Đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Thủ Đức đề xuất để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98

Mong muốn duy trì các chính sách chi thu nhập tăng thêm cho các giáo viên, công chức, viên chức; hướng dẫn một số mô hình khởi nghiệp công nghệ cao cho thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS); đào tạo nguồn nhân lực thời đại 4.0... - đó là những ý kiến liên quan đến Nghị quyết 98 do các đại biểu DTTS tại TP Thủ Đức (TPHCM) nêu ra.

Đại biểu phụ nữ dân tộc Chăm tham dự tọa đàm

Sáng 10/5, UBND TP Thủ Đức (TPHCM) tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề "Đồng bào dân tộc thiểu số TP Thủ Đức hiến kế thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh".

Tham dự chương trình có 150 đại biểu đại diện cho 29 DTTS trên địa bàn tham gia. Tại buổi tọa đàm, các lãnh đạo TP Thủ Đức đã lắng nghe và phản hồi những ý kiến, đóng góp đến từ các đại biểu tham dự. Chương trình đã thu hút nhiều lượt ý kiến với các nội dung như: Nghị quyết 98 mang lại lợi ích gì cho thanh niên, phụ nữ DTTS trên địa bàn TP Thủ Đức; vai trò của đồng bào DTTS trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống; quan tâm đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất cũng như các hoạt động nâng cao sức khỏe của người dân trong lĩnh vực y tế; một số kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù thu hút nhân tài; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các dân tộc góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc...

Bà Phạm Thị Nhàn, dân tộc Mường (Linh Trung, TP Thủ Đức, TPHCM), cho biết: "Để Nghị quyết thực hiện có hiệu quả, bản thân tôi với vai trò là người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc ở địa phương, tôi đã tham gia tuyên truyền về nội dung Nghị quyết 98, lồng ghép cùng các nội dung tuyên truyền khác. Tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng, phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, không mê tín dị đoan, không truyền bá đạo giáo trái pháp luật. Vận động cháu trong độ tuổi đi học đến trường; tích cực tham gia các phong trào khuyến học khuyến tài, xã hội học tập, xây dựng gia đình hạnh phúc".

Bà Phạm Thị Nhàn, dân tộc Mường (Linh Trung, TP Thủ Đức, TPHCM).

Chị Năng Thị Mỹ Duyên, dân tộc Chăm (Thành Đoàn TP Thủ Đức), đại diện cho thế hệ thanh niên trên địa bàn TP Thủ Đức, chia sẻ: "Đồng bào các DTTS trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 98, thanh niên DTTS khởi nghiệp thường tập trung vào các lĩnh vực lao động sản xuất truyền thống, chưa tiếp cận được nhiều với phương tiện, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao. Do vậy, tôi kiến nghị thành phố cần tổ chức những chuyên đề đồng hành cùng thanh niên DTTS gắn với trang bị kiến thức, kỹ năng ứng dụng khoa học sáng tạo. Hướng dẫn một số mô hình khởi nghiệp công nghệ cao. Ví dụ có thể thành lập một CLB Khuyến tài thanh niên dân tộc. Trong đó thường xuyên tổ chức các hoạt động tham quan tại Khu Công nghệ cao, các công ty, doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực khoa học, công nghệ hiện đại. Gặp gỡ các nhà khởi nghiệp từ lĩnh vực khoa học hiện đại, từ đó giúp các bạn có thể tiếp cận, tiếp thu kiến thức mới...".

Cô giáo Thái Mộng Thu, trường mầm non Tuổi Ngọc (TP Thủ Đức, TPHCM), chia sẻ: "Hiện nay, Nghị quyết 98 với các chính sách chi thu nhập tăng thêm hỗ trợ giáo viên đã phần nào giảm bớt áp lực "cơm, áo, gạo, tiền" cho giáo viên mầm non. Đây điều rất đáng mừng. Bởi lẽ, đặc thù của giáo viên mầm non làm việc nhiều, thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà mà mức lương lại thấp hơn so với các cấp học khác nên không tránh khỏi nhiều người không thể bám trụ với nghề. Tôi thiết nghĩ chính quyền nên cân đối và cố gắng duy trì các chính sách chi thu nhập tăng thêm nhằm tạo sự phấn khởi và an tâm công tác cho các giáo viên mầm non nói riêng và toàn bộ công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung".

Ông Ngọc Kiên Cường, dân tộc Tày (Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TPHCM), đã đưa ra một số giải pháp liên quan đến xây dựng TP Thủ Đức trong thời đại 4.0 như: Xây dựng phòng khoa học công nghệ và thông tin trở thành phòng đặc biệt tinh nhuệ với mỗi thành viên phải là một chuyên gia về công nghệ, mời các chuyện gia về làm việc, tổ chức tham quan học hỏi ở các thành phố phát triển trên thế giới; thành lập tổ Cách mạng công nghiệp 4.0; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0; phát huy vai trò của đội ngũ trí thức.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức (TPHCM), phát biểu tại buổi tọa đàm.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức (TPHCM), nhấn mạnh: "Những ý kiến tâm huyết liên quan đến Nghị quyết 98 sẽ được tổng hợp để lãnh đạo thành phố cùng nhìn nhận những kết quả đã làm được và những điều chưa làm được. Thành phố đã ghi nhận một số nhóm vấn đề chính như: Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các dân tộc, thành lập các câu lạc bộ mang tính giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; quan tâm đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc được tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh; hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ kết nối đào tạo nghề nghiệp, giới thiệu việc làm; đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… Từ những hiến kế của quý vị đại biểu, chúng tôi sẽ được tiếp thu và bổ sung vào những các đề án, những nhiệm vụ, kế hoạch liên quan để TP Thủ Đức thực hiện trong thời gian tới".

Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có 44 cơ chế, chính sách với 7 nhóm, lĩnh vực: Quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy chính quyền thành phố; tổ chức bộ máy chính quyền của TP Thủ Đức.

Phạm Hoài

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dong-bao-dan-toc-thieu-so-tai-tp-thu-duc-de-xuat-de-thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-98-2024051014174668.htm