Gia Lai: Phản đối việc dồn lớp, phụ huynh chưa cho con đến trường

Dù năm học mới đã bắt đầu, nhưng vì không đồng tình với chủ trương dồn lớp, gần 40 học sinh chưa được phụ huynh đồng ý cho đến trường.

Dù năm học mới đã bắt đầu nhưng gần 40 em học sinh tại thôn Đức Hưng, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai vẫn chưa tới trường, vì phụ huynh không đồng ý với việc dồn lớp của nhà trường.

Theo nhiều phụ huynh, gần 20 năm qua các em học sinh thôn Đức Hưng đều học tiểu học tại điểm trường của thôn.

Tuy nhiên, từ năm học 2023-2024, các em học sinh khối 1, 2, 4 sẽ học ở trường chính cách điểm trường thôn khoảng 7km. Các em khối lớp 3 và 5 vẫn tiếp tục ở lại học tại điểm trường trong thôn.

Sự thay đổi này đã vấp phải sự phản đối của nhiều phụ huynh có con em đang theo học, nhất là ở khối 2 và 4.

Ở khối 1, toàn thôn Đức Hưng có 7 em trong độ tuổi tới trường. Khối lớp 2 có 18 học sinh và lớp 4 có 24 học sinh, các phụ huynh không chấp thuận cho con em đi học.

Ông Phạm Văn Hảo, thôn Đức Hưng cho biết, các thế hệ học sinh tiểu học của thôn đã học tại điểm trường từ khoảng 20 năm nay.

Điểm trường được xây dựng kiên cố, sạch đẹp với 5 phòng học cho 5 khối lớp. Các phụ huynh cũng tự đóng góp kinh phí để mua quạt, ti vi cho các phòng cũng như tiền thuê nhân viên vệ sinh, bảo vệ tại điểm trường.

Việc được học ở điểm trường giúp các phụ huynh thuận tiện trong việc đưa đón, quản lý con cái, gia đình tiết kiệm được thời gian để tập trung làm ăn. Các cháu được học gần nhà, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Bây giờ phải đi xa đến 7km, nhiều gia đình không có thời gian đưa đón con.

Phụ huynh phản đối chủ trương dồn lớp.

Chị Lê Thị Thu Hà cho biết: "Vợ chồng tôi làm nghề cạo mủ cao su thuê, kinh tế cũng khó khăn. Đặc biệt, chúng tôi thường làm từ nửa đêm tới rạng sáng, sáng lại phải tất bật dậy lo cho con cái ăn uống đi học xa như vậy thì rất vất vả. Các cháu học 1 tuần 5 buổi, chưa kể 2 buổi chiều học thêm Anh văn, Tin học, Thể dục nên việc đưa đón mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của các gia đình”.

Theo ông Tạ Quang Diệu, Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan, chủ trương đưa lớp 1 về học tại điểm trường chính được phổ biến từ tháng 4/2023 và đã được các phụ huynh chấp thuận.

Với học sinh lớp 2 và 4, từ đầu tháng 8 đến trước ngày khai giảng, nhà trường, chính quyền xã, huyện đã có 3 cuộc họp với các phụ huynh để thông báo, vận động đưa các em tới học tại điểm trường chính.

Điều này dựa trên tình hình thực tế của nhà trường bởi nếu sáp nhập, toàn trường sẽ giảm được 1 lớp 2 và 1 lớp 4. Khối 2 sẽ có 103 em cho 3 lớp và khối 4 là 109 em cho 3 lớp.

Nếu không sáp nhập, số học sinh cả 2 khối ở điểm trường chính sẽ rất đông, còn điểm trường thôn Đức Hưng lại khá ít nên việc dồn lớp là hợp lý.

Ông Siu Luynh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho hay, toàn huyện đang thiếu 254 giáo viên theo nhu cầu và 16 giáo viên theo biên chế, nên sẽ phải sáp nhập để đảm bảo chất lượng giáo dục.

UBND huyện đã có hướng để học sinh tại thôn Đức Hưng đến học tại trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Nan) cách thôn hơn 3km, nhưng các phụ huynh không đồng ý.

Công an xã Ia Nan đã liên hệ với đầu mối để thuê xe ô tô, nhà trường cũng sẵn sàng cử nhân viên đi cùng trên xe để hướng dẫn các cháu đi học an toàn.

“Việc sáp nhập, dồn lớp là chủ trương lớn của ngành giáo dục trong cả nước, không riêng gì huyện Đức Cơ mà nhiều địa phương cũng triển khai.

Chúng tôi rất chia sẻ khó khăn với các gia đình ở thôn Đức Hưng, tuy nhiên điểm trường chính có rất nhiều cái lợi, con đường đến trường cũng được đầu tư bằng phẳng, đẹp đẽ. Qua vận động, đã có nhiều phụ huynh đồng thuận cho con mình đi học trong những ngày tới.

Chúng tôi vẫn sẽ cương quyết vận động bà con cho con em tới trường để các em không phải chịu thiệt thòi, tạo tâm lý không tốt cho học sinh ngay đầu năm học mới”, ông Luynh nhấn mạnh.

Hồ Hải Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-lai-phan-doi-viec-don-lop-phu-huynh-chua-cho-con-den-truong-a625693.html