'Đồng chí Nguyễn Thị Thập đã để lại nhiều 'tài sản' vô cùng quý báu'

(ABO) “Đồng chí Nguyễn Thị Thập đã đi xa nhưng để lại trong tôi rất nhiều tài sán quý báu: Tài sản về tình cảm cách mạng, tài sản về tâm hồn thanh cao, tài sản về nghị lực không ngơi nghỉ, tài sản về ý chí phấn đấu, tài sản về trí tuệ… để sống, cống hiến, học tập, làm việc phục vụ nhân dân, phụ nữ, sự nghiệp của Đảng giao; đó là tấm gương sáng mà suốt đời tôi học tập, noi theo” - đây là những phát biểu của đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước tại Hội thảo khoa học Cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Thị Thập tổ chức tại Tiền Giang vào ngày 10-10 nhân kỷ niện 115 Ngày sinh đồng chí.

Đồng chí Trương Mỹ Hoa phát biểu tại hội thảo.

CẢM KÍCH NGUYỄN THỊ THẬP QUA SÁCH BÁO, LỜI KỂ

Đồng chí Trương Mỹ Hoa kể: Trước năm 1975, tôi hoạt động ở Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, khi đó tôi có đọc cuốn sách Hoa hướng dương nói về đồng chí Nguyễn Thị Thập, nói về tình hình Nam kỳ khởi nghĩa bị giặc càn quét khủng bố. Trong đó, viết về đồng chí Nguyễn Thị Thập - một người cán bộ nữ đã tận tụy hy sinh, đi sâu vào quần chúng gây dựng lại cơ sở, gậy dựng lại phong trào tiêu biểu nhiều nơi. Đó là cuốn sách tôi đọc khi tham gia cách mạng; đọc một cách vội vàng, hiểu sơ bộ về đồng chí Nguyễn Thị Thập nhưng lòng tôi đầy cảm kích.

Lần thứ hai, đồng chí Trương Mỹ Hoa biết đến đồng chí Nguyễn Thị Thập qua tập thơ của nhà thơ Bảo Định Giang. “Năm 1975 khi tôi ra tù, tôi có nhận được quyển sách nhỏ của nhà thơ Bảo Định Giang, trong đó có tấm ảnh đồng chí Nguyễn Thị Thập. Tập thơ tóm tắt cuộc đời cách mạng và những bài thơ viết về đồng chí Nguyễn Thị Thập. Dù chỉ mới nhìn qua hình, nhưng tôi cảm nhận được sự gần gũi thân thương với đồng chí Nguyễn Thị Thập…”.

Đồng chí Trương Mỹ Hoa (bên trái) trò chuyện cùng lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại hội thảo.

Đồng chí Trương Mỹ Hoa kể tiếp: “Năm 1984, khi tôi được phân công ra Hà Nội nhận nhiệm vụ là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tức là 24 năm sau khi lần đầu tiên tôi biết về đồng chí Mười Thập qua cuốn sách Hoa hướng dương. Có lẽ tôi là người may mắn và hạnh phúc hơn hết, đó là: Tôi được bố trí ở ngôi nhà số 41, đường Hàng Chuối (nơi đồng chí Mười Thập sống chỉ đạo công tác Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam). Tôi được ngủ trên chiếc giường của đồng chí, một chiếc giường rất nhỏ, bề ngang khoảng 8 tấc, đã cũ, đơn sơ nhưng rất ấm áp. Điều nữa là, tôi được làm công tác Hội Phụ nữ, công việc và sự nghiệp mà đồng chí Nguyễn Thị Thập đã để lại”.

Được làm việc và sống cùng các cô, dì tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, là những người đã sống và làm việc, được đồng chí Nguyễn Thị Thập đào tạo, bồi dưỡng, thường được nghe kể về đồng chí Nguyễn Thị Thập, đồng chí Trương Mỹ Hoa lại càng tự hào, kính trọng đồng chí Nguyễn Thị Thập. Đồng chí Trương Mỹ Hoa tự nhủ phải luôn cố gắng làm theo những điều đồng chí Nguyễn Thị Thập đã làm để đưa phong trào phụ nữ Việt Nam phát triển.

CẢ CUỘC ĐỜI LUÔN QUAN TÂM, CHO LO CHO PHỤ NỮ

Sau này, có những dịp gặp đồng chí Nguyễn Thị Thập, đồng chí Trương Mỹ Hoa gọi với cái tên thân mật là “Dì Mười”. Đồng chí Trương Mỹ Hoa kể về những công hiến cho phong trào phụ nữ với sự kính trọng: Những người cán bộ, các cô được dì Mười đào tạo, giáo dục vẫn thường nhắc đến dì Mười trong những câu chuyện.

Cụ thể như: Khi bàn về 2 Cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Phụ nữ nuôi dạy con tốt góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học” để trở thành phong trào sau này, qua lời kể, tôi cảm nhận được sự tâm huyết của Dì Mười, hết lòng vì phụ nữ. Hay ở phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” là những kinh nghiệm của Dì Mười Thập trong chỉ đạo thực hiện.

Còn khi bàn về một số vấn đề pháp luật thì các cô, chị cũng nhắc lại Luật Hôn nhân gia đình, Nghị quyết 52 về cán bộ phụ nữ hoặc Nghị quyết 153 về công tác cán bộ nữ. Chúng tôi cho rằng đó là tài sản vô cùng lớn của đồng chí Nguyễn Thị Thập, mà chúng tôi có trách nhiệm tiếp tục thực hiện cho đến sau này.

Đồng chí Trương Mỹ Hoa chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu.

Bên cạnh đó, theo lời kể của đồng chí Trương Mỹ Hoa, đồng chí Nguyễn Thị Thập là người lãnh đạo rất thương chị em. Thời kỳ bao cấp, phụ nữ đi công tác cơ sở phải gửi nhà, gửi con cho hàng xóm nuôi giúp; đồng chí Nguyễn Thị Thập luôn quan tâm, dặn dò, chị em có khó khăn thì trao đổi để giúp đỡ.

Đồng chí Trương Mỹ Hoa khâm phục: “Chị Phương Thảo ở Ban Nghiên cứu của Trung ương Hội từng nói với tôi rằng: Đồng chí Nguyễn Thị Thập không bằng cấp nhưng là người lãnh đạo có tầm nhìn rất sâu sắc về chiến lược và có trí tuệ sắc sảo; bởi vì đồng chí Mười Thập biết lắng nghe ý kiến của tham mưu, tham vấn cho mình, cho nên các cô, chị đánh giá rất cao về Dì Mười.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập không chỉ lo làm những việc lớn như tổng kết lịch sử, làm Nhà truyền thống phụ nữ, mà còn thường xuyên quan tâm chú ý từng việc nhỏ, góp ý, uốn nắn cán bộ phụ nữ đến từng chi tiết, kể cả việc ăn mặc của phụ nữ sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, vùng miền. Sau này, dù sức khỏe yếu, sống ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng đồng chí Nguyễn Thị Thập vẫn quan tâm, theo dõi đến chị em Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương cũng như cả nước.

“Năm 1990, lúc đó Dì Mười 82 tuổi. Một lần tôi đón Đoàn phụ nữ Pháp do chị Silvie Jan, Chủ tịch Hội Phụ nữ Pháp, đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế làm Trưởng đoàn sang thăm Việt Nam. Sau buổi tiếp chính thức, bạn đề nghị làm việc với một số ban chuyên đề. Hôm sau, khi đoàn đang làm việc, tôi có đi ngang qua và bước vào chào, truyền hình đang quay buổi làm việc và cũng ghi hình tôi luôn. Tối đó, Dì Mười xem tivi thấy tôi mặc áo ngắn, liền gọi điện nhắc nhở ngay: “Mỹ Hoa nhớ mình là phụ nữ nên phải mặc áo dài, nhất là khi tiếp xúc với bè bạn quốc tế, vì đó là hình ảnh của phụ nữ Việt Nam”.

Sau đó, tôi đã về thăm Dì Mười và giải thích với dì là vì sao lúc đó tôi không mặc áo dài. Chuyện nhỏ thôi nhưng khiến tôi hết sức cảm động vì thấy Dì Mười luôn quan tâm theo dõi, nhắc nhở mình chu đáo như một người bà, người mẹ đối với con, cháu trong gia đình. Một lần, có một chị lãnh đạo Trung ương Hội đi đâu cũng quàng khăn, Dì Mười nói với tôi nói lại với chị đó: Ngoài Bắc trời lạnh thì có thể quàng khăn được, nhưng trong Nam không có lạnh đừng có quàng khăn, không phù hợp đâu” - đồng chí Trương Mỹ Hoa kể.

Đồng chí Trương Mỹ Hoa chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu.

Đến nay, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã đi xa gần 30 năm, nhưng đồng chí Trương Mỹ Hoa vẫn nhớ mãi hình ảnh đôn hậu của đồng chí Nguyễn Thị Thập những năm cuối đời. Đồng chí Trương Mỹ Hoa xúc động: Có lần tôi đến thăm Dì Mười, chúc dì sống lâu 100 tuổi. Dì Mười vui vẻ khoác tay và không nhận lời. Dì đưa ngón tay lên và nói: Một tí thôi. Tức là sống thêm một ít nữa thôi, chứ không nhận 100 tuổi và chỉ 3 năm sau dì mất. Những cử chỉ rất tình cảm, dễ thương và khó quên, dù là người lãnh đạo nhưng tôi xem dì như là người thân, người mẹ của mình.

Có thể nói rằng thế hệ chúng tôi sống khá xa với dì, dù ít được nghe dì nói, không có sự chỉ dạy hay bài vở nào, nhưng chúng tôi học ở dì rất nhiều: Học ở cách chỉ đạo, học ở những người cán bộ của Dì Mười truyền đạt lại. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Dì Mười, mà hình ảnh tiêu biểu là người mẹ, người vợ, người chiến sĩ cách mạng, người đảng viên của Đảng và là người lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Là người con của đất Tiền Giang, cùng quê hương đồng chí Nguyễn Thị Thập, trong suốt những năm tháng hoạt động trong phong trào phụ nữ, đồng chí Trương Mỹ Hoa luôn cố gắng thực hiện những điều mong ước của đồng chí Nguyễn Thị Thập. Đồng chí Nguyễn Thị Thập luôn là tấm gương lớn cho các thế hệ phụ nữ thời kỳ đổi mới noi theo.

LÊ PHƯƠNG - HÀ NAM

(lược ghi)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202310/dong-chi-nguyen-thi-thap-da-de-lai-nhieu-tai-san-vo-cung-quy-bau-993014/