Giải quyết những vướng mắc, khó khăn để tạo đột phá công tác giảm nghèo bền vững

Tại Hội nghị sơ kết toàn quốc 3 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức tại Lào Cai, các đại biểu đã tham luận, chỉ rõ những khó khăn, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm có giải pháp căn cơ, phù hợp với thực tế tại địa phương nhằm tạo đột phá trong công tác giảm nghèo bền vững thời gian tới.

Đồng chí Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động - TBXH tỉnh Hà Giang.

Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo cùng với các chính sách hỗ trợ khác từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đặc biệt là ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin).

Thời gian qua, Trung ương thông báo vốn trung hạn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, tạo thuận lợi cho địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, tránh được tình trạng đầu tư dàn trải, phát sinh nợ đọng vốn đầu tư sau khi kết thúc chương trình. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh và các quyết định của UBND tỉnh về cơ chế quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, theo quy định của chương trình là công trình đầu tư cấp huyện, liên xã, kết nối vùng có quy mô đầu tư lớn, kỹ thuật phức tạp, do vậy không thể áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư giao cho cộng đồng tự thực hiện cho các công trình của chương trình này. Hầu hết phải giao cho các doanh nghiệp thực hiện. Mặt khác, do công tác lập, thẩm định và phê duyệt còn kéo dài do nội dung đầu tư có quy mô lớn, trình tự thủ tục đầu tư 2 bước theo quy định Luật Đầu tư công nên tiến độ thực hiện chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Tỉnh Hà Giang đề nghị trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo của tỉnh Hà Giang; có thể áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư giao cho cộng đồng thôn, bản tự thực hiện cho các công trình của chương trình, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống

Đồng chí Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Lao động - TBXH tỉnh Bình Định.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là một trong những giải pháp hữu hiệu được tỉnh Bình Định thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 9/2023, tỉnh Bình Định có 28.669 người được cấp văn bằng, chứng chỉ trình độ sơ cấp; tỷ lệ người qua đào tạo có việc làm, sinh kế chiếm khoảng 85%. Mức thu nhập bình quân của người lao động từ 4-5 triệu đồng/tháng. Hiệu quả đào tạo nghề cho người lao động được tăng lên hàng năm, trong đó một số nghề hỗ trợ đào tạo cho người lao động có việc làm sau đào tạo, có thêm việc làm mới hoặc tiếp tục làm công việc cũ nhưng nâng cao năng suất, tăng thêm thu nhập chiếm tỷ lệ trên 80%.

Tuy nhiên, để gắn kết giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống giúp giảm nghèo bền vững, tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ cần có quy định về “người lao động có thu nhập thấp”; sớm bổ sung TTGDNN-GDTX thuộc đối tượng thụ hưởng nội dung hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện đào tạo từ nguồn vốn thuộc 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, để các địa phương triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho người lao động được nâng cao chất lượng, hiệu quả. Điều chỉnh mức hỗ trợ cho các đối tượng tại Quyết định 46/2015/QĐ - TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng.

Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hướng dẫn cụ thể “thẩm quyền quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành quy định khối lượng học tập tối thiểu và yêu cầu năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ sơ cấp theo từng ngành, nghề đào tạo để áp dụng trong cơ sở đào tạo”. Có hướng về chuẩn đầu ra cho các cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế vì hiện nay, các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 có sự thay đổi nhiều, hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh không được thụ hưởng nguồn vốn này để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, do vậy còn lúng túng khi triển khai thực hiện.

Giao kế hoạch vốn sự nghiệp hằng năm theo mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình

Đồng chí Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong công tác giảm nghèo. Mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Yên Bái đã quan tâm ban hành các nghị quyết, chính sách đặc thù của địa phương lồng ghép với các chính sách của trung ương nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung lồng ghép, huy động các nguồn lực (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa) từ các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tỉnh cũng đã quan tâm, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự thay đổi trong nhận thức của các cấp chính quyền, người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét giao kế hoạch vốn sự nghiệp hằng năm theo mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình (giống như Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới), không giao chi tiết cho từng tiểu dự án, dự án thành phần, đồng thời cho phép các địa phương điều chỉnh linh hoạt vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm 2023 của các dự án, tiểu dự án thành phần của chương trình.

Cần phê duyệt nguồn vốn hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho cả giai đoạn

Đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc.

Công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền các cấp của huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đặc biệt coi trọng và xác định là một trong những chương trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc triển khai hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là hoạt động, phương thức, hỗ trợ một phần vốn sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất cho người nghèo, cận nghèo; tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo thu nhập ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân khi tham gia mô hình, dự án từng bước thoát nghèo.

Để đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, đề nghị Trung ương phê duyệt nguồn vốn hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho cả giai đoạn để các địa phương chủ động thực hiện; giới thiệu, nhân rộng các kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả trên cả nước và biểu dương kịp thời các gương điển hình vượt khó vươn lên, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác chăm lo gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/giai-quyet-nhung-vuong-mac-kho-khan-de-tao-dot-pha-cong-tac-giam-ngheo-ben-vung-post376116.html