Giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng của ngành Nông nghiệp

Trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN về công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp năm 2023, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, quý I/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ NN&PTNT đạt hơn 14% kế hoạch, cao hơn mức trung bình của cả nước. Bộ cũng đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch.

PV: Kết thúc quý I/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước mới chỉ đạt hơn 9% kế hoạch, trong khi đó, với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỷ lệ này đạt hơn 14%. Đây cũng là kết quả nổi bật của ngành Nông nghiệp 3 tháng đầu năm. Đâu là nguyên nhân để lĩnh vực NN&PTNT đạt kết quả này, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoài Nam

Ông Nguyễn Hoài Nam: Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công của Bộ NN&PTNT được giao là 9.851 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 7.611 tỷ đồng, vốn ODA 1.800 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 3/2023, các dự án của Bộ đã giải ngân được hơn 1.390 tỷ đồng, đạt trên 14% số vốn kế hoạch.

Có thể nêu ba nguyên nhân các dự án của Bộ NN&PTNT đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao trong 3 tháng đầu năm 2023. Trước tiên, đối với thủ tục triển khai, trong quý IV/2022 chúng tôi không chỉ tập trung giải ngân vốn cho những dự án triển khai trong năm, mà đã chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư chuẩn bị các thủ tục giải ngân cho quý I/2023.

Bên cạnh đó, ngay từ cuối năm 2022 Bộ đã triển khai phân bổ vốn đầu tư công cho các đơn vị, dự án. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo bộ, Cục Quản lý Xây dựng công trình đã theo sát, đôn đốc quyết liệt các chủ đầu tư, chủ dự án triển khai thi công, kể cả trong dịp tết âm lịch trong quý I/2023, đặc biệt là các công trình trọng điểm như: Dự án Nam sông Hậu, các kè ở đồng bằng sông Cửu Long… để có khối lượng thực hiện giải ngân cho quý I/2023.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ NN&PTNT thường xuyên triển khai họp và rà soát các dự án đầu tư theo tháng, quý. Qua đó, quan tâm và chỉ đạo sát sao kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện như phân rõ trách nhiệm của từng thành phần tham gia chủ đầu tư, chủ dự án, các đơn vị tư vấn, xây lắp trong dự án.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồ họa: Thế Dương

PV: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc vào một trong những yếu tố then chốt, đó là việc được phân bổ vốn sớm hay muộn. Việc phân bổ vốn năm 2023 của Bộ NN&PTNT đã được thực hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Sau khi nhận được kế hoạch vốn được giao, Bộ NN&PTNT đã thực hiện ngay việc phân bổ chi tiết nguồn vốn. Việc phân bổ vốn có thuận lợi là vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng phê duyệt và được Quốc hội phê chuẩn tương đối sớm, cho nên hàng năm cứ theo vốn trung hạn để phân bổ theo danh mục.

Đối với vốn năm 2023, Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giao vốn sớm từ 28/12/2022 với tổng số khoảng 9.800 tỷ đồng, phân bổ cho 276 dự án. Các dự án triển khai trong năm 2023 đã được khơi thông và phân bổ, giao kế hoạch vốn đến các chủ đầu tư. Như vậy, tính đến nay, chúng tôi đã cơ bản phân bổ xong 100% nguồn vốn trung ương cho các công trình, dự án.

Đặc biệt, công tác điều hành vốn của năm cũng được Bộ NN&PTNT thực hiện linh hoạt giữa các dự án để tăng vốn cho những dự án có tiến độ giải ngân nhanh, giảm vốn của những dự án có tiến độ chậm hoặc vướng mắc. Tất cả các dự án vốn đầu tư công đều được điều chỉnh theo chủ trương đó. Sự linh hoạt này cũng căn cứ vào tình hình triển khai thực tế của các dự án, cũng như dựa vào kết quả rà soát của chủ đầu tư và đánh giá của Cục Quản lý xây dựng công trình về khả năng giải ngân của từng dự án trong năm 2023.

PV: Làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công sẽ góp phần tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế nông nghiệp nói riêng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung. Vậy, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung giải pháp gì để đạt mục tiêu trên, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Năm 2023, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch. Dự kiến quý II/2023 giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 30%; quý III trên 60%.

Gần 78.184 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn

Tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được giao là 78.183,9 tỷ đồng; gồm: vốn trong nước 64.650 tỷ đồng, vốn nước ngoài 13.393,8 tỷ đồng. Cục Quản lý Xây dựng công trình đang tham mưu Bộ NN&PTNT tăng cường đấu thầu qua mạng. Hiện 100% số gói thầu đáp ứng đủ điều kiện được tổ chức đấu thầu trên mạng quốc gia.

Để đạt mục tiêu này, khâu tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 cần hoàn thành trước 30/6/2023 theo kế hoạch (trừ một số dự án đặc biệt). Cùng với đó, tiếp tục tập trung đôn đốc các dự án được Chính phủ cho phép kéo dài sang 2023, 2024, trong đó còn ưu tiên các công trình lớn: hồ Krông Pack Thượng tỉnh Đăk Lăk, hồ Cánh Tạng tỉnh Hòa Bình, hồ Bản Mồng tỉnh Nghệ An và hồ Sông Chò tỉnh Khánh Hòa.

Song song đó, các đơn vị cũng đôn đốc tháo gỡ các vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng để đáp ứng yêu cầu khởi công các công trình trong năm 2023, đặc biệt là còn 8 dự án chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn. Về giải pháp trọng tâm trong quản lý, điều hành, Bộ NN&PTNT sẽ chuyển từ quản lý hành chính nhà nước sang phục vụ; tiếp tục rà soát định kỳ (theo tháng, quý) để nhận dạng các dự án, nhóm vấn đề mấu chốt, rủi ro, từ đó tháo gỡ, đôn đốc kịp thời; đồng thời theo sát tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công từng hợp phần dự án; chủ động đôn đốc quyết liệt các chủ đầu tư thực hiện giải ngân theo kế hoạch các chủ đầu tư đã cam kết.

Trong quá trình triển khai các dự án, Bộ NN&PTNT tập trung chú trọng đảm bảo chất lượng xây dựng như theo sát công tác chuẩn bị đầu tư từng dự án, song hành thẩm tra, thẩm định ngay từ đầu với chủ đầu tư; giám sát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng. Định kỳ hàng quý đánh giá năng lực nhà thầu tư vấn, xây lắp tạo động lực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng xây dựng...

PV: Xin cảm ơn ông!

Hà Nội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 1814/QĐ-UBND về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023. Theo đó, UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh, phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2023 (cấp thành phố).

Cụ thể, điều chỉnh giảm 4.240 tỷ đồng nguồn vốn bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (trong đó điều chỉnh giảm nguồn ngân sách trung ương hơn 1.999,9 tỷ đồng). Thành phố cũng quyết định điều chỉnh tăng 4.240 tỷ đồng để bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án: Bố trí cho Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô là 3.840 tỷ đồng, gồm: Dự án thành phần 1.1 là 3.290 tỷ đồng và dự án thành phần 2.1 là 550 tỷ đồng; tăng 100 tỷ đồng thực hiện tạm ứng giải ngân linh hoạt cho công tác chuẩn bị đầu tư; tăng 200 tỷ đồng cho vốn thanh quyết toán dự án hoàn thành thanh toán theo cơ chế linh hoạt; bố trí 100 tỷ đồng thực hiện tạm ứng giải ngân linh hoạt các nhiệm vụ lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán...

UBND TP. Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở chuyên ngành (xây dựng, giao thông vận tải...), Kho bạc Nhà nước TP. Hà Nội và đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, giải quyết nhanh nhất các thủ tục đầu tư, xây dựng, giải ngân, thanh toán của các dự án, tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án, công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng, tuân thủ các quy định của nhà nước, thành phố về quản lý đầu tư và xây dựng…

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-la-diem-sang-cua-nganh-nong-nghiep-125336.html