Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói về kinh nghiệm giáo dục trẻ em của các nước phát triển

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhận định, điểm chung nổi bật trong giáo dục trẻ em ở các quốc gia phát triển chính là có khả năng sáng tạo, kỹ năng mềm, tư duy phản biện, hợp tác và giao tiếp.

Trong xu thế hội nhập với những thách thức mang tính toàn cầu, giáo dục luôn giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ở nước ta, trong tình hình mới, đổi mới giáo dục là nhiệm vụ cấp thiết và là xu thế tất yếu trong việc phát triển đất nước. Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ban hành ngày 04 tháng 11 năm 2013, đã đưa ra những đổi mới quan trọng nhất là chuyển sang tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đặc biệt chú trọng các năng lực thực hành. “Lấy việc hình thành năng lực người học làm trung tâm, làm mục tiêu đào tạo thay cho truyền thụ kiến thức”.

Là một trong những nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng luôn có những trăn trở trong việc giáo dục trẻ em trong xu thế mới của giáo dục nước nhà.

GS. Nguyễn Lân Dũng trong một cuộc trò chuyện, truyền cảm hứng học tập cho học sinh. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam về kinh nghiệm giáo dục trẻ em ở các nước phát triển mà ông có dịp nghiên cứu, tổng hợp, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhận định, điểm chung nổi bật trong giáo dục trẻ em ở các quốc gia này chính là việc chú trọng phát triển toàn diện chứ không chỉ tập trung vào kiến thức học thuật, bao gồm kỹ năng mềm, tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, hợp tác và giao tiếp.

Để đạt được thành tựu giáo dục phát triển toàn diện, rất nhiều phương pháp giáo dục đã được nghiên cứu, áp dụng như Montessori, Reggio Emilia, STEM... giúp trẻ em học tập một cách chủ động, tích cực và hứng thú. Cùng với đó là việc xây dựng môi trường học tập thân thiện, hiện đại, an toàn cho trẻ em.

Về đội ngũ giáo viên, giáo viên được tuyển chọn kỹ lưỡng, đào tạo bài bản và có chuyên môn cao, đồng thời được hưởng chế độ đãi ngộ tốt.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đã chỉ ra đặc trưng của một số quốc gia cụ thể trên thế giới, trong đó Phần Lan nổi tiếng với hệ thống giáo dục bình đẳng, chú trọng vào học tập qua trải nghiệm và khuyến khích học sinh tự do khám phá. Giáo viên được tự chủ trong việc quyết định nội dung bài học và cách thức vận hành lớp học của mình.

Chính nhờ có sự tin tưởng này, cuộc sống của giáo viên Phần Lan màu sắc và hạnh phúc hơn rất nhiều so với những gì chúng ta thường nghĩ về công việc của một giáo viên: lặng lẽ, hy sinh, nhàm chán và gò bó.

Nhìn thấy những thành tựu mà nền giáo dục Phần Lan đạt được, rất nhiều người tin rằng khi trao cho giáo viên và nhà trường sự tự chủ như Phần Lan đã làm, phép màu đổi mới sẽ xuất hiện.

Tuy vậy, nếu tìm hiểu sâu hơn về đổi mới, ta sẽ thấy rằng mọi việc không đơn giản như vậy. Sự kìm kẹp quá mức là không tốt, nhưng sự tự do quá mức cũng không tốt.

Singapore là một quốc đảo không lớn và dân số ít, tuy nhiên quốc gia này lại có một hệ thống giáo dục nổi trội, vô cùng phát triển tại châu Á, làm nền tảng phát triển bền vững cho mọi lĩnh vực khác.

Singapore có đặc trưng là giáo dục tập trung phát triển tư duy logic, toán học và khoa học. Hệ thống giáo dục Singaporelà một nền giáo dục nói không với việc xếp hạng. Chính bộ trưởng bộ giáo dục của Singapore đã nói rằng: “Học tập không phải là một cuộc đua”. Đây chính là sự thay đổi tích cực đáng khen của nền giáo dục quốc đảo sư tử.

Nhắc đến giáo dục tiên tiến trên thế giới không thể bỏ qua Nhật Bản. Đây là một đất nước khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và thường xuyên phải đối mặt với thảm họa thiên tai, vì vậy người Nhật luôn quan niệm con người là nguồn lực quan trọng nhất của đất nước, muốn phát triển không có lựa chọn nào khác ngoài việc đào tạo một lực lượng lao động hùng hậu và chất lượng.

Nhật Bản giáo dục trẻ em có tính tự lập từ nhỏ. Giáo viên sẽ hướng dẫn và giúp đỡ học sinh tự trải nghiệm, không dẫn dắt quá nhiều để học sinh có thể tự lập, tự làm các công việc của mình mà không phải nhờ sự giúp đỡ từ bất kỳ ai, kể cả cha mẹ.

Để tạo cho học sinh tính tự lập, nền giáo dục Nhật Bản nhấn mạnh việc trải nghiệm những kiến thức thực tế của học sinh hơn là chỉ hoàn thành kiến thức lý thuyết. Có nhiều loại sách với các chuẩn đầu ra khác nhau để nâng cao kỹ năng tư duy phản biện cho học sinh, kích thích sự tò mò, bồi dưỡng tính sáng tạo.

Tại hầu hết các trường học ở Nhật Bản, học sinh được chia thành các nhóm nhỏ, luân phiên tự làm sạch lớp học, khuôn viên, căng tin và thậm chí cả nhà vệ sinh. Đây là một cách để giúp các em học sinh rèn luyện khả năng làm việc nhóm. Những công việc tưởng chừng như bẩn thỉu và vất vả đó sẽ giúp các em học cách tôn trọng công việc của người khác và thành quả lao động của chính mình.

Cuối cùng, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng viện dẫn hệ thống giáo dục của Mỹ có đặc trưng là giáo dục đa dạng, khuyến khích tính sáng tạo và độc lập.

Hàng năm, Mỹ thu hút rất nhiều du học sinh trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên nền giáo dục Mỹ có sức hút đặc biệt như vậy. Tất cả cũng nhờ những nét đặc trưng trở thành điểm tiến bộ, trở thành điểm ưu việt của một nền giáo dục.

Học sinh, sinh viên tại Mỹ không cần phải cố gắng phát triển theo định hướng đóng khung của bất kì ai, mà được phát triển theo khả năng cũng như sở thích của chính mình. Bất kì môi trường học tập nào tại quốc gia này cũng đề cao sự sáng tạo và độc lập của người học chứ không phải sự sao chép hay học thuộc một cách máy móc những gì thầy cô giảng.

Tiêu chuẩn du học Mỹ này khiến cho du học sinh của một số nước trong đó có Việt Nam phải ngạc nhiên. Trong các buổi học, buổi thảo luận, không phải giáo viên, giảng viên là trung tâm, mà họ chỉ giữ vai trò người hướng dẫn, tất cả sẽ xoay quanh người học. Thậm chí, học sinh, sinh viên còn đặt ngược câu hỏi lại cho giáo viên, giảng viên chứ không chỉ ngồi im để nghe giảng bài.

Những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng rất thu hút học sinh ở các bậc học. Ảnh: LC

Từ những kinh nghiệp giáo dục của các nước phát triển đã nêu ở trên, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng Việt Nam muốn hội nhập với quốc tế cần tập trung đổi mới mạnh mẽ về giáo dục, đặc biệt là giáo dục cho trẻ em.

Trong đó, đổi mới phương pháp giáo dục được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhận định là nhiệm vụ cấp thiết: “Giáo dục cần chuyển từ phương pháp truyền thụ sang phương pháp học tập chủ động, lấy học sinh làm trung tâm. Song song với đó là việc đầu tư phát triển môi trường học tập. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng trường học hiện đại, khang trang, đầy đủ trang thiết bị.

Về đội ngũ giáo viên, chúng ta cần nâng cao chất lượng bằng cách tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn. Chúng ta cũng cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển. Áp dụng có chọn lọc các phươngpháp giáo dục tiên tiến phù hợp với điều kiện của Việt Nam…”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh, kinh nghiệm giáo dục trẻ em ở các nước phát triển là nguồn tham khảo quý giá cho Việt Nam trong quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm này một cách sáng tạo sẽ góp phần phát triển toàn diện cho trẻ em Việt Nam, giúp các em trở thành những công dân có ích cho xã hội trong tương lai.

Trần Phương

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/giao-su-nguyen-lan-dung-noi-ve-kinh-nghiem-giao-duc-tre-em-cua-cac-nuoc-phat-trien-d3904.html