Gấp rút nâng thị phần vận tải hàng hải

Việt Nam có lợi thế lớn để phát triển vận tải hàng hải và đường thủy nội địa. Thế nhưng thời gian qua, thị phần vận tải trong lĩnh vực này so với đường bộ chỉ chiếm chưa tới 20%. Điều này đang đặt ra bài toán phải gấp rút nâng thị phần vận tải hàng hải và đường thủy nội địa để khai thác hiệu quả kinh tế, cũng như 'chia lửa' cho vận tải đường bộ đang trong tình trạng quá tải, mất cân đối như hiện nay.

Tiềm năng lớn nhưng khai thác khiêm tốn

Thực trạng nói trên đã được Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cùng các Bộ ngành, các doanh nghiệp thẳng thắn nhìn nhận và tìm giải pháp tháo gỡ tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa năm 2024 do Bộ GTVT tổ chức vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Việt Nam phấn đấu tăng thị phần vận tải hàng hải và đường thủy nội địa lên 50%.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: Thời gian qua, hoạt động vận tải nói chung và vận tải hàng hải, đường thủy nội địa nói riêng có những bước phát triển cả về chất và lượng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vận tải hàng hóa năm 2023 tăng 15,5% so với năm 2022, trong đó vận chuyển hàng hóa đường thủy đạt 476 triệu tấn (tăng 18,7%) và đường biển 116 triệu tấn (tăng 7,8%); vận chuyển hành khách đường thủy nội địa tăng 6,4%, đường biển tăng 10,2%.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho hay: Việt Nam là một quốc gia ven biển, có lợi thế bờ biển dài, gần các tuyến hàng hải quốc tế, hệ thống sông ngòi dày đặc. Ngành hàng hải và đường thủy nội địa có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đây là phương thức vận tải có chi phí thấp, có khả năng chuyên chở hàng hóa với khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng, đi các tuyến đường xa.

Hiện nay phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng đường biển. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới, thu hút được 40 hãng tàu lớn trên thế giới vào hoạt động. Việt Nam có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới (TP.HCM, Hải Phòng và Cái Mép - Thị Vải). Hằng năm hệ thống cảng biển Việt Nam đón hàng nghìn chuyến tàu khách du lịch quốc tế từ khắp các nước trên thế giới đến Việt Nam.

Trong khi đó, theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT): Tính đến năm 2023 Việt Nam có 1.447 tàu, tổng trọng tải đạt hơn 10 triệu DWT. Đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 khu vực Asean và thứ 27 thế giới. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn sở hữu đội tàu mang cờ nước ngoài với tổng trọng tải 2,5 triệu DWT; có 40 hãng tàu nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, đảm nhận trên 90% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Về đường thủy nội địa, Việt Nam có 310 cảng thủy nội địa, 6.062 bến thủy nội địa và 2.526 bến khách ngang sông, có 2.360 con sông, kênh, có tổng chiều dài gần 41.900 km với 9 hệ thống sông chính đổ ra biển thông qua hơn 120 cửa sông. Tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước đang được quản lý khai thác là 26.737 km.

Lợi thế là vậy nhưng việc khai thác tiềm năng trong lĩnh vực vận tải hàng hải và đường thủy nội địa tại Việt Nam vẫn còn khiếm tốn. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay thị phần vận tải hàng hóa và hành khách của đường bộ vẫn chiếm chủ yếu với 79,84% về hàng hóa và 91,79% về hành khách. Vận tải đường biển ven bờ, đường thủy nội địa chưa được khai thác một cách hiệu quả.

Tái cơ cấu thị phần

Trước thực tế thị phần vận tải hàng hải và đường thủy nội địa đang quá khiêm tốn so với vận tải đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: Bộ GTVT đặt ra mục tiêu nâng thị phần vận tải hàng hóa trong nước bằng đường biển ven bờ và đường thủy nội địa, trước mắt phải tối thiểu được 50%. Nếu nâng được thị phần này sẽ có cơ hội giảm chi phí logistics, tiết kiệm tối đa chi phí bảo trì bảo dưỡng, giảm tai nạn giao thông, giảm số người chết, bị thương. Để tái cơ cấu thị phần vận tải, Bộ GTVT sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp và ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển vận tải đường biển, đường thủy nội địa nhằm chia sẻ thị phần vận tải đường bộ và đường sắt, đặc biệt trên hành lang vận tải Bắc - Nam.

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT): Để phát triển vận tải hàng hải và đường thủy nội địa trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát đề xuất sửa đổi Bộ Luật Hàng hải năm 2015 và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan. Đẩy nhanh tiến độ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch nhóm cảng biển, cảng cạn; triển khai đề án phát triển đội tàu biển Việt Nam, bảo đảm tiến độ các dự án nạo vét, duy tu luồng hàng hải…

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An đề xuất Nhà nước có chính sách tốt về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container như miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container, miễn thuế nhà thầu cho doanh nghiệp khi thực hiện việc thuê, thuê mua container.

Tương tự, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường thủy, thay thế các quy định lỗi thời; xem lại khoảng cách các trạm kiểm tra trên sông theo hướng không quá nhiều trạm trên cùng một tuyến sông, để tránh tăng chi phí, mất an toàn cho phương tiện, nhất là vào ban đêm. Đồng thời sớm ban hành quy chuẩn tàu sông, giúp ngành đóng tàu và người dân có bộ luật hoàn chỉnh, không làm mất thời gian và giảm chi phí đầu tư phát triển phương tiện.

Trong khi đó, để phát triển hiệu quả cảng biển container tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đại diện Cảng Cần Thơ kiến nghị Bộ GTVT và các đơn vị liên quan tiếp tục duy tu nạo vét luồng hàng hải vào các cảng biển trong vùng, đảm bảo tải trọng từ 1.000 TEUs đến 2500TEUs ra vào luồng, trong đó ưu tiên triển khai giai đoạn 2 dự án kênh Quan Chánh Bố và nạo vét luồng Định An. Ưu tiên nâng cấp các tuyến vận tải đường thủy kết nối khu vực miền Đông và miền Tây (tuyến kênh Chợ Gạo), kết nối sông Tiền và Sông Hậu (tuyến Trà Ôn - Mang Thít, và kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền), tạo điều kiện cho các phương tiện sà lan đến 200TEUs lưu thông trên tuyến vận tải. Ngoài ra cần quan tâm nạo vét khu vực thượng lưu sông Mekong kết nối với Campuchia để tăng cường lưu thông hàng hóa giữa hai nước; sớm đẩy mạnh phát triển các sàn giao dịch vận tải kết nối hàng hóa nội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và liên vùng kết nối với khu vực TP.HCM, Cái Mép Vũng Tàu và Campuchia.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/gap-rut-nang-thi-phan-van-tai-hang-hai-168169.html