Đồng chí Nguyễn Thị Thập - Tấm gương người Cộng sản kiên trung, bất khuất, tiêu biểu cho truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Thị Thập, người con của quê hương Mỹ Tho - Tiền Giang là một cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng và của phong trào phụ nữ Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Thập, Tỉnh ủy Tiền Giang và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ của đồng chí Nguyễn Thị Thập, qua đó, tăng cường bồi đắp, giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, cán bộ, hội viên phụ nữ, góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.

Tại sự kiện quan trọng hôm nay, UBND tỉnh Tiền Giang tham luận với chủ đề: Đồng chí Nguyễn Thị Thập - Tấm gương người Cộng sản kiên trung, bất khuất, tiêu biểu cho truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống yêu nước tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (trước là tỉnh Mỹ Tho), đồng chí Nguyễn Thị Thập giác ngộ lý tưởng cách mạng từ rất sớm. Năm 20 tuổi, đồng chí tham gia tổ chức Nông hội đỏ tại địa phương; năm 1931, đồng chí thoát ly hoạt động phong trào, xây dựng cơ sở ở Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre... và được kết nạp vào Đảng, với bí danh là Mười Thập. Năm 1935, đồng chí là Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam kỳ; năm 1940, đồng chí tham gia chỉ huy cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Mỹ Tho giành thắng lợi.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Thị Thập giữ nhiều trọng trách quan trọng như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa IV; đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI; Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa III, IV, VI; Trưởng ban Phụ vận Trung ương Đảng, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 1956 đến 1974...

Sinh ra từ gia đình nông dân, sớm tiếp cận với Chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã bước vào con đường hoạt động của một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Cuộc đời hoạt động gần 70 năm của đồng chí là một quá trình đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, gắn liền với chặng đường đấu tranh hào hùng, vẻ vang của sự nghiệp cách mạng Mỹ Tho - Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung.

Những tư liệu lịch sử, các chứng cứ khoa học đã khẳng định vai trò và những cống hiến quan trọng của đồng chí Nguyễn Thị Thập trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, có thể xem xét ở 3 luận điểm sau: (1) Những đóng góp của đồng chí trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ - tháng 11-1940; (2) Vai trò tích cực của đồng chí trong việc thống nhất Đảng bộ Nam kỳ; (3) Một lãnh tụ xuất sắc của phong trào phụ nữ cả nước...

Thứ nhất, những đóng góp của đồng chí trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.

Đầu tháng 11-1940, Tỉnh ủy Mỹ Tho họp ở Thạnh Phú, Châu Thành triển khai Nghị quyết tháng 10-1940 của Xứ ủy, chuẩn bị và xây dựng kế hoạch khởi nghĩa. Theo phân công, đồng chí Nguyễn Thị Thập phụ trách Lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh phối hợp lực lượng tại chỗ giành chính quyền các xã Tam Hiệp, Long Định, Long An... uy hiếp lộ 4 (nay là Quốc lộ 1). Xứ ủy cho lệnh khởi nghĩa vào đêm 22, rạng sáng ngày 23-11. Đồng chí Nguyễn Thị Thập được phân công chỉ huy đánh đồn Tam Hiệp.

Rạng sáng ngày 23-11-1940, đồng chí chỉ huy cánh quân tiến đánh đồn Tam Hiệp, giành quyền làm chủ tại Thân Cửu Nghĩa, Tam Hiệp, Long An; sau đó, tiến ra Long Định tiếp ứng với cánh quân do đồng chí Nguyễn Văn Tân chỉ huy. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, trong 2 cánh quân này, 1 cánh quân rút về làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ và uy hiếp lộ 4; 1 cánh quân rút về Đình Long Hưng bảo vệ chính quyền nhân dân. Với khí thế hừng hực của cuộc khởi nghĩa, đến 12 giờ trưa ngày 23-11, các mũi tiến công của ta cùng trở về Đình Long Hưng, thành lập chính quyền công nông cách mạng. Đình Long Hưng trở thành Tổng hành dinh cách mạng của tỉnh Mỹ Tho.

Khởi nghĩa thành công, đồng chí được phân công phụ trách Ban làm sổ sách (để tiếp nhận lương thực tiếp tế) và Ban quân trang (lo cắt may quần áo cho chiến sĩ)... Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra thắng lợi tại Mỹ Tho đã khẳng định, đồng chí Nguyễn Thị Thập có vai trò và đóng góp quan trọng từ việc đề ra chủ trương khởi nghĩa, xây dựng lực lượng đến trực tiếp chỉ huy, tham gia chiến đấu cùng với Lực lượng vũ trang và nhân dân.

Thứ hai, vai trò tích cực của đồng chí Nguyễn Thị Thập trong việc thống nhất Đảng bộ Nam kỳ.

Trong giai đoạn cách mạng 1943 - 1945, ở Nam kỳ tồn tại song song 2 hệ thống tổ chức Đảng là Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải phóng, tuy có mục tiêu chung là đấu tranh tiến tới giành chính quyền nhưng chủ trương, phương thức đấu tranh có khác nhau. Việc tồn tại và hoạt động tách rời nhau là điều rất bất lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền; vì vậy, Trung ương Đảng xác định việc thống nhất tổ chức và hoạt động của 2 hệ thống tổ chức Đảng là yêu cầu tất yếu, khách quan.

Đầu tháng 8-1945, đồng chí Nguyễn Thị Thập được Tổng Bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ giúp đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Tổng bộ Việt Minh - đặc phái viên của Trung ương tiến hành việc thống nhất các tổ chức Đảng ở Nam kỳ. Với sự bố trí của đồng chí Mười Thập, các phái viên Trung ương đã có nhiều cuộc họp với đại biểu 2 Xứ ủy nhằm thống nhất về tổ chức, khắc phục sự tách rời, phân tán lực lượng.

Ngày 15-10-1945, tại Cầu Vỹ (Mỹ Tho), đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chủ trì cuộc họp thống nhất 2 Đảng bộ Tiền phong và Giải phóng làm một, tuyên bố dứt điểm không cho phép một đảng viên nào hoạt động riêng rẽ. Hội nghị đã bầu ra Xứ ủy Nam kỳ (mới) do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Bí thư Xứ ủy.

Việc thống nhất 2 tổ chức Đảng thành công, trong đó có sự đóng góp rất lớn, quan trọng của đồng chí Mười Thập đã giúp cho Đảng ổn định về tổ chức, phát triển lực lượng, làm tiền đề cho quá trình lãnh đạo cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi sau này.

Thứ ba, những đóng góp xuất sắc của đồng chí Mười Thập đối với phong trào phụ nữ cả nước.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng chí được phân công làm Bí thư Đảng đoàn, Hội trưởng Phụ nữ Nam bộ. Năm 1955, đồng chí tập kết ra Bắc, tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; năm 1956, được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và giữ nhiệm vụ này suốt những năm kháng chiến chống Mỹ.

Quá trình tham gia công tác Hội và phong trào phụ nữ, vai trò về giới đối với phụ nữ miền Nam luôn được đồng chí xem trọng. Để thành lập Hội Phụ nữ Nam bộ, đồng chí chủ trương củng cố tổ chức và triệu tập Hội nghị toàn Nam bộ với đại biểu phụ nữ của 14 tỉnh về dự. Đến cuối năm 1949, tổ chức Hội Phụ nữ ở Nam bộ đã có đầy đủ Ban Chấp hành của 21 tỉnh; nhờ đó phong trào phụ nữ đã lớn mạnh, thực hiện được nhiều việc như: Phát triển hội viên, chăm lo bà mẹ và trẻ em, xây dựng mạng lưới vệ sinh phòng bệnh, xây dựng nhà bảo sanh, hình thành các lớp bình dân...

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Mười Thập, phụ nữ miền Nam vùng lên mạnh mẽ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là lực lượng xung kích trong đấu tranh chính trị, binh vận; dũng cảm, mưu trí trong đấu tranh vũ trang; đồng thời cũng là lực lượng sản xuất to lớn... Vừa trực tiếp chiến đấu, vừa phục vụ chiến đấu và làm tốt công tác hậu phương. Phong trào phụ nữ đã phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, từ đô thị, về nông thôn, trải dài đến miền núi... hình thành nên Mặt trận phụ nữ rộng lớn.

Năm 1965, tiếp thu nguyện vọng của hàng triệu phụ nữ yêu nước, đồng chí Nguyễn Thị Thập cùng với tập thể Trung ương Hội đã đề xuất Trung ương Đảng phát động trong toàn thể phụ nữ miền Bắc phong trào “3 đảm nhiệm”; đây là sự chuyển hướng kịp thời về khẩu hiệu vận động phụ nữ trước tình thế cấp bách của đất nước. Phong trào sau đó đã được Hồ Chủ tịch gợi ý đổi tên thành “3 đảm đang”, thu hút hàng triệu phụ nữ đăng ký thực hiện. Tháng 5-1968, phong trào “3 đảm đang” được nâng cao chất lượng thành cao trào “3 đảm đang”: Đảm đang sản xuất, công tác; Đảm đang gia đình; Đảm đang phục vụ chiến đấu và chiến đấu với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Có thể khẳng định, phong trào “3 đảm đang” đã trở thành phong trào yêu nước rộng lớn của các tầng lớp phụ nữ, là một trong những phong trào thi đua quy mô lớn trong lịch sử Việt Nam hiện đại, ghi mốc son trong lịch sử tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; trong đó, có dấu ấn lãnh đạo đặc biệt của đồng chí Nguyễn Thị Thập.

Phong trào phụ nữ và công tác Hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp nối tấm gương của người chiến sĩ Cộng sản kiên trung - Nguyễn Thị Thập, các thế hệ phụ nữ tỉnh nhà đã luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; tích cực học tập nâng cao trình độ; năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất và công tác. Phụ nữ Tiền Giang ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội, có những đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và theo dõi công tác Hội và phong trào phụ nữ theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng và hướng dẫn của Trung ương Hội. UBND tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp thực hiện có hiệu quả Nghị định 56/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc đảm bảo cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia quản lý nhà nước.

Lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên gặp gỡ cán bộ, hội viên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị; từ đó tạo điều kiện cho cán bộ nữ, hội viên phụ nữ, các tầng lớp phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy năng lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh nhà. Những năm gần đây, tỷ lệ nữ tham gia vào hệ thống chính trị được nâng lên; giới nữ có sự chủ động nghiên cứu, kiến nghị các chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác Hội và phong trào phụ nữ tỉnh nhà; đặc biệt là việc triển khai thực hiện các Đề án: “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”,“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”...

Học tập và noi theo tấm gương đồng chí Nguyễn Thị Thập - người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, tiêu biểu cho truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; UBND tỉnh tin tưởng rằng trong thời gian tới, công tác Hội và phong trào phụ nữ tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp.

Thay mặt UBND tỉnh, kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý đại biểu luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

NGUYỄN VĂN VĨNH

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang

(Trích tham luận của đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tại Hội thảo khoa học Cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Thị Thập)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202310/dong-chi-nguyen-thi-thap-tam-guong-nguoi-cong-san-kien-trung-bat-khuat-tieu-bieu-cho-truyen-thong-tot-dep-cua-nguoi-phu-nu-viet-nam-992713/