Giải pháp nào thúc đẩy phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ?

Hội nghị Sơ kết triển khai thực hiện liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ năm 2023 do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì tổ chức vừa diễn ra chiều 22/12.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ năm 2023, tiếp tục triển khai thực hiện 5 nội dung trọng tâm của Thỏa thuận đã ký kết giữa UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ trong năm 2024.

Tham dự có ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam bộ.

Theo đánh giá, vùng Đông Nam bộ sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, có thể khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và đặc biệt là du lịch biển.

Hội nghị Sơ kết triển khai thực hiện liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ.

Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển thành trung tâm du lịch trọng điểm vùng Đông Nam Bộ, cũng như của cả nước và quốc tế. Ngoài rừng, Đông Nam bộ có hệ thống sông, rạch đa dạng. Nhiều năm qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.

Trong năm 2023, vùng Đông Nam bộ ước tính đón và phục vụ hơn 65 triệu lượt khách, doanh thu đạt 180.566 tỷ đồng. Lượng khách chiếm 54,2% tổng số khách du lịch của cả nước, tuy nhiên doanh thu của khu vực Đông Nam bộ chiếm chưa tới 27% tổng doanh thu du lịch của cả nước. Đây là bài toán mà lãnh đạo các địa phương trong vùng cho rằng cần tập trung giải quyết. Nhiều giải pháp như khảo sát, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, chương trình chung cho cả vùng lựa chọn, phát triển và liên kết sản phẩm du lịch nổi bật để hình thành tour, tuyến du lịch liên kết, tăng cường công tác truyền thông nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch vùng Đông Nam bộ.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, địa phương đã cùng hiến kế nhằm tăng sức hấp dẫn, gắn kết khác biệt của từng tỉnh, thành trong vùng tạo nên sự khác biệt cho toàn vùng. Tạo sự khác biệt từ du lịch xanh, tập trung sản phẩm đáp ứng trào lưu xanh, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ số quảng bá xúc tiến du lịch là điều nhiều địa phương quan tâm.

Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Tổng Thư ký CLB Du thuyền TP.Thủ Đức phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Tổng Thư ký CLB Du thuyền TP.Thủ Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hàng hải Thủ Đức chia sẻ quan điểm: Vùng Đông Nam bộ có địa thế "sông liền sông”, do đó cần đẩy mạnh sản phẩm du lịch đường thủy từ TPHCM qua Cần Giờ đến TP Vũng Tàu. “Đặc biệt là đầu tư hạ tầng bến du thuyền và trung tâm hàng hải để phục vụ lượng khách quốc tế đến Việt Nam qua cửa ngõ vùng biển Vũng Tàu, điều này sẽ tạo ra nguồn thu lớn cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung”- Tổng Thư ký CLB Du thuyền TP.Thủ Đức nói.

Tại hội thảo, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cũng bày tỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu là một điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Địa phương có biển, có núi, có đầy đủ hội tụ tất cả các điều kiện về mặt kinh tế phát triển. “Việc phát triển và nối tuyến giữa TPHCM với Bà Rịa - Vũng Tàu là một điều mà chúng ta cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới. Đó là một tiềm năng sẽ tiếp tục phát huy trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là phát triển du lịch biển”- bà Hiếu chia sẻ.

Trong khuôn khổ hội nghị, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra một số hoạt động hấp dẫn như: Tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát điểm đến trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu du lịch các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ; hội nghị xúc tiến du lịch vùng Đông Nam bộ năm 2023…

Quỳnh Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/giai-phap-nao-thuc-day-phat-trien-du-lich-vung-dong-nam-bo_157070.html