Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Kỳ vọng tạo đột phá để Hà Nội phát triển

Thành phố Hà Nội đang đứng trước thời cơ và cơ hội phát triển mới, đồng thời cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức sau 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023). Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận, kỳ vọng sẽ có nhiều cơ chế đột phá giúp Thủ đô huy động tốt mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng

Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ tư ngày 21/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.

Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền và nhân dân Thành phố về vị trí, vai trò và định hướng xây dựng, phát triển Thủ đô. Các cơ chế, chính sách được ban hành đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội phát triển ngày càng hiện đại

Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cùng với cả nước, Hà Nội chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid-19 và những biến động mạnh của tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới. Nhưng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt kết quả khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật.

Nền kinh tế Thủ đô cho thấy sức bền, khả năng chống chịu cao, trở thành điểm sáng về tăng trưởng. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2021 tăng 2,92%, năm 2022 tăng 8,89%, đều cao hơn bình quân chung cả nước.

9 tháng của năm 2023, suy thoái kinh tế thế giới rõ rệt, công nghiệp, xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng, nhưng nhờ chú trọng khơi nguồn phát triển dịch vụ, kinh tế Hà Nội tốt lên theo từng quý (quý I tăng 5,81%, quý II tăng 5,93%, quý III tăng 6,49%). Cơ cấu kinh tế đã phản ánh rõ kết quả này khi dịch vụ vươn lên chiếm tới 65,88%. GRDP thành phố 9 tháng tăng 6,08%, cao hơn gần 1,5 lần tăng trưởng GDP cả nước (4,24%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước thực hiện 305.300 tỷ đồng, đạt 86,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình kết quả phát triển kinh tế của Hà Nội cho thấy triển vọng phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc tổ chức thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết còn chưa đạt kết quả như mong muốn do thiếu các quy định cụ thể về cơ chế đặc thù, phân cấp cho Thành phố nhằm thực sự tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước với sức chống chịu khá tốt trước những tác động từ bên ngoài và đại dịch Covid-19, nhưng nhìn chung kinh tế Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thành phố. Tăng trưởng kinh tế chưa hoàn thành mục tiêu đề ra, tốc độ dần chậm lại.

Một số mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của Thành phố còn chưa đạt yêu cầu về tiến độ, chất lượng của một số đề án quy hoạch, quản lý quy hoạch còn hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển chưa đồng đều. Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, hạ tầng giao thông công cộng và kết nối liên vùng, đặc biệt là vùng ven đô còn nhiều khó khăn. Công tác bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, phát triển chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, vai trò, vị thế của Thủ đô…

Tại Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Một trong những nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ bất cập trong quy định của Luật Thủ đô và văn bản quy định chi tiết. Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, song vẫn còn một số nội dung của Luật Thủ đô còn chậm được ban hành văn bản quy định chi tiết để kịp thời thực hiện thống nhất, đồng bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật. Điều này làm cho một số quy định của Luật chậm đi vào cuộc sống.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại một số Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Mới đây, tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng, gồm đầy đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.

Hà Nội đang quá tải về hạ tầng giao thông

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với mục đích và các quan điểm xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và đề nghị trong quá trình xem xét, ban hành Luật cần lưu ý một số quan điểm, yêu cầu. Trong đó, bản chất của Luật Thủ đô là đạo luật về phân quyền, do đó, các quy định trong dự thảo Luật cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô.

Điều quan trọng nhất là việc phân cấp, giao quyền

Thành phố Hà Nội đang quá tải về hạ tầng giao thông, nhu cầu hoàn thiện các tuyến đường vành đai, đầu tư nhanh chóng các cây cầu vượt sông, các tuyến đường sắt rất lớn và cấp bách. Nhưng nếu thực hiện như cơ chế hiện hành thì phải rất lâu mới có thể hoàn thành, vừa gây lãng phí tiền của, vừa lãng phí thời cơ, cơ hội phát triển. Do đó, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, điều quan trọng nhất là dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đem lại giá trị thiết thực, thực chất là việc phân cấp, giao quyền cho Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, giao quyền cho Hà Nội cũng chính là tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung tiến lên. Ví dụ như giao quyền cho Thủ đô quyết định đầu tư công, các dự án theo hình thức công - tư (PPP), đầu tư các dự án cầu quy mô lớn như các cầu qua sông tại Hà Nội (cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên) có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng (thuộc nhóm dự án trọng điểm quốc gia) hay các cầu liên tỉnh thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương như cầu Ngọc Hồi, cầu Vân Phúc... Thực tế, nếu chờ các bước theo quy trình thủ tục, trình Quốc hội thì sẽ rất lâu và nếu giao cho Hà Nội thì chắc chắn thành phố thực hiện thành công.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội tham dự Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hay đối với nhu cầu xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch trên địa bàn Hà Nội, nếu thực hiện theo quy trình, cách thức hiện nay là xé lẻ từng tuyến, mỗi tuyến một nguồn vốn tài trợ, một nhà thầu thì sẽ rất manh mún và kéo dài. Do vậy, rất cần có cơ chế dành riêng cho phép cả 10 tuyến 1 gói vay ODA, trên cơ sở đó thực hiện đồng bộ, bảo đảm kỹ thuật và thời gian vận hành...

Việc di dời các trụ sở cơ quan trung ương vừa được Chính phủ báo cáo ra Quốc hội cho thấy tính chất cấp thiết cần có giải pháp cụ thể, khả thi để thực hiện; tương tự là việc di dời các bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô. Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ này, cần trao cho Hà Nội cơ chế như đứng ra giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở mới để các trường học, bệnh viện chỉ việc di chuyển đến là có thể vận hành được; thay vì để các trường học, bệnh viện di dời phải tự lo giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở mới như hiện nay...

Nếu những “nút thắt” này được tháo gỡ, không chỉ Hà Nội có sức bật mới mà các địa phương, đơn vị liên quan cũng có cơ hội phát triển. 3 nội dung quan trọng này dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Khi được Quốc hội thông qua, đây sẽ là con đường phát triển của Thủ đô trong 20-40 năm tới, nên ý nghĩa rất hệ trọng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, đây là đạo luật về phân cấp và phân quyền cho Thủ đô Hà Nội. Do đó, phải phân cấp và phân quyền toàn diện, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế; phải có trọng tâm, trọng điểm. Đối với nội dung nào phân cấp cho cấp thành phố cần thể hiện rõ, ngoài ra nghiên cứu quy định để thành phố có thể phân quyền cho cấp dưới như quận, huyện, sở, ngành.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV

Góp ý Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, nhiều Thủ đô của các nước chỉ có 100.000 dân, nhưng họ có một cơ chế rất đặc biệt để làm sao phát triển trung tâm chính trị. Riêng Thủ đô Hà Nội lại rất đặc biệt, vì có nghìn năm văn hiến về lịch sử và là Thủ đô về văn hóa. Nếu Thủ đô vẫn tiếp tục sử dụng các cơ chế bình thường với các phân cấp bình thường thì sẽ không có nguồn lực phát triển.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cần quy định các cơ chế riêng, ưu đãi đặc thù, đặc biệt vượt trội so với hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, cũng là các quy định giao trách nhiệm lớn cho Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Ngoài ra, cần phải tiếp tục rà soát để hoàn thiện các nội dung cơ bản về các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, ưu tiên đối với Hà Nội trong vấn đề phân quyền, phân cấp, ưu tiên và trách nhiệm. Xác định mỗi cơ chế, chính sách thì có phân quyền, có phân cấp, có ưu tiên nhưng gắn với trách nhiệm.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 10/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long sẽ trình Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc sẽ tiến hành thảo luận tổ về Dự án Luật này. Tiếp đó, sáng 27/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012).

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/du-an-luat-thu-do-sua-doi-ky-vong-tao-dot-pha-de-ha-noi-phat-trien-162500.html