Freelancer thiệt thòi

Sau 8 tháng hoàn thành dự án, Mai Anh mới được khách trả tiền. Cô cũng nhiều lần bị hủy ngang hợp đồng mà không được chi trả tiền công.

Sau 8 tháng hoàn thành dự án, Mai Anh mới được khách trả tiền. Cô cũng nhiều lần bị hủy ngang hợp đồng mà không được chi trả tiền công.

Sau hơn một năm làm freelancer, Nguyễn Thị Mai Anh (26 tuổi, quận 7, TP.HCM) quay trở lại văn phòng. Content writer này thừa nhận công việc tự do mang lại sự thoải mái cùng thu nhập tương đối tốt. Tuy vậy, đó không phải tất cả điều mà cô mong muốn.

"Làm việc không có tổ chức, đoàn thể, tôi nhận thấy mình khó có khả năng phát triển sự nghiệp. Tôi không thể học hỏi được gì hoặc đạt mức lương vượt trội. Do đó, tôi lại tìm kiếm công việc toàn thời gian (fulltime) để chú tâm vào những mục tiêu nêu trên", Mai Anh chia sẻ cùng Zing.

Công việc freelance giúp các bạn trẻ tự do lựa chọn thời gian, địa điểm làm việc. Ảnh minh họa: Huệ Lâm.

Theo khảo sát được công bố vào tháng 1/2022 của Anphabe, xu hướng nhân sự chuyển dịch từ làm việc fulltime cố định sang làm việc tự do đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.

Theo đó, 14% nguồn nhân lực tri thức Việt Nam hiện là lao động tự do toàn thời gian (fully gig worker), 26% làm tự do bán thời gian (partly gig worker) và 13% làm song song công việc cố định và bán thời gian bên ngoài.

Như vậy, hiện có tới 53% nguồn nhân lực tri thức tham gia vào nền kinh tế chia sẻ (gig economy - nền kinh tế có sự tham gia đông đảo của lực lượng lao động tự do, làm nhiều việc linh hoạt và được chia sẻ trả phí bởi nhiều khách hàng).

Những nhân sự làm việc tự do thường ở độ tuổi khá trẻ và từng có kinh nghiệm với công việc fulltime. Họ thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như truyền thông, công nghệ thông tin, thiết kế, kế toán, bảo hiểm hoặc ngoại ngữ…

Rủi ro

Từ năm 2017 đến 2021, Mai Anh từng làm việc fulltime cho một đơn vị về giải trí. Theo đặc thù công việc, cô không phải có mặt tại văn phòng vào giờ hành chính nhưng luôn phải online từ 7h sáng đến nửa đêm, đôi khi đến 2-3h hôm sau.

Suốt cả năm, cô gần như chỉ nghỉ làm vào vài ngày Tết Nguyên đán. Mọi dịp lễ khác, gia đình quen thuộc với hình ảnh con gái ngồi lì trong phòng hoặc mang laptop vào giữa bữa cơm.

Theo Mai Anh, làm việc tự do khiến mình khó phát triển sự nghiệp. Ảnh: NVCC.

Đến khi cơ thể báo hiệu nhiều vấn đề sức khỏe, Mai Anh quyết định xin nghỉ việc, chuyển sang làm freelance nhờ một vài đầu mối đã quen từ trước.

Cô cho đây là cách để vừa kiếm tiền, vừa nghỉ ngơi. Nhưng sau cùng, sức lực của cô vẫn bị "vắt kiệt".

"Làm tự do, tôi áp lực hơn cả làm fulltime tại công ty cũ. Tôi không có 'job' đều đặn, khi thì chơi dài hàng tháng, khi lại bận bù đầu. Những lúc chờ việc, tôi ì ạch, tâm trạng rất bất an vì sợ hết tiền.

Còn lúc khách hàng liên hệ, tôi lại thường ôm đồm nhiều dự án cùng lúc vì tham công tiếc việc. Kết quả, tôi vẫn thức đêm, dậy sớm để chạy deadline như nhiều năm trước. Thời điểm trước Tết, tôi ở yên trong phòng đến một tuần lễ vì công việc tới tấp. Mẹ còn tưởng tôi thất tình", Mai Anh kể lại.

Và ngay cả khi có nhiều hợp đồng, Mai Anh cũng thường xuyên rơi vào cảnh "cháy túi" bởi các khách hàng thường thanh toán thù lao rất chậm. Có nhiều dự án, sau 6- 8 tháng hoàn tất, cô mới được trả công.

Tình trạng "làm trước, trả sau" này khiến cô phải vay mượn bạn bè để sinh hoạt, đồng thời khó quản lý nguồn tiền cá nhân.

"Nhiều lần, tôi còn bị khách đột ngột hủy ngang hợp tác. Họ nêu lý do dịch bệnh hoặc vấn đề pháp lý. Tôi tức đến phát khóc nhưng khó có thể làm gì vì hầu hết khách hàng của tôi do người quen giới thiệu, làm việc qua tin nhắn mà không có hợp đồng".

Làm freelancer, nhiều bạn trẻ vẫn phải chịu cảnh thức khuya dậy sớm, làm trong ngày lễ để kịp tiến độ dự án. Ảnh minh họa: Đào Phương.

Chậm thanh toán, bất ngờ hủy hợp đồng cũng là vấn đề khó xử của Hồ Quỳnh (25 tuổi, quận 1, TP.HCM) khi làm freelancer trong lĩnh vực công nghệ.

Theo Quỳnh, cô không làm việc một mình mà luôn có một nhóm cùng hoạt động. Trong nhóm, một số thành viên có kinh nghiệm cùng tên tuổi trong nghề. Tuy nhiên, không vì thế mà tình huống "bể job" lại không thể xảy ra.

"Chỉ trong nửa năm dịch bệnh, nhóm tôi bị hủy ngang đến 5 hợp đồng. Vì giãn cách xã hội, đối tác cũng bị ảnh hưởng và buộc phải dừng dự án. Chúng tôi khó có thể bắt đền vì muốn giữ quan hệ cho những lần hợp tác sau", Quỳnh cho biết.

Cũng theo Quỳnh, nhóm của cô thường không nhận đầu việc lẻ mà được giao trọn vẹn một dự án, hoàn thành và bàn giao theo gói. Một số lần, nhóm thay đối tác ứng số tiền không nhỏ để làm việc. Số tiền này là rất khó để thanh toán triệt để bởi thiếu hụt hóa đơn, chứng từ.

Lần khác, đối tác đồng ý chi trả các hạng mục đã hoàn thành dù dự án bị hủy. Tuy nhiên, quá trình đánh giá và thanh toán kéo dài, thậm chí chia thành nhiều đợt, khiến tinh thần của cả nhóm chán nản.

"Qua những lần như vậy, tôi càng hiểu giá trị của một bản hợp đồng rõ ràng, chi tiết. Tôi may mắn làm việc cùng những người có kinh nghiệm. Nếu không, có lẽ tôi không đủ kiên nhẫn, tinh thần mà theo đuổi nghề freelance này", cô bày tỏ.

Không bảo hiểm, chế độ

Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng quyết định quay trở lại công việc văn phòng sau khoảng 6 tháng làm việc tự do.

Cô cho biết mình làm freelancer "bất đắc dĩ" vì dịch bệnh bùng phát. Không nhiều kinh nghiệm cùng mối quan hệ, freelance đối với Trang hầu như chỉ là chuỗi ngày dài chờ việc, thiếu tiền và không chế độ đãi ngộ.

Quỳnh Trang quay trở lại văn phòng sau 6 tháng làm freelancer. Ảnh: NVCC.

"Thực tế, công việc viết lách tự do giúp tôi có được một khoản thu nhập nhất định để vượt qua giai đoạn dịch bệnh. Nhưng so với thị trường việc làm nói chung, mức thù lao này quả thực rất thấp khi tôi luôn bị áp deadline gấp gáp hoặc bị gọi điện vào ban đêm để sửa bài.

Tôi không có hợp đồng chính thức với công ty, do vậy cũng không có lương ngoài giờ, lễ Tết. Khách hàng chỉ quan tâm điều duy nhất là chất lượng và tiến độ sản phẩm", cô kể lại với Zing.

Theo Quỳnh Trang, có lẽ công việc freelance chỉ phù hợp với những người đã có kinh nghiệm làm việc dày dặn cùng nhiều mối quan hệ trong ngành. Một "lính mới" như cô khó có thể cạnh tranh.

"Làm fulltime tại công ty, ít nhất tôi được đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm, y tế, thưởng cuối năm hoặc du lịch. Không phải ai cũng đủ sức bền để đi đường dài với freelance".

Bảo hiểm, phúc lợi cũng là điều khiến Vũ Thị Minh Trang (23 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) suy nghĩ khi quyết định tạm dừng làm việc tự do.

Minh Trang thích công việc tại văn phòng hơn bởi tính tập thể cùng các chế độ phúc lợi tốt. Ảnh: NVCC.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Minh Trang làm freelancer với mong muốn thoải mái du lịch và khám phá. Quả thực, công việc không văn phòng, không cấp trên tạo cho cô nhiều cơ hội để vi vu đó đây, tạo dựng các mối quan hệ.

Nhưng khi xảy ra tình huống khó khăn, cụ thể là đại dịch Covid-19, cô thở phào vì mình vừa kịp có được công việc fulltime tại một công ty cùng lĩnh vực.

"Theo tôi, dù làm fulltime hay freelance, chúng ta vẫn có thể cân bằng, tự do khám phá nếu biết sắp xếp thời gian. Nhưng cá nhân tôi ưu tiên công việc fulltime hơn bởi thích không khí làm việc tập thể, có đồng nghiệp và bạn bè tại công ty.

Đợt Tết Nguyên đán cũng như các dịp lễ, Tết vừa qua, tôi đều nhận được khoản thưởng đáng kể từ công ty. Nếu chỉ làm freelance, tôi đâu thể có được chế độ này", cô bày tỏ.

Hiện tại, Minh Trang duy trì công việc chính thức và vẫn nhận thêm một số dự án freelance để có thêm thu nhập. Cô cho biết chỉ nhận khối lượng công việc vừa đủ nhằm có thể hoàn thành tốt, không gây ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi.

"Tôi biết nhiều freelancer chăm chỉ, kiếm được số tiền rất lớn và không cần đến bảo hiểm cùng chế độ của công ty nào cả. Nhưng có lẽ họ là những người đã nhiều kinh nghiệm cùng mối quan hệ. Còn mình, tôi vẫn thích việc làm fulltime hơn vì đây là cơ hội để học hỏi chuyên sâu", cô nói.

Thục Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/freelancer-thiet-thoi-post1314852.html