Gia Lâm hướng đến nông thôn thông minh

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội và Chương trình số 04/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về 'Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025', Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Gia Lâm đã tập trung thực hiện Chương trình. Đến nay, đã có 8 xã của huyện được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Xây dựng mô hình thôn thông minh

Huyện Gia Lâm được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018. Để triển khai kế hoạch xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu, đồng thời xây dựng huyện thành quận, giai đoạn 2021 - 2025, Đảng bộ và Nhân dân huyện Gia Lâm đã đoàn kết, chung sức đồng lòng phát huy thế mạnh, hướng tới thực hiện nhiều chương trình trọng điểm trong năm 2022 và các năm tiếp theo đúng và sớm hơn tiến độ. Trong đó, nhấn mạnh xây dựng NTM phải được thực hiện thực chất, thiết thực, hiệu quả và bền vững hơn, gắn liền với quá trình đô thị hóa, hướng đến NTM phồn vinh, văn minh và hiện đại. Hiện, toàn huyện có 4 xã được công nhận xã NTM nâng cao gồm: Phù Đổng, Yên Viên, Dương Xá và Bát Tràng. Trong đó, xã Dương Xá quyết tâm xây dựng “Thôn thông minh” đầu tiên của huyện.

Đoàn thẩm định thành phố Hà Nội đánh giá các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu xã Dương Xá, huyện Gia Lâm

Thôn Thuận Quang, xã Dương Xá có nghề kinh doanh, chế biến hành, tỏi được Ban Chỉ đạo NTM xã chọn để xây dựng mô hình "Thôn thông minh". Theo các hộ làm nghề trong thôn, toàn thôn có hơn 195 hộ gia đình làm nghề sản xuất và kinh doanh hành tỏi. Hàng năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn sản phẩm các loại. Trước kia, các hộ áp dụng quy trình sản xuất, chế biến hành tỏi theo phương pháp thủ công, nhưng để đáp ứng nhu cầu thị trường, hầu hết các hộ đã áp dụng công nghệ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhờ vậy sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm tỏi ngày càng được nâng lên.

Đơn cử như hộ kinh doanh của gia đình chị Dương Thị Phương, chủ cơ sở sản xuất hành khô tại thôn Thuận Quang, gần đây, gia đình đầu tư dàn máy sấy trên 2 tỷ đồng. Nhờ đó, các công đoạn được thuận lợi, nhẹ nhàng, công nhân có thu nhập tốt hơn (7- 10 triệu đồng/người/tháng). Cũng như hộ gia đình chị Phương, hiện nay phần lớn các hộ trong thôn đã áp dụng máy móc hiện đại kết nối với nguồn điện 3 pha để chế biến sản phẩm. 98% các hộ trang bị hệ thống hút khói khi sấy, phi hành để hạn chế ảnh hưởng mùi đến xung quanh. Sản phẩm sau khi sấy xong được đưa lên giá, đóng gói theo định lượng và dán nhãn mác chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, nhờ tuyên truyền vận động của chính quyền các cấp, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường cũng được các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn thực hiện tốt. 100% các hộ ký hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm để thu gom, vận chuyển rác thải trong ngày. Nhờ vậy, công tác vệ sinh môi trường của xã tại các làng nghề vốn là tiêu chí khó đạt, nhưng với Dương Xá đã đi đầu và nỗ lực hoàn thành tốt tiêu chí này, góp phần không nhỏ hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM nâng cao, tiến đến NTM thông minh của xã Dương Xá.

Ngoài ra, mô hình chuyển đổi số cũng được áp dụng trong mở rộng đầu ra cho các sản phẩm làng nghề. Toàn thôn hiện có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là hành phi, khoai tây chiên và hành, tỏi sấy. Các sản phẩm đều được gắn mã vạch để truy xuất nguồn gốc và được quảng bá, tiếp thị trên các sàn thương mại điện tử.

Có thể nói, quá trình xây dựng NTM của huyện Gia Lâm, việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống luôn được chính quyền huyện đặc biệt quan tâm. Với các làng nghề truyền thống: Dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ; thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp; gốm sứ Kim Lan, Bát Tràng… đã tạo ra các giá trị đặc trưng, các sản phẩm tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Huyện đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020” nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.

UBND TP. Hà Nội đã quy hoạch, đầu tư, bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống, kết hợp với du lịch đối với làng nghề. Trong đó, Bát Tràng được UBND thành phố công nhận là điểm du lịch. Nhờ vậy, huyện đã xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển du lịch Bát Tràng, đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển làng văn hóa du lịch Bát Tràng gắn với phát triển sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

Phấn đấu thêm 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu

Quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, huyện Gia Lâm chú trọng đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, điện, đường liên xã liên thôn. Nhờ đó đến nay, hầu hết đường làng cơ bản được bê tông hóa. Bên cạnh đó, hệ thống trường học các cấp, trang thiết bị dạy học đã và đang tiếp tục được ưu tiên đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục... Cùng với đẩy mạnh công tác xây dựng NTM nâng cao, huyện Gia Lâm cũng tăng cường cơ cấu lại ngành nông nghiệp tạo ra cho sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ và đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nội bộ của ngành được chuyển dịch theo hướng tích cực...

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết: quá trình triển khai thực hiện, huyện Gia Lâm luôn bảo đảm công khai, dân chủ để người dân được biết, bàn bạc, thống nhất. Bên cạnh đó, phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện; tăng cường sự phối hợp của các cấp, ngành với các địa phương; công tác đôn đốc, kiểm tra luôn thường xuyên để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Mặt khác, huyện đã tranh thủ tối đa sự hỗ trợ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư để xây dựng NTM; việc quản lý quy hoạch xây dựng NTM được bảo đảm đúng quy định. Ngoài ra, huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ đầu tư phát triển trung tâm thương mại, siêu thị mini, chợ nông thôn, hỗ trợ thành lập và hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản, vận tải; xã hội hóa đầu tư phát triển các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa và du lịch để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho Nhân dân khu vực nông thôn...

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Hồng, thời gian tới, huyện tập trung quản lý quy hoạch xây dựng NTM bảo đảm đúng quy định, gắn công tác quy hoạch với việc tăng cường quản lý sử dụng đất đai, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm xảy ra, quản lý và sử dụng quỹ đất công ích bảo đảm đúng quy định. Có biện pháp huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM; khai thác các nguồn thu đúng quy định. Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, Nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM bằng ngày công, hiến đất đai, vật tư và bằng tiền mặt...

Các cơ quan chuyên môn của huyện cũng phối hợp chặt chẽ để giúp cơ sở giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng NTM. Các xã, thị trấn và các cơ quan xây dựng kế hoạch, biện pháp để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo nguồn lực xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các xã căn cứ vào đề án được duyệt, rà soát từng tiêu chí để có kế hoạch, biện pháp cụ thể thực hiện nhằm bảo đảm các mục tiêu chung của huyện.

Với những bước đi và giải pháp trên, "Phấn đấu đến hết năm 2023, huyện tập trung duy trì các chỉ tiêu đã đạt và hoàn thành sớm chỉ tiêu xây dựng mô hình thôn thông minh để đạt chỉ tiêu xã NTM kiểu mẫu đối với hai xã Ninh Hiệp, Bát Tràng"- ông Nguyễn Đức Hồng nhấn mạnh.

_________

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội)

Khánh Duy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/gia-lam-huong-den-nong-thon-thong-minh-i338386/