục đang dần được loại bỏ tại huyện Vị Xuyên hầu như không còn các hủ tục lạc hậu như tục người chết để lâu ngày, mê tín, dị đoan, không thách cưới… Việc giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, loại bỏ các hủ tục được triển khai phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của từng địa phương, tạo được hiệu ứng lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.

Múa Khèn nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mông.

Bằng tài năng, kinh nghiệm, các nghệ nhân, người có uy tín và những người đam mê văn hóa dân tộc truyền thống là nhân tố quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc huyện Vị Xuyên, giúp lớp trẻ thêm yêu mến, trân trọng, lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thu Biên - Nguyễn Mai

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giu-gin-phat-huy-gia-tri-ban-sac-van-hoa-cac-dan-toc-post278251.html