Giáo dục nghề nghiệp giúp giảm nghèo bền vững

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bên cạnh các công cụ khác, việc thúc đẩy các chương trình giáo dục nghề nghiệp được coi là giải pháp hiệu quả.

Trong chương trình giảm nghèo và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, một trong những điểm rất mới là là dự án số 4 về phát triển giáo dục nghề và việc làm bền vững.

Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, giai đoạn từ 2010 - 2020 đã có gần 20% người thuộc hộ nghèo được đào tạo nghề và có việc làm. Trong đó có trên 10% tổng số hộ nghèo khi được đào tạo nghề có việc làm, có thu nhập ổn định và giảm nghèo một cách bền vững.

Theo các chuyên gia, điều này cho thấy đối với người nghèo, nếu chúng ta có chính sách tốt, hỗ trợ họ từ tư vấn hướng nghiệp, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm sẽ góp phần vào việc giảm nghèo bền vững.

Nhiều báo cáo nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, giáo dục nghề nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, ảnh hưởng đến tình trạng kinh tế của hộ gia đình. Tỷ lệ hộ nghèo của người tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chỉ dưới 1%; trong khi đó tỷ lệ hộ nghèo của chủ hộ chưa học xong tiểu học lên đến 26,6%.

Nét mới trong việc triển khai giáo dục nghề nghiệp cho các hộ nghèo là trước đây, việc đào tạo với đối tượng nghèo ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chủ yếu chỉ hướng đến đào tạo kỹ năng cơ bản, tức là đào tạo trình độ sơ cấp hay đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng. Chương trình lần này đã khác, ngoài thiết kế những hỗ trợ cho đối tượng lao động đó thì phải hỗ trợ đào tạo trình độ cao. Người lao động được đào tạo trung cấp, cao đẳng để họ có được kỹ năng cao, có năng suất, việc làm tốt hơn.

Ảnh minh họa

Người nghèo thường ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hơn, họ khó tiếp cận hơn, từ khu vực địa lý, kinh tế - xã hội. Do vậy, về mặt tổng thể chung sẽ không khác nhau nhưng về mặt chính sách, nó thể hiện sự ưu việt của chính sách, của Nhà nước. Đó là hỗ trợ có mục tiêu đến các đối tượng trọng tâm.

Theo đó, trọng tâm là người nghèo, người mới thoát nghèo, người ở vùng nghèo, người có thu nhập thấp. Ở vùng đồng bằng và đô thị, người dân thường có điều kiện hơn. Nhưng ở vùng nghèo, đối tượng nghèo, điều kiện tiếp cận giáo dục khó hơn, Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ cho họ, tạo cú hích, tạo động lực cho vùng nghèo phát triển.

Được biết trong dự án số 4 nêu trên có 2 tiểu dự án: một là tiểu dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp ở vùng nghèo, vùng khó khăn dự kiến đầu tư rất lớn, khoảng 15.300 tỷ đồng; hai là hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Luật số 69/2020/QH14 của Quốc hội cũng dự kiến có khoảng 570 tỷ đồng.

Điểm mới lần này là đầu tư nguồn ngân sách của Nhà nước có trọng điểm và có đối tượng đích rất rõ rệt và tạo ra động lực phát triển cho các địa phương, bản thân người lao động và người nghèo.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giao-duc-nghe-nghiep-giup-giam-ngheo-ben-vung-244014.html