Đừng coi thường tham nhũng 'vặt'

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã nhận được nhiều phản ánh về những tồn tại trong hoạt động thu phí, lệ phí của các đơn vị, trong đó có việc thu phí sử dụng đường bộ hoàn vốn của các dự án BOT.

Vi phạm thể hiện qua các hành vi như thu phí nhưng không xuất biên lai, hóa đơn; thu tiền với mức cao hơn số phí ghi trên biên lai; kê khai phí, lệ phí không đúng với số tiền phí, lệ phí thu được… Việc thu phí, lệ phí trái quy định nếu chỉ nhìn nhận qua sẽ khiến không ít người cho rằng, đây chỉ là hành vi tham nhũng “vặt”, thậm chí không đáng để quan tâm, bởi số tiền vi phạm không nhiều. Thế nhưng trên thực tế, tham nhũng “vặt” chính là nền tảng của những sai phạm lớn, gây thiệt hại đáng kể cho ngân sách nhà nước (NSNN) vốn được hình thành từ tiền thuế của người dân, doanh nghiệp.

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Tòa án nhân dân Tối cao mới đây cho thấy, 4.323 vụ án/11.080 bị cáo về tội tham nhũng đã được xét xử. Mức độ thiệt hại gây ra của các vụ án tham nhũng cũng ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề cho NSNN, nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng về NSNN lại rất thấp so với yêu cầu, mục tiêu và mới chỉ dừng ở mức khoảng 22%. Đơn cử, vụ án tham nhũng của Huỳnh Thị Huyền Như mới thi hành được khoảng hơn 180 tỷ đồng, còn hơn 13 nghìn tỷ đồng phải thi hành, nhưng trong đó có hơn 9 nghìn tỷ đồng phải đưa vào diện chưa có khả năng thi hành án. Còn 22 tài sản, nhà đất tạm tính khoảng 500 tỷ đồng tại vụ tham ô tài sản nhà nước này tuy đã kê biên cũng chưa thể thu hồi, nộp NSNN.

Theo các chuyên gia tài chính, tham nhũng hiện nay không còn là vấn đề của riêng quốc gia nào mà đã trở thành vấn nạn toàn cầu. Điều này đã khiến ngân sách của nhiều quốc gia bị thiệt hại nghiêm trọng. Nguy hại hơn, tham nhũng sẽ tạo ra những tiền lệ xấu khiến ngân sách khó có thể duy trì và phát triển bền vững. Trong bối cảnh hoạt động thu NSNN đang gặp nhiều khó khăn do áp lực giảm thu từ những nguyên nhân khách quan, nhu cầu chi phục vụ đầu tư phát triển và bảo đảm an sinh xã hội ngày tăng mạnh, việc tiết kiệm các khoản chi ngân sách, siết chặt kỷ luật tài chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Việc Bộ Tài chính chấn chỉnh nạn tham nhũng “vặt” bắt đầu từ những biên lai thu phí, lệ phí tưởng chừng rất nhỏ, song điều này sẽ góp phần hạn chế những sai phạm lớn về tài chính phát sinh.

Nguyên Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/840982/dung-coi-thuong-tham-nhung-vat