Giáo dục vùng đồng bằng Sông Hồng: Thiếu trường lớp

'Nếu ở vùng khác phải huy động trẻ đến trường thì ở đây phụ huynh phải xếp hàng để mua hồ sơ', Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra ngày 14/6.

Hà Nội là địa phương thiếu trường lớp, sĩ số học sinh cao

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, vùng Đồng bằng sông Hồng vừa nổi bật về chất lượng giáo dục đại trà vừa phát triển giáo dục mũi nhọn và năng khiếu. Giáo dục ĐH của vùng ngày càng khẳng định là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng nhất nước với 109 cơ sở giáo dục ĐH và gần 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, vùng đang đối diện với không ít khó khăn, nhất là tốc độ tăng dân số cơ học rất nhanh tại các thành phố lớn, các khu vực có các khu công nghiệp, khu chế xuất gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục. Một số địa phương vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, sĩ số học sinh/lớp cao hơn so với quy định và bình quân cả nước. Đặc biệt, vẫn còn 1.384 phòng học nhờ, mượn (chiếm 1,46%), tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học

Từ năm học 2022 - 2023, Tin học và Ngoại ngữ là 2 môn bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, phòng học và số lượng máy tính mới chỉ ở mức cơ bản, thiết bị cũ, đa phần là cấu hình thấp. Phòng học Ngoại ngữ thiết bị cũng hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu dạy học.

Bên cạnh đó, chất lượng lao động của vùng dù có cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước song vẫn thấp so với yêu cầu của một vùng kinh tế phát triển khi mà vẫn còn gần 2/3 lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có bằng cấp chứng chỉ.

Chưa có trường học hình mẫu

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói rằng, một số thách thức giáo dục và đào tạo vùng đang đối mặt đó là, dù tập trung hầu hết cơ sở giáo dục ĐH lớn, nhưng chưa có sự kết nối đa chiều trong đào tạo nhân lực. Rất nhiều trường phổ thông ở các tỉnh/thành đạt “trường chuẩn”, có kết quả tốt, nhưng chưa có các hình mẫu điển hình, nhất là trong thời kỳ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo ông Minh, các địa phương cần tập trung xây dựng mô hình giáo dục phổ thông bắt kịp với khu vực. Trong đó, ngoài chất lượng mũi nhọn, cần tính đến phân luồng, hướng nghiệp, nhằm vào nhân lực có chất lượng đáp ứng cho công nghệ cao; giảm thiểu cung ứng lao động phổ thông thuần túy. Đồng thời, bảo đảm đội ngũ về số lượng, cơ cấu, nhất là đội ngũ đáp ứng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bảo đảm thu nhập giáo viên tương ứng với thu nhập vùng…

Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên Nguyễn Văn Phê cho rằng: “Các địa phương trong vùng chia sẻ kinh nghiệm, bài học, cách làm hay trong phát triển giáo dục ở mầm non, phổ thông. Hợp tác quy hoạch theo vùng trong quy hoạch các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học tránh đầu tư dàn trải, lãng phí thiếu hiệu quả”.

Vùng đồng bằng Sông Hồng bao gồm 2 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng và 9 tỉnh: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng nếu một số vùng khác quan tâm tới chỗ học thì Đồng bằng sông Hồng không chỉ dừng lại ở việc đến trường có chỗ học mà là học với chất lượng cao, đòi hỏi cao. Trong khi thực tế, vùng vẫn còn thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên; chọn trường, chọn lớp; dạy thêm, học thêm; áp lực thái quá cho học sinh; bệnh thành tích trong giáo dục…“Nếu ở vùng khác phải huy động trẻ đến trường thì ở đây phụ huynh phải xếp hàng để mua hồ sơ”, ông nói.

Theo Bộ trưởng, cần đặt trọng tâm hiện đại hóa giáo dục và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, ưu tiên hiện đại hóa về cơ sở vật chất trường lớp bởi thực tế cản trở đối với vùng cái cũ đang cản trở khá nhiều khi “đập đi không xong, xây mới chưa được”.

Từ yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa để người học có nhiều cơ hội hơn, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương trong vùng cần tiếp tục huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo để hệ thống này phát huy, thể hiện được vai trò. Bên cạnh đó, cùng với giáo dục văn hóa cho học sinh thì từng nhà trường, nhà giáo, học sinh thực hiện tốt xây dựng văn hóa học đường, trong đó kỷ cương học đường, thái độ, ứng xử của người dạy, người học là trọng tâm. Việc làm sâu sắc các tố chất của văn hóa học đường giống như kháng thể, giúp lấn át các biểu hiện tiêu cực khác.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giao-duc-vung-dong-bang-song-hong-thieu-truong-lop-post1542971.tpo