F0 tăng nhanh, một số địa phương triển khai tiêm vaccine mũi 3

Trong ngày 20/12, Hà Nội là nơi duy nhất có số ca mắc mới trên mức 1.000. Trong khi đó, TP.HCM xếp thứ 8 trên cả nước với 687 ca.

Tối 20/12, Bộ Y tế cho hay Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.977 ca nhiễm mới. Như vậy, số ca mắc giảm 1.127 người so với ngày trước đó. Nhiều tỉnh, thành có thêm ca mắc mới, trong đó, 9.000 ca trong cộng đồng.

Một số tỉnh đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ 3, song tiến độ còn chậm.

Hà Nội tiếp tục có số ca cao nhất cả nước

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 20/12, thành phố ghi nhận 1.641 trường hợp nhiễm nCoV. Trong đó, các bệnh nhân được ghi nhận tại cộng đồng (406), khu cách ly (1.021), khu phong tỏa (214).

Trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) tại Hà Nội, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận là 28.694 ca, trong đó, số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 10.671 ca, đã được cách ly là 18.023 ca.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, 94,37% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19.

 Nguồn: Sở Y tế Hà Nội.

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội.

Trên toàn thành phố, dịch vẫn ở cấp độ 2. Ở cấp quận, huyện, thị xã, Hà Nội có 4 địa phương cấp độ 1, 24 địa phương cấp độ 2 và 2 địa phương cấp độ 3 là Đống Đa và Hai Bà Trưng. Ở cấp xã, phường có 422 xã, phường cấp độ 1, 132 xã, phường cấp độ 2 và 25 xã, phường cấp độ 3 và không có địa bàn nào ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ).

Theo Bộ Y tế Hà Nội là nơi duy nhất có số ca mắc mới trên mức 1.000. Hai ngày liên tiếp, Hà Nội đều có số ca mắc cao nhất cả nước.

Ngày 20/12, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có thông tin chính thức liên quan vụ việc điều tra sai phạm nâng khống giá bộ xét nghiệm Covid-19 của Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á.

Theo đó, năm 2021, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) không mua bộ kit test xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. Trong năm 2020, CDC Hà Nội được nhận một số bộ kit test xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất từ các nhà tài trợ thông qua Mặt trận Tổ quốc Thành phố.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành để rà soát, báo cáo, tổng hợp việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

TP.HCM thiếu oxy y tế

Theo Bộ Y tế, ngày 20/12, TP.HCM xuống mức dưới 1.000 ca (cụ thể 687) khi giảm 327 người sau 24 giờ. Địa phương này xếp thứ 8 trên cả nước. Tuy nhiên, tính theo số F0 trung bình trong 7 ngày gần đây, TP.HCM vẫn đứng vị trí số 2 trên cả nước với 1.028 ca/ngày, chỉ sau Cà Mau.

Trong ngày, TP.HCM cũng ghi nhận 56 người trường hợp tử vong, bao gồm 6 trường hợp từ các tỉnh chuyển đến: Đồng Nai (1), Cà Mau (1), Long An(1), Quảng Nam (1), Tây Ninh (1), Vĩnh Long (1).

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam có công văn khẩn gửi UBND TP.HCM và Sở Xây dựng TP.HCM về tình hình sử dụng và sản xuất khí oxy của các đơn vị.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhu cầu oxy lỏng y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế đang tăng dần. Trong khi đó, công suất sản xuất của các nhà cung cấp có hạn dẫn đến nguy cơ thiếu hụt oxy lỏng để cung cấp cho y tế.

"Hiện nay, việc cung cấp oxy cho các bệnh viện chậm và thậm chí có công ty báo không còn oxy để cung cấp. Việc thiếu hụt oxy lỏng cung cấp cho các bệnh viện là rất nguy hiểm và ảnh hưởng tới công tác cấp cứu, điều trị người bệnh", Sở Y tế chỉ ra nguy cơ.

Nhu cầu oxy lỏng của các đơn vị y tế từ 11/12 đến 17/12 là 1.070 tấn và 10.500 chai oxy loại 40 lít (tương đương 0,54 tấn). Nếu tính riêng ngày 17/12 là 166 tấn với 1.500 chai oxy loại 40 lít (tương đương 0,54 tấn). Dự kiến, trong thời gian tới, ngành y tế cần 350 tấn oxy lỏng dự trữ mỗi ngày.

Trong khi đó, theo thống kê, khả năng cung ứng oxy của 8 công ty cho thành phố chỉ tối đa 232 tấn/ngày.

Bến Tre, Cà Mau có hơn 900 F0 trong ngày

Ngày 20/12, Cà Mau và Bến Tre là 2 tỉnh ghi nhận trên 900 ca nhiễm trong 24 giờ, tiếp sau đó là Tây Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ.

Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ đầu tháng 12 đến nay, có thời điểm toàn tỉnh phát hiện trên 1.300 ca F0 mỗi ngày; để đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn, góp phần phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh, UBND tỉnh đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh hơn 1,3 triệu liều vaccine.

 Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trao đổi, vận động các tiểu thương tại chợ phường 5 tuân thủ đầy đủ các quy định phòng chống dịch. Ảnh: Báo Cà Mau.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trao đổi, vận động các tiểu thương tại chợ phường 5 tuân thủ đầy đủ các quy định phòng chống dịch. Ảnh: Báo Cà Mau.

Cụ thể, nhu cầu vaccine hiện nay của tỉnh là 1.320.900 liều Pfizer. Trong đó, tiêm liều bổ sung là 505.000 liều (trong tháng 12); tiêm liều nhắc lại 815.900 liều (trong tháng 12 là 66.600 liều; trong tháng 1/2022 là 66.400 liều và trong tháng 3/2022 là 682.900 liều).

Theo nhận định của ngành Y tế tỉnh Bến Tre, hiện số ca mắc trong cộng đồng và số ca tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương; mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng cao. Hiện 9/9 huyện, thành phố có cấp độ dịch cấp độ 3; 3 xã cấp độ 1, 29 xã cấp độ 2, 91 xã cấp độ 3 và 34 xã cấp độ 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đề nghị kết thúc việc tiêm vaccine mũi 2 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tập trung tiếp tục tiêm mũi 3. Ông cũng cho rằng cần quan tâm chế độ ăn uống của người bệnh để nâng cao sức đề kháng; vấn đề oxy, thuốc điều trị để giảm số ca F0 trở nặng và tử vong.

Gần 1,3 triệu mũi 3 vaccine Covid-19 đã được tiêm

Theo Bộ Y tế, trong ngày 19/12, 696.414 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vaccine đã được tiêm là 139.458.125 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 75.889.748 liều, tiêm mũi 2 là 62.270.169 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.298.208 liều.

Ngày 20/12, Bộ Y tế cho biết đã gửi Công văn số 10747 về việc tăng hạn dùng của vaccine Comirnaty đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo đó, hạn dùng của các lô vaccine có hạn dùng trên nhãn 6 tháng được cập nhật như sau: Hạn sử dụng in trên bao bì là tháng 10/2021, tháng 11/2021, tháng 12/2021, tháng 1/2022, tháng 2/2022, tháng 3/2022 thì hạn dùng mới (tăng thêm 3 tháng) lần lượt là: tháng 1/2022, tháng 2/2022, tháng 3/2022, tháng 4/2022, tháng 5/2022, tháng 6/2022.

TP.HCM đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, ngành y tế và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức để tổ chức tiêm vắc xin bằng nhiều hình thức phù hợp và thuận tiện cho người dân.

Theo số liệu báo cáo tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19, toàn tỉnh Phú Thọ có 982.322 (97,2%) người ≥ 18 tuổi đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, 942.254 (93,2%) người đã được tiêm đủ 2 mũi. Tuy nhiên, hiện nay, tiến độ tiêm chủng rất chậm, đặc biệt một số địa phương đã được phân bổ vaccine nhưng chưa tổ chức tiêm chủng.

Phú Thọ vừa có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine Covid-19 mũi thứ 3 cho các đối tượng ưu tiên trên địa bàn tỉnh. Tỉnh sẽ tiến hành tiêm mũi thứ 3 cho khoảng 157.540 người, trong đó, 116.302 người thuộc nhóm nguy cơ cao; 41.238 người thuộc nhóm lực lượng tuyến đầu chống dịch. Loại vaccine được tiêm sẽ cùng loại với liều vaccine cơ bản đã tiêm hoặc vaccine mRNA.

Theo báo Quảng Ninh, Quảng Ninh nằm trong nhóm những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cao nhất cả nước. Quảng Ninh đã triển khai tiêm chủng vaccine cho trên 1,1 triệu người, đảm bảo theo đúng tiến độ và đạt được mục tiêu có miễn dịch cộng đồng với trên 96,6% người được tiêm vaccine Covid-19.

Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch và triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mũi thứ 3 cho toàn dân trên địa bàn tỉnh. Chiến dịch tiêm vacine phòng Covid-19 mũi thứ 3 sẽ được triển khai cho khoảng trên 950.000 người dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine đủ 2 mũi.

Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ được triển khai 3 đợt: Đợt 1 (từ ngày 20/12 đến 15/1/2022); đợt 2 (từ ngày 15/1 đến 25/1/2022) và đợt tiêm vét sẽ triển khai sau ngày 25/1/2022.

Hình thức tiêm được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh tổ chức theo mô hình tiêm “cuốn chiếu”, “tiêm đến đâu an toàn đến đó” để tiết kiệm nguồn nhân lực và tổ chức tiêm gọn theo từng địa phương.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/f0-tang-nhanh-mot-so-dia-phuong-trien-khai-tiem-vaccine-mui-3-post1284584.html