Đột phá nâng cao chất lượng giáo dục chính trị ở Lữ đoàn 139

Thời gian qua, Lữ đoàn 139, Binh chủng Thông tin liên lạc luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn nhận thức đúng tình hình, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Nguyễn Như Nam, Phó chính ủy Lữ đoàn 139 cho biết: Trên cơ sở quán triệt sâu sắc nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp về công tác giáo dục chính trị nói chung, giảng dạy chính trị nói riêng, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 139 xác định công tác giáo dục chính trị phải bám sát yêu cầu, nhiệm vụ để triển khai, tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất.

Theo đó, Đảng ủy chỉ huy lữ đoàn đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai chặt chẽ trong từng thời điểm, từng nhiệm vụ, kịp thời định hướng tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng trước tác động động của các sự kiện chính trị. Quá trình tổ chức giáo dục chính trị cho bộ đội, Lữ đoàn đều gắn với thực hiện các nội dung, chỉ tiêu của Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”.

Một buổi giáo dục chính trị tập trung ở Lữ đoàn 139.

Với đặc thù đơn vị có nhiều đối tượng giáo dục, lực lượng đóng quân phân tán, nhiều tổ, trạm lẻ đóng quân ở vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại còn gặp nhiều khó khăn; vì vậy, ngay từ đầu năm, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị bám sát kế hoạch giáo dục chính trị và hướng dẫn của cấp trên, từng bước thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, biên soạn tài liệu giáo dục chính trị phù hợp các đối tượng.

Để công tác giáo dục chính trị của đơn vị được đảm bảo toàn diện, Đảng ủy chỉ huy lữ đoàn quy định rõ: Nội dung giáo dục chính trị đối tượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp do Phòng chính trị đảm nhiệm, các đối tượng còn lại do chính trị viên, chính trị viên phó tiểu đoàn đảm nhiệm; các tổ, trạm lẻ do chính trị viên, chính trị viên phó đại đội hằng tháng kết hợp với kiểm tra để thực hiện nội dung giáo dục chính trị cho các đối tượng.

“Đối với đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công tác tại các tổ, trạm lẻ đóng quân vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn, đơn vị triển khai thực hiện công tác giáo dục chính trị bằng cách nào để đảm bảo không bị gián đoạn?”. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 139 cho biết: Tại các tổ trạm lẻ đóng quân ở vùng sâu vùng xa, chúng tôi tổ chức cung cấp tài liệu giáo dục chính trị thông qua hệ thống chỉ đạo điều hành đến từng người. Tài liệu giáo dục chính trị được rút gọn, có trọng tâm, trọng điểm để bộ đội nắm được nội dung, bản chất cốt lõi của bài học. Quá trình tổ chức giáo dục, chúng tôi đều có kiểm tra, đánh giá kết quả qua chuyên trang giáo dục chính trị theo đúng quy định nhằm đảm bảo công tác giảng dạy chính trị tại các tổ, trạm đảm bảo nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định.

Trên cơ sở thực hiện hình thức giáo dục chính trị do trên quy định, Lữ đoàn 139 đã tập trung đổi mới hình thức tổ chức giáo dục chính trị theo hướng mở, kết hợp lên lớp tập trung với khuyến khích tự học tập; kịp thời điều chỉnh kế hoạch huấn luyện gắn với các hoạt động thường xuyên cũng như đột xuất mà đơn vị đảm nhiệm. Kết hợp giáo dục cơ bản của tổ cán bộ giảng dạy chính trị với giáo dục thường xuyên, giáo dục qua thực tiễn quản lý giáo dục bộ đội và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cơ động, sẵn sàng chiến đấu của đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ huy các cấp. Đổi mới phương pháp truyền đạt nội dung phù hợp với trình độ, khả năng nhận thức, nhu cầu thông tin của từng đối tượng, trong đó tập trung đổi mới các hình thức: Học tập chính trị của chiến sĩ mới và hạ sĩ quan - binh sĩ, nghiên cứu chuyên đề của sĩ quan, sinh hoạt chính trị tư tưởng và thông báo chính trị - thời sự.

Đơn vị thường xuyên duy trì nghiêm nền nếp, chế độ giáo dục chính trị tại đơn vị theo kế hoạch; có sự phân công cán bộ giảng dạy đối với từng đối tượng, từng nội dung. Trong giáo dục chính trị, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 139 coi trọng phương pháp thuyết trình, đàm thoại, nêu vấn đề với việc sử dụng trình chiếu để truyền tải nội dung. Ngoài ra, đã vận dụng linh hoạt các hình thức như nghiên cứu chuyên đề, thông báo thời sự, sinh hoạt chính trị, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ, viết tin bài nêu gương người tốt việc tốt, tổ chức tọa đàm, diễn đàn, hoạt động văn hóa văn nghệ...; phát huy hiệu quả các mô hình: “Chuyên trang giáo dục chính trị”, “Mỗi tuần một câu hỏi pháp luật” kết hợp với duy trì hiệu quả trang mạng, hoạt động của lực lượng 47 đấu tranh với quan điểm sai trái, phản động và thông tin xấu độc trên mạng xã hội nhằm làm phong phú thêm nội dung, chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng. Theo đó, nhận thức về nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ ngày càng được nâng lên, chấp hành nghiêm kỷ luật của Quân đội, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: MINH TIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dot-pha-nang-cao-chat-luong-giao-duc-chinh-tri-o-lu-doan-139-725253