Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Chính sách về bảo tàng, nghệ nhân nhận được nhiều sự quan tâm

Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) dự kiến được Bộ VHTTDL thừa ủy quyền của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra sắp tới. Tại Phiên họp lần thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự Luật này.

Hình minh họa

Trong các Hội thảo, Tọa đàm, Phiên họp góp ý, cho ý kiến về dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi), các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là cơ sở để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Quá trình xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được chuẩn bị từ lâu, qua nhiều vòng, nhiều bước, nhằm tiến tới có được một luật hoàn chỉnh nhất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay và những năm tiếp theo.

Cần có chính sách thông thoáng cho bảo tàng tư nhân

Một trong những vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học quan tâm đó là quy định về Bảo tàng trong dự án Luật. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay có nhiều quy định về bảo tàng còn chồng chéo với nhau nên khi áp dụng vào trong thực tiễn còn chưa có sự thống nhất.

Hiện nay, bảo tàng công lập đang hoạt động và được hỗ trợ nhiều chính sách để phát triển. Tuy nhiên, ở nước ta cũng có nhiều bảo tàng ngoài công lập, bảo tàng tư nhân. Vậy việc xếp hạng bảo tàng ngoài công lập, bảo tàng tư nhân sẽ như thế nào, điều kiện và tiêu chí để xếp hạng cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để dễ dàng quản lý.

Bày tỏ quan tâm về chính sách khuyến khích phát triển bảo tàng tư nhân, ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng đây là vấn đề nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật cần có chính sách thông thoáng, khuyến khích, đầu tư bảo tàng ngoài công lập. Bên cạnh đó, trong dự thảo luật lần này cũng cần đề cập các quy định liên quan số hóa di sản. Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, việc áp dụng hiệu quả số hóa vào giới thiệu, quảng bá di sản có tác động nhanh và mạnh đến ý thức người xem.

Ngoài bảo tàng có những hiện vật, tư liệu đang được trưng bày thì cũng có bảo tàng sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trên không gian mạng để phản ánh các vấn đề văn hóa, đưa thông tin, hình ảnh về các hiện vật, sự kiện lịch sử…Do đó, trong dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), cần có quy định rõ ràng hơn về các loại bảo tàng số, bảo tàng ảo có sử dụng công nghệ thông tin để phục vụ Nhân dân.

Mặt khác, hiện nay có nhiều cá nhân, doanh nghiệp sựu tầm nhiều tư liệu, hiện vật muốn mở bảo tàng tư nhân. Tuy nhiên, trong dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chưa có quy định rõ về số lượng, tiêu chí về các hiện vật cũng như các điều kiện cụ thể cấp giấy phép để cho các cá nhân, doanh nghiệp xin mở bảo tàng. Vì vậy, trong dự án Luật cần lưu ý đến điều này vì cũng là góp phần để các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý hoạt động của bảo tàng tư nhân…

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc - Triều Tiên, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kiến nghị nên bổ sung thêm việc xây dựng bảo tàng số về di sản tiêu biểu quốc gia trên các lĩnh vực như ẩm thực, trang phục, cổ vật, tư liệu, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn… để phục vụ công tác bảo tồn, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới cũng như làm tư liệu sản xuất các sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Nhiều chính sách mới tạo điều kiện cho nghệ nhân

Các chuyên gia cũng đánh giá, nhiều chính sách mới trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể; điều này không chỉ góp phần bảo tồn mà còn khuyến khích cộng đồng tích cực truyền dạy và phát huy giá trị di sản.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bổ sung các quy định liên quan đến nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể, người thực hành di sản, cùng những quy định về tạo điều kiện để nghệ nhân, người thực hành có thể đóng góp hơn nữa vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Lê Hồng Lý cho rằng, chính sách đối với nghệ nhân là một trong những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ vai trò của nghệ nhân không chỉ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, mà còn góp phần quan trọng duy trì, lưu giữ, truyền dạy cho thế hệ sau những giá trị văn hóa của dân tộc.

“Đặc biệt là nghệ nhân dân gian, họ sống hồn nhiên, lầm lũi ở các làng quê, buôn bán, không bao giờ đi tìm kiếm, ham muốn đến sự công nhận của ai đó, mà chỉ phục vụ trong cộng đồng của mình hay cộng đồng xung quanh. Vì thế, chúng ta phải làm sao tìm đến họ để tôn vinh, động viên, thay vì đòi hỏi ở họ việc thực hiện các bước đi như có sự giới thiệu, lập hồ sơ đưa lên…” - ông Lê Hồng Lý nêu quan điểm.

Góp ý vào vấn đề mà dự thảo Luật đề cập, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý cho rằng, chính sách đối với nghệ nhân không nên chỉ tập trung vào nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân mà cần có các điều khoản mở rộng.

Theo đó, cần có các danh hiệu, sự hỗ trợ cần thiết cho lớp trẻ thực hành di sản, nhất là trong bối cảnh các lĩnh vực văn hóa truyền thống đang ngày càng thiếu hụt người trẻ tham gia. Vì vậy, dự thảo Luật phải nhìn rộng ra để tránh bỏ sót chính sách đối với nghệ nhân tiêu biểu tham gia vào quá trình thực hành, trao truyền di sản.

Dựa trên kinh nghiệm quản lý lĩnh vực di sản, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho rằng, quy định về chính sách đối với nghệ nhân là vấn đề phức tạp, nhất là phân loại nghệ nhân hiện chưa rõ ràng, nhiều cái khó. “Trên thực tế, cùng là nghệ nhân nhưng lĩnh vực nghệ thuật, thủ công đang có sự chênh nhau; chế độ, chính sách khác nhau”./.

Bảo Trân

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/du-thao-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-chinh-sach-ve-bao-tang-nghe-nhan-nhan-duoc-nhieu-su-quan-tam-20240414173617534.htm