Gặp lại trường hợp cho và ghép thận đầu tiên sau 32 năm phẫu thuật

Ðây là 1 trong 5 trường hợp cho và ghép thận đầu tiên của Việt Nam và là trường hợp cho ghép thận đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau 32 năm, người cho thận nay đã 91 tuổi và người nhận cũng đã gần 70 tuổi. Cả hai vẫn sống khỏe mạnh.

Hơn 30 năm cho và ghép thận vẫn sống khỏe

Tôi gặp cụ Võ Văn Trọng vào một ngày đầu tháng 12/2023. Nếu không được giới thiệu từ trước thì chúng tôi không thể biết cụ già ngồi trước mặt mình nay đã 91 tuổi và 32 năm qua chỉ sống với 1 quả thận.

Ngôi nhà mặt tiền gần chợ Bến Lức, Long An của cụ Trọng có tầng trệt khá rộng rãi nhưng lâu nay làm nơi kinh doanh buôn bán. Ðể thuận tiện cho buổi trò chuyện, cụ Trọng mời chúng tôi lên lầu. Nhìn cách cụ tự bước lên lầu với những bước chân khỏe khoắn, dứt khoát cho thấy đây là minh chứng cụ thể nhất về tình hình sức khỏe của cụ hiện nay, sau 32 năm cho con gái 1 quả thận.

"Ba tôi mới đi uống cà phê về đó, sáng nào cũng 5 giờ dậy và vệ sinh cá nhân xong là cuốc bộ ra quán uống cà phê ngoài lộ tán chuyện với bạn. Mấy năm trước ổng còn phóng xe máy vù vù chạy khắp thị trấn", bà Thượng nhanh miệng nói.

Ðáp lời con gái, cụ Trọng giọng tỉnh rụi: "Có gì đâu, tui cho con thận xong thì vẫn sống và làm việc bình thường như trước. Thậm chí tôi còn ít ốm vặt hơn xưa, lâu lâu chỉ đi tái khám. Bác sĩ ai cũng đùa: "Ông cho thận khỏe ra". Mấy năm nay, tuổi cao và căn bệnh gout nó hành nên đi lại giờ khó khăn hơn. Lo là lo cho nó (bà Thượng - PV). Nhà có 2 đứa con gái, không thương nó thì thương ai".

Cụ Trọng nhớ lại, con gái ông ngày đó 34 tuổi, nuôi hai con còn nhỏ, đứa lớn mới 9 tuổi, đứa nhỏ mới 2 tuổi. Thương con, cụ Trọng cùng với vợ đăng ký hiến thận cho con gái.

"Có lẽ "con gái giống ba", nên các chỉ số của tôi thì hợp, còn mẹ nó thì không. Ngày đó, trong hơn 100 trường hợp của cả nước tham gia chọn lọc để thực hiện 2 ca ghép thận đầu tiên tại khu vực phía Nam thì may mắn có con tôi", cụ Trọng kể với giọng hào hứng.

Bà Võ Thị Thượng vẫn vui vẻ và khỏe mạnh sau 32 năm nhận thận từ ba mình. Ảnh: TĐ.

Nghe tới đây, như được gợi lại kỷ niệm những ngày đáng nhớ, ông Huỳnh Quang Minh, chồng bà Thượng hồi tưởng lại. Ngày phẫu thuật, cả khu mổ chật kín bác sĩ, từ chuyên gia nước ngoài cho đến bác sĩ Việt Nam. Ðặc biệt, tham gia ca mổ có cố GS. Tôn Thất Bách, BS. Trần Ngọc Sinh (GS.TS. Trần Ngọc Sinh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội ghép tạng Việt Nam - PV), khi đó còn trẻ, chưa tới 40 tuổi.

Nhớ lại khoảnh khắc hơn 30 năm trước để thực hiện cuộc đại phẫu này, ông Minh xúc động chia sẻ: "Nay GS. Bách đã mất, BS. Sinh thì đã về hưu và làm cố vấn, giảng dạy. Ngày ấy, mổ xong bà xã tôi nằm khu phòng hậu phẫu đặc biệt trên tầng 10, BS. Sinh kê giường nằm ngay trước phòng để theo dõi. Suốt 4 tháng trời cứ thế, một trong một ngoài. Khi bà xã ghép thận, tôi một nách 2 con, vừa đi làm, vừa chăm vợ trong bệnh viện vừa lo cho gia đình, bố vợ mới phẫu thuật cắt đi 1 quả thận, 2 con nhỏ nên đầu tắt mặt tối. Nhưng mệt cực mấy cũng được, miễn bà ấy ở với mình, với con".

Vợ chồng ông Minh quen nhau từ hồi còn đi học rồi sau đó nảy sinh tình cảm yêu thương nhau. Ông Minh đi bộ đội, bà Thượng ở nhà chờ đợi 7 năm. Ngày ông Minh ra quân, cả hai mừng vui khôn xiết và cưới nhau với hai bàn tay trắng.

"Bà ấy là thứ quý giá nhất của tôi và các con, còn vợ là còn của nên bất cứ giá nào mình cũng phải lo", ông Minh giọng mạnh mẽ.

Sau khi bà Thượng được xuất viện về nhà, ông Minh miệt mài tìm các tài liệu chăm sóc người ghép thận về đọc, tìm hiểu và thực hiện. "Hồi đó đâu có nhiều thông tin như bây giờ, rồi thuốc men cũng vậy. Nhiều khi tôi phải chạy từ Long An về TP.HCM, ra chợ thuốc ở Tân Ðịnh, sau này là chợ Dược Thành Thái để mua thuốc cho bà xã", ông Minh nhớ lại.

Không quản mưa nắng, mấy chục năm qua, ông Minh lo lắng cơm ăn nước uống, thuốc men chu toàn cho vợ, đều đặn hàng tháng, hàng quý đưa vợ đi TP.HCM tái khám, lấy thuốc.

Cũng theo ông Minh, do ca ghép thận của bà Thượng nằm trong đề án ghép tạng quốc gia và là 1 trong 2 bệnh nhân ghép tạng đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy nên vợ ông không mất chi phí. Tuy nhiên, mỗi tháng tiền thuốc chống thải ghép thời điểm đó lên đến 1 cây vàng. Gia đình ông phải bán nhiều mảnh đất đi để trang trải tiền thuốc men rồi mới chuyển ra ngôi nhà gần chợ huyện hiện tại. "Sau phẫu thuật, hình như phong thủy tốt hay sao ý, gia đình tôi làm ăn khấm khá dần. Ngoài việc lo cho bả chữa bệnh, còn mua được miếng đất ngoài lộ, giờ cũng có giá tầm vài chục tỷ. Chừng hơn 10 năm nay, bả có BHYT thanh toán nên mình cũng nhẹ gánh, nhất là hai vợ chồng cũng đã có tuổi", ông Minh phấn khởi chia sẻ.

Cụ Võ Văn Trọng vẫn minh mẫn, khỏe mạnh và nhanh nhẹn sau hơn 30 năm sống với 1 quả thận. Ảnh: P.T.

Ca phẫu thuật 2 trong 1 mở ra chương mới cho lịch sử ghép thận

Trong suốt cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Sức khỏe&Ðời sống, bà Thượng luôn cười tươi. Bà cho biết, sau phẫu thuật, sức khỏe của bà ngày càng ổn và tốt hơn. Tuy nhiên, bà phải tuân thủ chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ, hạn chế ăn ngoài quán, thường tự tay mình hoặc người nhà nấu ăn, uống thuốc đúng cữ, tái khám đúng lịch.

"Ðến Tết này, tính ra cũng đã "32 nồi bánh chưng" tôi mang trên mình một phần thân thể của ba tôi và sống khỏe mạnh như người bình thường", bà Thượng rưng rưng nói.

Cũng theo bà Thượng, được sống đến ngày hôm nay, bà biết ơn không chỉ ba mình, chồng mình mà là cả đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam nói chung, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng.

Giọng trầm ngâm, bà Thượng nói: "32 năm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã trải qua 4 đời giám đốc với bao nhiêu nhân viên, người còn người mất, nhiều người đã nghỉ hưu còn tôi và ba tôi đến giờ vẫn mạnh khỏe, bình an".

Nhớ lại ca ghép thận lịch sử này, GS.TS. Trần Ngọc Sinh - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Ghép tạng Việt Nam, Trưởng ban Ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đây là 1 trong 2 ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng là của khu vực phía Nam nói riêng và là 1 trong 5 trường hợp ghép thận đầu tiên tại Việt Nam.

"Dù sau đó bệnh nhân phải ghép thận lần 2 nhưng điều hạnh phúc là cả người cho và người nhận sau khi cho và ghép đều sống khỏe mạnh, lao động, sinh hoạt như bình thường. Với trường hợp "2 in 1" này, chúng tôi đã tính toán cho cả người cho và người nhận thật kỹ, đánh giá toàn diện, nhờ đó cả người cho lẫn người nhận đều an toàn, sống khỏe mạnh, ổn định, chất lượng sau ghép. Nó cho thấy ý nghĩa nhân văn của y học. Chúng ta có những trường hợp sống khỏe sau ghép thận đến 25, 26 năm, có ca 29 năm vẫn sống tốt dù không phải ghép lần 2", GS.TS. Trần Ngọc Sinh chia sẻ.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Ghép tạng Việt Nam, có trường hợp người đàn ông suy thận bị yếu sinh lý, sau khi ghép thận xong thì chức năng sinh lý trở lại, đã lập gia đình và có con. Bên cạnh đó, có những người phụ nữ bị suy thận mạn được ghép thận, phải uống thuốc ức chế miễn dịch, sau 2 năm ghép và theo dõi xong đã có con và sinh con bụ bẫm bình thường.

"Sự thành công của các ca ghép thận này đã mở ra giai đoạn phát triển vượt bậc đáng tự hào cho ngành ghép thận nước nhà. Tạo thêm cơ hội cứu chữa cho các bệnh nhân bị suy thận mạn có thể phục hồi lại, có cuộc sống chất lượng, khỏe mạnh những năm sau này", GS.TS. Trần Ngọc Sinh nhận định.

Năm 1992, phái đoàn cấp Nhà nước do GS. Thiếu tướng Lê Thế Trung - Giám đốc Học viện Quân y vào TP. Hồ Chí Minh làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy (khi đó GS. Trịnh Kim Ảnh là Giám đốc), để cùng phối hợp thực hiện chương trình ghép tạng tại Việt Nam.

Khi đó, chúng ta mới xây dựng Ðơn vị thận nhân tạo nhưng đã có hàng trăm bệnh nhân tới điều trị. Trong đó, có những bệnh nhân bị suy thận mạn phải ra nước ngoài ghép thận, chi phí cao mà nguy cơ rủi ro vẫn không tránh khỏi. Ðể chuẩn bị cho ca phẫu thuật, hai ê-kíp phẫu thuật được thành lập, một ở Hà Nội và một ở trong Nam (Bệnh viện Chợ Rẫy).

Hai phòng mổ thực nghiệm được xây dựng lên để các bác sĩ tập luyện (phòng thực tập đó đến nay ở Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn còn).

Ðược sự hỗ trợ của các chuyên gia từ Ðài Loan (Trung Quốc), như GS. Chue Shue Lee cùng các chuyên gia đầu ngành trong nước như: Cố GS. Tôn Thất Bách, GS. Thiếu Tướng Lê Thế Trung, TTND.GS. Trịnh Kim Ảnh... ca ghép thận đầu tiên ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành công, mở ra một chương mới trong lịch sử y học nước nhà.

Những ca ghép thận năm 1992 không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, y học mà còn có ý nghĩa nhân văn, mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển y học Việt Nam. Ðồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội sống khỏe cho hàng ngàn người bệnh suy thận mạn.

Hơn 30 năm hình thành và phát triển, đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã ghép thận cho hơn 1.100 trường hợp với tỷ lệ thành công cao. Ðặc biệt, với mục tiêu mang ý nghĩa nhân văn, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị, mở rộng nguồn thận hiến, thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã xây dựng và thành lập được Ðơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người.

Bệnh viện Chợ Rẫy cùng với 2 đơn vị bạn là Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng 2 phối hợp lập ra Cổng thông tin hiến, ghép tạng để người hiến, người cho và bệnh nhân đăng ký trên đó nhằm khuyến khích người tặng; đồng thời minh bạch khách quan cũng như chính xác lựa chọn tuyển chọn người ghép. Hiện đã có gần 45.000 người đăng ký hiến tạng và khoảng 1000 trường hợp bệnh nhân đăng ký ghép tạng.

Tiến Ðạt - Phạm Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gap-lai-truong-hop-cho-va-ghep-than-dau-tien-sau-32-nam-phau-thuat-169240206145435737.htm