Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam: Cần đặt mục tiêu cao hơn

Các mục tiêu được đặt ra trong dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam có vẻ khá thận trọng, cần phải đưa ra những mục tiêu cao hơn.

Đây là một trong số những ý kiến đóng góp được đưa ra tại Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 24/1, tại Hà Nội.

Cần đặt những mục tiêu cao hơn

Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý. Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 24/1, tại Hà Nội

Mục tiêu năm 2030 là tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6 - 8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60 - 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên.

Mục tiêu đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12 - 15%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 70 - 90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10 - 12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về chủ trương, quan điểm, định hướng, đồng thời đề xuất những giải pháp, kiến nghị cùng với những nhiệm vụ, đề án, dự án triển khai tương ứng liên quan.

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lã Hoàng Trung – Vụ trưởng Vụ Bưu chính - đặt vấn đề, chúng ta có phát triển những doanh nghiệp logistics chủ lực của Việt Nam hay không? Chiến lược logistics là ô lớn của những cái ô nhỏ. Việc tất cả các địa phương cùng nói về câu chuyện phát triển logistics nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến tất cả các địa phương đều làm các hạ tầng, trung tâm khai thác, việc này sẽ dẫn đến câu chuyện tương tự như quy hoạch sân bay, cảng biển hay không?. Do đó, cần vai trò điều phối của Bộ Công Thương và các địa phương cần phối kết hợp để làm sao tối ưu hóa lợi ích thay vì cạnh tranh với nhau.

Cũng theo ông Lã Hoàng Trung, các mục tiêu cụ thể được đặt ra tại dự thảo Chiến lược đang khá thận trọng và cần được đề xuất cao hơn. Cụ thể, dự thảo, đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng trung bình dịch vụ logistics đến năm 2030 đạt từ 15 - 20%, con số này thay đổi rất ít và đề xuất con số này là 18 - 20%; hay mục tiêu xếp hạng theo chỉ số hiệu quả logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 45 trở lên, trong khi đó chúng ta đang đứng ở vị trí 43/154, do đó, con số 38 hay 40/154 thì phù hợp hơn.

“Ngôi nhà chung” của các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics

Đánh giá cao dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, TS. Lê Quang Trung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, đây được ví như là ngôi nhà chung cho các doanh nghiệp trong ngành.

Đóng góp thêm vào dự thảo chiến lược, TS. Lê Quang Trung cho rằng, với khung chiến lược này, việc phát triển đồng bộ và kết nối là cực kỳ quan trọng. Trong đó, cần xây dựng bộ 3 chiến lược gồm: Phát triển cảng nước sâu và cảng trung chuyển quốc tế; chiến lược phát triển khu thương mại tự do của Việt Nam; chiến lược phát triển kết nối hàng hóa quốc tế bao gồm phát triển đội tàu biển, container quốc tế và phát triển đội tàu bay chở hàng.

Một vấn đề nữa được ông Lê Quang Trung đề xuất đó là hiện nay logistics đã thay đổi, các phương thức được nâng tầm, trong đó việc quản trị và phát triển chuỗi cung ứng xanh là xu hướng toàn cầu. Vì vậy, cần giải pháp đồng bộ từ việc đưa các tiêu chuẩn, đến nâng cao nhận thức, ưu đãi, kiểm tra giám sát cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

“Logistics của chúng ta không thể nói chung chung được mà rất cần phải có một số điểm nhấn mà dự thảo Chiến lược chưa đề cập đến. Ví dụ như vấn đề logistics ngược (liên quan từ người tiêu dùng ngược lại đến nhà sản xuất, bao bì, tái chế,…). Đây là những vấn đề mới cần được đặt ra và bổ sung. Hay vấn đề Biển Đỏ đang diễn ra khiến tăng thời gian vận chuyển hàng từ 7-10 ngày, thậm chí 14 ngày, cùng với việc thiếu nguồn cung container, chúng ta không chỉ gặp ở đây vấn đề về chi phí mà còn là vấn đề nông sản hư hỏng hay tự chín do thời gian vận chuyển kéo quá dài”, ông Lê Quang Trung chia sẻ.

Ông Phạm Hoài Chung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) - cho rằng, dự thảo Chiến lược cần chỉ rõ phương pháp, cách thức để thúc đẩy việc nhanh chóng ứng dụng công nghệ số trong logistics, tạo đột phá cho logistics Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải hiện chiếm 60 - 70% chi phí và lộ trình thực hiện.

Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn về định hướng phát triển vận tải đa phương thức; xác định cụ thể địa phương nào có đủ lợi thế để phát triển thành các trung tâm dịch vụ logistics của quốc gia, đóng vai trò kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế.

“Cần nhấn mạnh vai trò của vận tải đường sắt, theo đó, đây cũng là hình thức vận tải cạnh tranh và cần đưa vào dự thảo Chiến lược để giảm rủi ro trong vận tải biển trong trường hợp hình thức vận tải này gặp vấn đề như tình hình kênh đào Suez hay, vấn đề Biển Đỏ trong thời gian vừa qua”, ông Phạm Hoài Chung cho hay.

Đồng thời, cần tính toán số liệu về phát triển nguồn nhân lực logistics, nhất là nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp với kiến thức, kỹ năng quản lý, ứng dụng công nghệ, trình độ ngoại ngữ,… theo chuẩn mực quốc gia, khu vực và thế giới đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu, rộng.

Bổ sung nghiên cứu về các hành lang Đông – Tây (hiện đang khá mờ nhạt). Chúng ta có bờ biển dài, cần có chiến lược gắn kết các hành lang này trong quá trình phát triển logistics.

Ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo

Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo với tinh thần cầu thị, ông Trần Duy Đông – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc xem xét, tiếp thu và mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý dưới nhiều hình thức để Chiến lược thể hiện đúng tầm vóc của một ngành kinh tế quan trọng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp logistics nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ quý II/2024 tới. Cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng, khi được ban hành, chiến lược sẽ mang lại sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-thao-chien-luoc-phat-trien-dich-vu-logistics-viet-nam-can-dat-muc-tieu-cao-hon-299962.html