Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ

Đột quỵ đứng thứ 2 trong các nguyên nhân gây tử vong, chỉ sau bệnh tim mạch. 80% bệnh nhân sau đột quỵ chịu những di chứng với tổn thương nặng nề, trong đó khoảng 30% trường hợp không thể phục hồi.

Điều trị bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Ảnh: BVCC.

Điều trị bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Ảnh: BVCC.

Hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ và giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu - Phó Chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa phục hồi chức năng (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), có khoảng 80% bệnh nhân đột quỵ có di chứng là khuyết tật nặng, đặc biệt là rối loạn vận động, 30% không thể phục hồi. Di chứng sau đột quỵ được xem là bệnh lý đa tàn tật bởi có nhiều dạng khuyết tật khác nhau trong một người bệnh đột quỵ. Trong các di chứng của đột quỵ, gặp phổ biến nhất là các rối loạn vận động như liệt, không thể đi lại; các rối loạn về nhận thức, giao tiếp, sinh hoạt, khó vận động, ăn uống; rối loạn tâm lý, cảm xúc…

Đặc biệt, người mắc đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi, tiền sử khỏe mạnh. Mỗi năm, thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15 - 49 tuổi. Đồng thời, mỗi năm thế giới cũng ghi nhận 6,5 triệu ca tử vong do đột quỵ não với hơn 6% trong số đó là người trẻ - đây là con số đáng báo động được Hội Đột quỵ thế giới công bố.

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não: Tăng huyết áp là nguyên nhân chính, chiếm 80% trường hợp; các chứng bệnh về tim như: Bệnh van tim, bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim), rối loạn nhịp tim, suy tim, dị tật tim, viêm cơ tim; xơ vữa động mạch; dị dạng mạch não như phình động tĩnh mạch não; bệnh đái tháo đường; rối loạn lipid máu; tiền sử gia đình bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc bị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua.

Thông thường, khi gặp các biểu hiện ban đầu của đột quỵ như rối loạn vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn ngôn ngữ, nhiều người bị bất ngờ và nhầm tưởng bị trúng gió; có những xử trí theo kinh nghiệm dân gian như: cạo gió, hơ lửa, cho uống nước chanh… Hoặc người dân chủ quan khi những triệu chứng xuất hiện thoáng qua. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân đến viện khi đã qua “giờ vàng” (sau 3 giờ), nên hậu quả để lại di chứng tàn phế suốt đời hoặc bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong.

TS.BS Đinh Thị Hải Hà - Khoa Đột quỵ (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết, đối với người bị đột quỵ não, thời gian là vàng, thời gian là não. Do vậy cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện nhanh nhất trong ba giờ đầu. Trong mỗi phút của một cơn đột quỵ, não bị mất đi khoảng 2 triệu tế bào, mỗi giờ trôi qua, bộ não sẽ bị lão hóa một khoảng thời gian tương đương với 3,5 năm. Bởi vậy thời gian là não đối với bệnh nhân đột quỵ. Khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, cần chuyển ngay tới các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ. Nếu được cấp cứu trong vòng 4,5 giờ bệnh nhân có thể được tái thông bằng thuốc tiêu sợi huyết truyền tĩnh mạch, nếu trong vòng 6 giờ, bệnh nhân bị tắc mạch não lớn có thể được tái thông bằng dụng cụ cơ học, giúp bệnh nhân hồi phục hoặc giảm thiểu các di chứng.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bat-cu-ai-cung-co-nguy-co-bi-dot-quy-10280403.html