Kỳ vọng lớn từ đề án cải tạo vườn tạp

Sau gần 3 năm triển khai, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện Sa Thầy (Kon Tum) tăng từ 285 ha đã tăng lên gần 1.600 ha; trong đó, cây sầu riêng chiếm 600 ha, đa số trồng cải tạo vườn tạp.

Cộng đồng người Rơ Măm, tỉnh Kon Tum cùng nhau cải tạo vườn tạp để nâng cao đời sống. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Cộng đồng người Rơ Măm, tỉnh Kon Tum cùng nhau cải tạo vườn tạp để nâng cao đời sống. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Huyện Sa Thầy (Kon Tum) có gần 500 ha đất vườn; trong đó, số hộ dân ở vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số có diện tích vườn rộng nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, hiệu quả thấp. Trước thực trạng trên, năm 2021, Huyện ủy Sa Thầy có Đề án cải tạo vườn tạp giai đoạn 2021 - 2025 (đề án số 07). Ngoài mong muốn giúp dân có thêm thu nhập, huyện Sa Thầy còn kỳ vọng thông qua đề án, người dân tham gia sẽ có thay đổi nếp nghĩ cách làm, tự lực vươn lên trong cuộc sống.

Hỗ trợ có... điều kiện

Trước nay, các chính sách hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum chủ yếu là từ một phía. Nhà nước hỗ trợ, dân tham gia. Chính sách hỗ trợ 1 chiều hiệu quả không cao như kỳ vọng. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn còn trong dân khi tham gia dự án.

Để tham gia đề án cải tạo vườn tạp, huyện Sa Thầy đã thay đổi cách làm, gắn trách nhiệm, đưa dân đồng hành cùng chính quyền. “Để tham gia cải tạo vườn vườn tạp, người dân trước hết phải chuẩn bị đất đai, đào hố, phân bón lót và tự lắp đặt hệ thống nước tự chảy. Hộ dân phải đủ điều kiện này mới được cấp cây giống trồng”, ông Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy khẳng định. Đề án làm khó cho hộ dân nghèo người dân tộc thiểu số, “kén” đối tượng tham gia nhưng cách làm hay để gắn trách nhiệm, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Tham gia từ ban đầu, được hỗ trợ 50 cây sầu riêng, già A Thiếu ở làng Lung xã Ia Xiêr mua thêm 50 cây để trồng trong vườn. Sau 2 hơn năm trồng, đến nay, khu vườn tạp của A Thiếu đã hình thành một vườn sầu riêng xanh tốt.

“Để được chọn tham gia đề án cải tạo vườn tạp, già huy động con cháu đào hố, cải tạo vườn tạp sau nhà. Phân bón lót được ủ từ phân bò có sẵn. Gia đình bỏ tiền, con cháu hỗ trợ hơn 2 triệu đồng để mua máy bơm, bét và dây tưới đến từng gốc cây. Ngoài ra, khi mới trồng, cán bộ phòng nông nghiệp và xã đã xuống hướng dẫn dân trồng, cách ủ phân bón lót, cách tưới, giữ ẩm cho gốc cây”, già A Thiếu (70 tuổi) ở làng Lung xã Ya Xiêr kể.

Theo thống kê, tại xã Ya Xiêr, sau gần 3 năm triển khai, người dân đã phát triển được 54 ha cây sầu riêng. Nhờ vậy, diện tích vườn trong, sau nhà dân đang dần được phủ xanh của hàng loạt cây ăn trái.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ya Xiêr cho biết, để giúp dân cải tạo vườn tạp, phát triển cây ăn trái như đề án 07, xã Ya Xiêr đã kiểm tra, khảo sát, xem xét điều kiện cấp giống cho hộ dân trồng. Cây sầu riêng không dễ trồng, vườn tạp diện tích nhỏ, mỗi hộ chỉ trồng 20-30 cây ăn trái là phù hợp, người dân có thể tham gia, chăm sóc, đem lại hiệu quả thực cho đề án. Sau gần 3 năm triển khai, đề án đã giúp dân thay đổi thói quen trong lao động, sản xuất. Người dân đã chủ động tự bỏ công, vốn, đồng hành cùng chính quyền.

Sau gần 3 năm triển khai, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện Sa Thầy tăng từ 285 ha đã tăng lên gần 1.600 ha; trong đó, cây sầu riêng chiếm 600 ha, đa số trồng cải tạo vườn tạp.

Đồng hành cùng dân

Theo tính toán, mỗi vườn trồng 50 cây, năng suất khoảng 4 - 6 tấn (mức thấp), giá bán chỉ 40.000 đồng đã cho một nguồn thu nhập lớn, lâu dài với người dân đồng bào dân tộc thiểu số.

Để hỗ trợ dân, huyện Sa Thầy đã huy động tổng lực để thực hiện dự án. Nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn sự nghiệp, khuyến nông, xã hội hóa, nguồn từ dân…. đều được huy động. Nhờ vậy, bước đầu đề án 07 của huyện Sa Thầy đã thành công.

Sau gần 3 năm, việc cải tạo vườn tạp đã thành công bước đầu. Tuy nhiên, công tác chăm sóc cây tại các vườn dân chưa tốt. Khi phóng viên cùng cán bộ kỹ thuật của phòng nông nghiệp và chính quyền xã khảo sát các hộ dân tham gia đề án phát hiện nhiều sai phạm trong kỷ thuật trồng.

Cụ thể, tại hộ nhà A Thiếu mặc dù cây phát triển tốt nhưng thực tế nhiều gốc cây sầu riêng lại không làm đúng kỷ thuật. Kiểm tra thực tế, khả năng thoát nước ở gốc không có. Nhiều gốc không đảm bảo kỷ thuật để giữ ẩm cho cây trong những ngày nắng nóng. Gốc cây không được vun cao để giữ ẩm bộ rễ non…

“Chú phải lưu ý, vun đất lên cao để giữ cho bộ rễ; đắp đất cao quanh gốc để không úng vào mùa mưa. Khi bón phân, tán lá tới đâu thì đào rãnh theo vòng quanh tán lá, để tránh thất thoát phân khi bón”, một cán bộ kỹ thuật nông nghiệp vừa nói, vừa làm mẫu cho A Thiếu. Sau khi được chỉ dẫn lại, A Thiếu thừa nhận không nhớ về kỹ thuật. “Làm không đúng kỷ thuật, cây chết không thể nói do giống”, A Thiếu nói.

"Chúng tôi sẽ đồng hành cùng dân cho đến khi cây thu hoạch” chị Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy khẳng định.

Cụ thể, theo chị Nguyễn Thị Luyến mỗi năm huyện sẽ tổ chức 10 - 15 lớp tập huấn chuyên ngành về trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế như sầu riêng, mắc ca, cà phê... Nội dung tập huấn tùy theo chu kỳ phát triển của cây. Khi cây cho thu hoạch, người dân sẽ được hướng dẫn thu hái. Ngoài ra, trong huyện có gần 20 hợp tác xã về nông nghiệp cũng là kênh mọi người giúp nhau. Cùng đó, các tổ phụ trách giúp thôn, làng cũng là kênh nắm thông tin để bộ phận chuyên môn kịp thời hỗ trợ, xử lý giúp dân nắm vững, nhớ kỹ các kỷ thuật…

Trong 2 năm 2023 - 2024, huyện Sa Thầy đã huy động xã hội hóa được 2 tỷ đồng để mua 15.000 cây giống, chủ yếu là sầu riêng cấp cho dân cải tạo vườn tạp. Hiện danh sách người dân đăng ký tham gia đề án ngày một nhiều.

Cao Nguyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/ky-vong-lon-tu-de-an-cai-tao-vuon-tap-20240520143226457.htm