Dòng chảy nhân tài Ấn Độ

Dòng chảy nhân tài Ấn Độ đến Mỹ và vốn của Mỹ vào Ấn Độ là một công thức đang thúc đẩy ngày càng nhiều người Ấn Độ tỏa đi khắp nơi.

Tác giả Parag Khanna tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế. Ảnh: World Economic Forum.

Di sản thuộc địa đã đưa người Ấn Độ tỏa đi khắp các nước trên thế giới. Cộng đồng Ấn kiều là cộng đồng hải ngoại lớn thứ hai trên thế giới (sau Trung Quốc) nhưng đa dạng nhất về mặt địa lý với sự hiện diện đông đảo ở mọi lục địa (ngoại trừ Nam Mỹ). Ấn Độ vốn dĩ đã có số lượng lớn nhất người di cư sống ở nước ngoài nhưng vẫn mang quốc tịch Ấn Độ (hơn 17 triệu), vượt xa người Mexico (gần 12 triệu) và người Trung Quốc (gần 11 triệu).

Người Ấn Độ định cư ở UAE nhiều đến nỗi đại sứ quán ở đó đang thu thuế Ấn kiều để hỗ trợ cho những công dân gặp khó khăn hoặc cần hồi hương. Cựu tổng thống Guyana, cựu thủ tướng Ireland và đương kim thủ tướng Bồ Đào Nha đều là người gốc Ấn.

Cuộc chiến giành nhân tài trong lĩnh vực y tế, công nghệ và các lĩnh vực khác đã kéo thêm hàng triệu gia đình Nam Á đến Vương quốc Anh và Bắc Mỹ, nơi tiếng Anh đã mang lại cho họ lợi thế hơn những người đến từ các quốc gia khác trong việc hòa nhập.

Tôi nhớ mình đã học tiếng Anh rất vất vả, nhưng tôi còn trẻ nên việc là một người nói tiếng Anh không phải người bản ngữ đã không còn quan trọng nữa vào thời điểm tôi được khoảng tám tuổi. Và chính vì có tương đối ít gia đình Ấn Độ ở Quận Westchester (bên ngoài Thành phố New York) vào giữa những năm 1980 nên hòa nhập là lựa chọn duy nhất. Trên khắp châu Âu và Mỹ, bạn sẽ dễ tìm thấy một “khu phố Hoa” hơn một “khu phố Ấn”.

Làn sóng người Ấn Độ di cư toàn cầu tiếp theo có thể lớn hơn nhiều so với những gì thế giới đã trải qua cho đến nay. Với độ tuổi trung bình trẻ hơn nhiều so với Trung Quốc, Ấn Độ có 600 triệu người trẻ dưới 25 tuổi. Khoảng 3,1 triệu lao động nước ngoài có tay nghề cao ở các nước OECD sinh ra ở Ấn Độ, cao hơn nhiều so với con số 2,2 triệu của Trung Quốc.

Với sự suy thoái kinh tế thời hậu Covid-19 và mức độ ô nhiễm nghiêm trọng của nước này, người dân Ấn Độ đang có động lực để di cư hơn bao giờ hết. Khi Ấn Độ mở rộng các trường đại học của mình, số người Ấn Độ đủ điều kiện nhận các bằng cấp sau đại học ở Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản và Singapore thậm chí sẽ còn tăng hơn nữa. Sinh viên Trung Quốc hiện đông hơn sinh viên Ấn Độ ở các phân hiệu phương Tây, nhưng Ấn Độ vẫn còn cơ hội rất lớn để bắt kịp. Hơn nữa, người Ấn Độ không phải đối mặt với những nghi ngờ mà người Trung Quốc đang đối mặt.

Với sự kết hợp giữa ngôn ngữ tiếng Anh, giáo dục chuyên môn và bản sắc không đe dọa về mặt chiến lược, người Ấn Độ đang được chào đón ở khắp mọi nơi, nhất là những nơi đã vắng bóng người Trung Quốc. CEO của IBM, Google, Microsoft, Mastercard, Nokia và Novartis đều là người Ấn Độ, cũng như các nhà sáng lập và điều hành của hàng trăm công ty khác từ Boston đến Thung lũng Silicon; rất khó có khả năng họ là người Trung Quốc.

Dòng chảy nhân tài Ấn Độ đến Mỹ và vốn của Mỹ vào Ấn Độ là một công thức đang thúc đẩy ngày càng nhiều người Ấn Độ tỏa đi khắp nơi. Phần lớn các thị thực H1-B của Mỹ thuộc về người Ấn Độ, những người đang giúp Mỹ đẩy mạnh ngành sản xuất và xuất khẩu phần mềm. Viện Brookings ước tính rằng sắc lệnh hạn chế thị thực lao động không định cư vào tháng 6/2020 của Tổng thống Trump đã làm nền kinh tế Mỹ mất trắng 100 tỷ đôla.

Nó cũng giúp các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ có cớ để mở rộng dấu ấn vốn đã khổng lồ ở nước ngoài của họ: các khoản đầu tư của Thung lũng Silicon vào Ấn Độ đang tăng mạnh từ viễn thông đến thương mại điện tử đến AI. Ấn Độ muốn thuyết phục 100 trường đại học lớn mở phân hiệu tại chính Ấn Độ.

Parag Khanna/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/dong-chay-nhan-tai-an-do-post1449958.html