Ghi nhận từ phong trào xây dựng làng văn hóa ở Hậu Lộc

Nói về những làng cổ hơn ngàn năm tuổi ở Thanh Hóa, không thể không nhắc đến cái tên Duy Tinh (trước thuộc xã Văn Lộc, sau sáp nhập thuộc xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc). Làng Duy Tinh có thể ví như bức tranh thu nhỏ về hình ảnh làng quê Việt, nhờ nét thuần hậu, thanh bình và tươi đẹp.

Người dân dâng hương trong ngày giỗ Tứ vị Thánh nương (xã Ngư Lộc).

Bởi lịch sử hình thành và tồn tại lâu dài, làng Duy Tinh là một cộng đồng vô cùng bền chặt, nhờ được cố kết bằng nhiều mối quan hệ đan xen giữa các gia đình, dòng họ, xóm giềng. Đặc biệt, làng Duy Tinh nức tiếng xa gần nhờ bởi có nhiều di sản văn hóa rất giàu giá trị, mà tiêu biểu hơn cả là chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh. Ngôi chùa cổ có từ thời Lý gắn với lễ hội truyền thống làng Duy Tinh, đã tạo ra một không gian văn hóa sống động, đậm đà bản sắc. Đó là nơi con người hướng tới bày tỏ sự ngưỡng vọng, ngợi ca công lao của đấng tiền nhân - danh tướng Lý Thường Kiệt. Đồng thời, cũng gửi gắm khát vọng về cuộc sống bình yên, ấm no cho mỗi người, mỗi nhà và cho cả làng.

Cũng bởi vị thế đặc biệt của nó, mà sự tồn tại của làng Duy Tinh có thể ví như một biểu tượng cho truyền thống lịch sử và văn hóa của vùng đất Hậu Lộc nói riêng, Thanh Hóa nói chung. Chính vì vậy, khi bắt tay triển khai phong trào xây dựng làng văn hóa, Hậu Lộc đã chọn làng Duy Tinh là “làng điểm” của toàn huyện (năm 1993). Dựa trên những nền tảng sẵn có và được quan tâm đầu tư tương đối toàn diện, từ hạ tầng giao thông, công trình dân sinh, thiết chế văn hóa đến phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân... Duy Tinh đã trở thành một trong những làng văn hóa đầu tiên và tiêu biểu nhất không chỉ của huyện Hậu Lộc, mà của cả tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, Duy Tinh cũng là một điểm sáng trong phong trào xây dựng làng văn hóa, được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Từ thành công của làng Duy Tinh, phong trào xây làng văn hóa ở huyện Hậu Lộc đã lan tỏa sâu rộng ra khắp địa bàn. Sau 30 năm triển khai phong trào, tính đến cuối năm 2019, toàn huyện đã có 118/153 thôn, làng được công nhận thôn, làng văn hóa, đạt 77%. Không chỉ đạt kết quả về mặt số lượng, mà chất lượng các làng, thôn văn hóa cũng là một “điểm cộng” trong triển khai phong trào của huyện Hậu Lộc. Trong đó có nhiều cái tên nổi bật như thôn Giữa, thôn Trước (Phú Lộc), thôn Minh Thịnh (Minh Lộc), làng Phú Nhi (Hưng Lộc), làng Cao Xá (Hoa Lộc), thôn Lộc Động (Phong Lộc), Thôn Thắng Phúc (Ngư Lộc)...

Hiện toàn huyện có 91/153 thôn của 16 xã, đã xây dựng hương ước, quy ước và được UBND huyện ký quyết định công nhận. Nội dung các hương ước, quy ước phù hợp với pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn của địa phương; có tính thống nhất chung và mang tính tự nguyện cao. Qua đó, quyền làm chủ của người dân được phát huy, nhất là trong quá trình xây dựng các nội dung, giải pháp xây dựng đời sống văn hóa. Từ năm 2012, huyện đã chỉ đạo các xã/thị trấn khôi phục, thành lập các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ truyền thống. Từ những CLB đầu tiên được khôi phục như CLB dân ca Hồng Thắm xã Liên Lộc, CLB chèo xã Lộc Sơn, CLB tuồng xã Cầu Lộc, CLB chèo xã Hưng Lộc..., đến nay, đã có 15 CLB được thành lập, khôi phục và đang duy trì hoạt động. Cùng với đó, các phong trào thể dục - thể thao quần chúng cũng được địa phương quan tâm phát triển. Huyện có 1 sân vận động trung tâm; 215 nhà văn hóa thôn; số xã, thị trấn có sân vận động đạt chuẩn theo quy định chiếm 96%. Số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên chiếm tỷ lệ 35,5% (không tính học sinh phổ thông); số gia đình thể thao chiếm 21,5%. Huyện đã xây dựng và phát huy tốt vai trò của 1.765 tổ an ninh xã hội và tổ thuyền tự quản, góp phần thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hầu khắp các thôn, làng đã triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Qua đó, hạn chế và loại bỏ dần các hủ tục, tệ nạn trong cưới, tang, lễ hội. Đồng thời, gắn việc thực hiện Chỉ thị 27 với quy ước, hương ước làng văn hóa và xem đây là một trong những tiêu chí thi đua của các làng, xã trên toàn địa bàn.

Nói đến chất lượng làng văn hóa ở Hậu Lộc, cũng cần nhấn mạnh đến hiệu quả từ phong trào “Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế”. Theo đó, hàng chục nghìn lượt hộ đã được giúp đỡ, hỗ trợ về vốn, cây con giống, ngày công lao động, với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Phong trào “Sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững” đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và nâng tỷ lệ hộ khá, giàu toàn huyện lên trên 35%. Chất lượng cuộc sống được cải thiện và ngày càng nâng cao, đã tạo cơ sở để người dân tích cực đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, xây dựng các công trình hạ tầng, thiết chế văn hóa phục vụ sản xuất, đời sống và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 95% các tuyến đường giao thông nội thôn, liên thôn, liên xã trên địa bàn đã được cứng hóa, bê tông hóa; 90% hộ dân dùng nước hợp vệ sinh và 48% hộ dân được dùng nước sạch...

Thành quả sau 3 thập kỷ triển khai thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa ở huyện Hậu Lộc, là rất đáng ghi nhận. Qua phong trào, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ của người dân từng bước được nâng lên. Đồng thời, nhiều truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục tốt đẹp được khơi dậy; tình làng nghĩa xóm, các mối quan hệ gắn bó trong làng, xã được thắt chặt thêm. Từ đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, nhằm khơi thông nguồn lực nội sinh cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ghi-nhan-tu-phong-trao-xay-dung-lang-van-hoa-o-hau-loc/129831.htm