Dự án hồ Ka Pét: Địa điểm được chọn là tối ưu trong nhiều phương án được trình

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, địa điểm lựa chọn xây hồ chứa nước Ka Pét (Bình Thuận) là phương án tối ưu trong nhiều phương án được nghiên cứu, đánh giá và tác động ít nhất đến rừng đặc dụng.

Theo đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ giám sát thường xuyên và báo cáo vào mỗi Kỳ họp cuối năm để đại biểu theo dõi việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án này.

Dự án h Ka Pétrấtcó ý nghĩa với Bình Thuận

- Xin và chia sẻ về qúa trình Quốc hội xem xét và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hồ Ka Pét?

- Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận là dự án nhóm B, công trình cấp II, nhưng có chuyển đổi mục đích sử dụng 162,55 ha rừng đặc dụng nên thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, phải do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Căn cứ hồ sơ dự án do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (diễn ra vào tháng 10.2019 - PV), Quốc hội đã giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì thẩm tra.

Thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khảo sát thực tế, nghiên cứu hồ sơ dự án và tham khảo ý kiến chuyên gia để thẩm tra sơ bộ, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo thẩm tra chính thức trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Theo hồ sơ Chính phủ trình, hồ chứa nước Kapet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận có dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3, cấp nước tưới cho 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp nước sinh hoạt cho khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường sinh thải, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và một phần đoạn qua TP. Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh.

Với mục tiêu như vậy, dự án này rất có ý nghĩa đối với một tỉnh miền Nam trung bộ luôn hạn hán, thiếu nước như tỉnh Bình Thuận. Sau khi thảo luận, đa số các ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết triển khai dự án và đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật (Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26.11.2019).

- Việc lựa chọn địa điểm xây dựng hồ chứa nước Ka Pét dựa vào căn cứ nào, thưa bà?

- Địa điểm lựa chọn dự án được các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bình Thuận, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam nghiên cứu đã lâu, tính toán kỹ lưỡng dựa trên các yếu tố: dung tích hồ chứa với diện tích mất rừng; chi phí đầu tư xây dựng; tác động của dự án đối với kinh tế - xã hội và môi trường.

Địa điểm được lựa chọn là phương án tối ưu trong nhiều phương án được nghiên cứu, đánh giá. Khu vực này được núi bao quanh, đập chính được xây dựng dựa trên 2 vách núi, kênh dẫn sử dụng sông, suối tự nhiên nên suất đầu tư thấp, chỉ bằng ½ chi phí đầu tư xây dựng hồ chứa trên địa bàn. Đối với 162,55 ha rừng đặc dụng bị chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc khu vực bìa ngoài của Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông, chất lượng rừng trung bình.

Vào mùa khô, bà con thôn 1, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam chật vật đi tìm nguồn nước và chờ nước lắng cặn mang về sử dụng. Ảnh: Thu Hà.

Sẽ giám sát thường xuyên việc thực hiện dự án

- Liên quan đến hơn 600 ha rừng sẽ “nhường chỗ” cho hồ chứa nước Ka Pét, Quốc hội cũng như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã cân nhắc vấn đề này thế nào trong quá trình thẩm tra, xem xét và thông qua dự án?

- Để thực hiện dự án, phải chuyển đổi mục đích sử dụng của 162,55 ha rừng đặc dụng; 0,91 ha rừng phòng hộ; 471,09 ha rừng sản xuất; và 45,85 ha rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Đây là vấn đề Quốc hội quan tâm về dự án này! Và cũng chính vì việc chuyển đổi 162,55 ha rừng đặc dụng nên một dự án nhóm B, công trình cấp II như dự án này phải mất thêm thời gian để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Trong quá trình thẩm tra, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và chuyên gia đã cố gắng tìm phương án hợp lý hơn trong nhiều phương án khả thi của dự án. Đồng thời, tỉnh Bình Thuận bảo đảm bố trí quỹ đất là 1.911,69ha đất để trồng rừng thay thế diện tích rừng bị chuyển đổi – tức là trồng bù gấp 3 lần diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng. Đối với các Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu loại cây trồng chủ yếu là các loài cây bản địa có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện lâm sinh khu vực này.

- Trước những ý kiến gần đây cho rằng không nên “phá rừng” để làm hồ Ka Pét, quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường như thế nào?

- Thực hiện nghiêm Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Quốc hội đã sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng thành Luật Lâm nghiệp năm 2017 trong đó cụ thể hóa Chỉ thị 13-CT/TW về việc không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, dự án cấp thiết khác.

Với mục đích và ý nghĩa của dự án hồ chứa nước Ka Pét, việc chuyển mục đích sử dụng rừng là cần thiết. Chính phủ đã khảo sát kỹ, lựa chọn phương án tối ưu, tác động ít nhất đến diện tích rừng đặc dụng (diện tích rừng đặc dụng chỉ chiếm 0,6% diện tích rừng của Khu bảo tồn). Đồng thời, có phương án phù hợp trồng rừng thay thế (đảm bảo độ che phủ rừng của tỉnh 43% cao hơn độ che phủ rừng bình quân cả nước 42%) để hạn chế tác động của diện tích rừng bị chuyển đổi.

Quá trình thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các thành viên Ủy ban là chuyên gia, nhà khoa học, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đều đã phân tích rất kỹ những phương án, cân nhắc, đo lường tất cả những lợi ích và thiệt hại về kinh tế, môi trường, xã hội”. Cuối cùng, bắt buộc phải chọn phương án chuyển đổi mục đích sử dụng 162,55 ha rừng đặc dụng (được phép thực hiện và theo trình tự thủ tục quy định của pháp luật về lâm nghiệp) và giải pháp trồng rừng thay thế, không “phá rừng” như phóng viên đề cập (hành vi trái pháp luật).

Trách nhiệm của chính quyền địa phương là tăng cường tuyên truyền và thông tin công khai về dự án để nhân dân và các cơ quan truyền thông hiểu, đồng thuận và hợp tác tốt để sớm hoàn thành dự án.

Với trách nhiệm được Quốc hội giao, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục giám sát thường xuyên hàng năm để báo cáo Quốc hội vào mỗi Kỳ họp cuối năm để đại biểu Quốc hội theo dõi việc thực hiện Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án này.

- Xin cảm ơn bà!

PV

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/moi-truong/du-an-ho-ka-pet-dia-diem-duoc-chon-la-toi-uu-trong-nhieu-phuong-an-duoc-trinh-i342227/